Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, tỉnh biến khó khăn thành lợi thế

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 27/07/2021 06:15 AM (GMT+7)
Trong quá trình thực hiện "Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP), tỉnh Bắc Kạn đã biến những khó khăn như địa hình có độ dốc cao, đồi núi chia cắt, diện tích đất sản xuất ít… thành lợi thế.
Bình luận 0

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với địa hình khá bất lợi như nhiều đồi núi chia cắt, có độ dốc cao, diện tích đất canh tác không nhiều, dân số không đông, tập quán canh tác còn nhỏ lẻ, do đó khó hình thành được những vùng sản xuất tập trung có diện tích lớn, sản lượng lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 1.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trao đổi với phóng viên về khó khăn và lợi thế của Bắc Kạn khi làm OCOP. (Ảnh: Chiến Hoàng)

"Trước đó người dân chủ yếu nuôi, trồng phục vụ nhu cầu gia đình, còn dư mới đem ra chợ bán, do đó nhiều sản phẩm của nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn mới chỉ dừng ở quy mô tiêu thụ nhỏ hẹp, trong cộng đồng dân cư một vùng.

"Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm" khi đưa vào thực hiện đã đánh thức, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có của tỉnh Bắc Kạn; giúp cao nhận thức, đổi mới tư duy của người nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất", bà Hoa cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (ngoài cùng bên phải), Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành giới thiệu khu vực trồng cây nghệ nếp của HTX tại xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn. (Ảnh Chiến Hoàng)

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, tỉnh Bắc Kạn với những bất lợi như độ dốc cao, bị chia cắt cũng đồng thời tạo ra những tiểu vùng khí hậu. Ở độ cao như Bắc Kạn đặc điểm khí hậu khá riêng, chất đất và khoáng chất trong đất cũng vậy; biên độ chênh lệch nhiệt độ giữ ngày và đêm cũng là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 

Để khắc phục những hạn chế về địa hình, diện tích đất canh tác… tỉnh Bắc Kạn đã tập trung khai thác phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng đặc sản, đặc hữu, và nông nghiệp hữu cơ, hướng đến các sản phẩm giá trị cao.

Trong quá trình thực hiện, qua tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm đặc sản, đặc hữu của vùng như: cây hồng không hạt, trà hoa vàng, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo Khẩu nua Lếch (Ngân Sơn), gạo nếp Tài, Bí xanh thơm (Ba Bể), cây nghệ nếp, các sản phẩm về nấm…", bà Hoa chia sẻ.

Theo thống kê của sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn năm 2020, tổng diện tích trồng lúa của tỉnh: 23.212ha, năng suất bình quân 49,34 tạ/ha, sản lượng 114,534 tấn.

Cây cam, quýt diện tích trồng có 3.220ha, diện tích cho thu hoạch 2.190ha, sản lượng đạt 18.231 tấn, diện tích được chứng nhận An toàn thực phẩm hoặc VietGap là 41ha. Tổng đàn gia súc trâu, bò, ngựa có 68.341 con, đàn lợn 152.540 con, đàn gia cầm có 1.521.579 con.

Được biết, những vùng chuyên canh cây đặc sản như: quýt Quang Thuận, hồng không hạt Ba Bể, Quế hồi, trà hoa vàng… đã dần được hình thành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 3.

Ông Nông Thanh Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dương Phong tại vườn quýt của HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong, nơi đang thực hiện trồng cây có múi theo hướng VietGAP. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Liên quan đến các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, HTX hiện có một số sản phẩm đặc sản, đặc hữu như gạo nếp Tài, Bí xanh thơm. Các sản phẩm trên đều đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 4.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương giới thiệu đặc sản Gạo nếp Tài của HTX với đồng chí Nguyễn Long Hải (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tại một hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Kạn năm 2020. (Ảnh: Chiến Hoàng)

"Mô hình trồng lúa nếp Tài được HTX thực hiện từ năm 2018. Khi mới bắt đầu, chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 2ha; năm 2019, HTX tăng diện tích trồng lúa nếp Tài lên 7,5ha; năm 2020 là 10ha; năm 2021 là 20ha. Mới đây HTX đã đăng ký để xét OCOP 4 sao với cả 2 sản phẩm là gạo nếp Tài và Bí xanh thơm", bà Ninh cho biết thêm.

Theo bà Ninh, đầu ra cho các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của HTX Yến Dương có thị trường ổn định, chủ yếu thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng OCOP, chuỗi cửa hàng sạch hữu cơ của các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Ninh Bình và Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 6.

Sản phẩm Bí xanh thơm của HTX Yến Dương được đưa lên xe, vận chuyển đi tiêu thụ. (Ảnh: HTX Yến Dương cung cấp)

"Với sản phẩm Bí xanh thơm, 6 tháng đầu năm, HTX Yên Dương đã tiêu thụ theo kế hoạch của HTX trên diện tích 17,5ha, sản phẩm phân phối chủ yếu tại thị trường Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cao, Vinh - Nghệ An, TPHCM... và một số hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh", bà Ninh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 7.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An giới thiệu sản phẩm Gối thổ cẩm dược liệu của HTX. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Làm OCOP, Bắc Kạn biến khó khăn thành lợi thế - Ảnh 8.

Các thành viên của HTX Thiên An đang tích cực lao động sản xuất tại xưởng sản xuất của HTX. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Các sản phẩm từ dược liệu của người Dao là sản phẩm OCOP mang tính đặc hữu, với những cây thuốc, bài thuốc dân gian của người Dao, HTX Thiên An (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông) đã cho ra sản phẩm Gối thổ cẩm dược liệu cùng các sản phẩm thuốc tắm, thuốc ngâm chân, thuốc xoa bóp phục vụ khách hàng.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An cho biết, năm 2018 HTX chuyển sang sản xuất các sản phẩm từ thế mạnh của dân tộc Dao là văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm.

"Với sự kết hợp này, chúng tôi vừa có thể quảng bá sản phẩm đồng thời quảng bá sâu rộng về văn hóa người Dao. Tập trung theo hướng đó, chúng tôi rất thuận lợi khi có một cộng đồng người Dao am hiểu về văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm, thị trường tiêu thụ cũng khá ổn định", chị Quyên cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem