Bàn chuyện linh vật: Sư tử đá không có lỗi

Mai An Thứ sáu, ngày 22/08/2014 13:25 PM (GMT+7)
Sư tử Trung Quốc không có lỗi, lỗi là ở chính cái thói quen dễ dãi của chúng ta, cái thói quen mọi sự đều không chịu tìm hiểu đến đầu đến đũa, à uôm qua quýt cho xong. Bởi vậy, chuyện con sư tử “lạ” hôm nay là một lời cảnh tỉnh.
Bình luận 0

Bao lâu nay, những chú sư tử Trung Quốc cứ chễm chệ ngự từ chùa chiền đến công sở... Công trình càng to thì sư tử càng lớn, chủ nhân càng cảm thấy oai vệ. Đến khi Bộ VHTTDL có công văn yêu cầu thẳng thừng loại bỏ nó, mọi người mới lại ồ ra, đồng tình tẩy chay. Thật chẳng khác gì chuyện cháy nhà… ra sư tử Trung Quốc.

Triều đình phong kiến ngày xưa có lục bộ, trong đó có riêng một Bộ Lễ chuyên lo chuyện lễ nghi, tế tự, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần, cống nạp… Bộ này luôn hết sức nghiêm cẩn trong vấn đề bảo tồn văn hóa. Bằng chứng là cho đến hôm nay, những di sản chúng ta đang được thừa hưởng đã khẳng định tính dân tộc thuần khiết, không pha tạp.

Nhưng thời hiện đại, có lẽ vì mải miết “hòa nhập” nên mọi rào cản kỹ thuật được dỡ bỏ, đến nỗi khi Bộ VHTTDL ra văn bản cấm linh vật ngoại lai, mọi người mới ngã ngửa ra vì sư tử Trung Quốc đã tràn ngập khắp nơi khắp chốn. Từ công sở trung ương đến địa phương, từ chùa chiền đến đài tưởng niệm liệt sĩ, thậm chí ra tận đảo Trường Sa cũng gặp sư tử Trung Quốc như nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.

Như một lẽ đương nhiên, ở đời mạnh thắng yếu, hữu ý thắng vô tình, nếu ở Việt Nam, Bộ Lễ (tức là những công việc có phần tương đương, trùng hợp với Bộ VHTTDL ngày nay) mà mạnh, mà sát sao với chuyện trước công sở, di tích, đình chùa không được đặt những gì không thuộc về văn hóa Việt, thì làm gì có đất cho sư tử nước ngoài nhe nanh trợn mắt thể hiện oai phong? Cái quan trọng là mọi sự đã bị buông xuôi, đã bị lờ đi do vô tình khiến thành quen mắt, nên cho đến khi Bộ Lễ “sực tỉnh” thì linh vật ngoại đã tràn khắp nơi rồi.

Sư tử Trung Quốc không có lỗi, lỗi là ở chính cái thói quen dễ dãi của chúng ta, cái thói quen mọi sự đều không chịu tìm hiểu đến đầu đến đũa, à uôm qua quýt cho xong. Bởi vậy, chuyện con sư tử “lạ” hôm nay là một lời cảnh tỉnh.

Nhưng con sư tử ấy sờ sờ ngay trước mắt, có hình có khối mà đến giờ “cháy nhà mới ra mặt chuột”, còn bao nhiêu giá trị văn hóa vô hình đã bị biến mất, đã bị thay thế bởi văn hóa ngoại lai dần dần từng ngày, từng tháng, từng năm thì lấy văn bản nào mà chấn chỉnh đây? Những phim ảnh, thời trang, âm nhạc, phong cách sống… đã có ai làm một cuộc nghiên cứu khảo sát xem cái gì còn là thuần Việt, cái gì đã bị Trung hóa, Hàn hóa, Nhật hóa, Âu hóa, Mỹ hóa…?

Chúng ta nói rất nhiều về chuyện phải bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1998 đã rất đề cao việc này. Nhưng thực tế, đã có nhiệm vụ nào được hoàn thành để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc? Truyền hình, rạp chiếu vẫn tràn ngập phim ngoại, nhạc Hàn, vì trong nước không đủ sản phẩm văn hóa chất lượng phục vụ cho nhu cầu của dân chúng.

Trước khi trách người, phải trách mình. Để có chuyện đến mức phải có “phong trào bài trừ sư tử Tàu” như hôm nay, cơ quan quản lý văn hóa phải nhìn lại vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc. Linh vật thuần Việt, văn hóa thuần Việt có, nhưng nó đã ở đâu trong suốt những năm qua, đã được bồi đắp những gì để có sức chống lại linh vật ngoại lai, văn hóa ngoại lai. Câu hỏi này cần được đặt ra nghiêm túc và cấp thiết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem