Bảo vệ "đuổi người trú mưa": Không thể hành xử mất tình người

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 30/08/2019 13:29 PM (GMT+7)
Vụ việc một nhân viên "đuổi người trú mưa" tại sảnh khách sạn 5 sao trên đường Trần Duy Hưng đang gây xôn xao dư luận. Nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, đây là hành động vô cảm, không thể chấp nhận được trong cuộc sống hiện đại và cần được loại bỏ.
Bình luận 0

Ông Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội học cho rằng, xã hội vẫn luôn tồn tại những câu chuyện đáng tiếc, bắt nguồn từ những sự vô cảm, lạnh lùng của một số người. Chia sẻ về câu chuyện nhân viên khách sạn "đuổi người trú mưa" tại hiên của một khách sạn 5 sao, ông Bình cho rằng đó là câu chuyện không mới. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh xã hội chung thì câu chuyện đó rất phản cảm.

img

Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng những hành động vô cảm cần bị loại bỏ khỏi xã hội. Ảnh: I.T

“Tôi nhớ cách đây không lâu, khi bão lũ xảy ra ở Thanh Hóa, nhiều trường học, ủy ban xã, thậm chí cả nhà dân, nhà hàng ở khu vực lân cận không nằm trong tâm bão đã mở cửa để đón nhận người dân tới di tản. Điều này thể hiện truyền thống “người trong một nước thì thương nhau cùng” của người Việt”, ông Bình kể.

Rất nhiều câu chuyện như vậy đang được nhân rộng, nhưng ngay ở Hà Nội, tại một khách sạn 5 sao đẳng cấp, người nhân viên lại tỏ thái độ bất lịch sự. Điều này đi ngược với cam kết về thái độ phục vụ của doanh nghiệp đẳng cấp, đành rằng họ làm kinh doanh, đành rằng họ cần tiếp khách VIP (theo lý giải của vị quản lý khách sạn).

img

Dư luận tỏ ra bất bình về vụ việc nhân viên khách sạn đuổi người trú mưa. Ảnh: I.T

“Có thể người bảo vệ cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ theo những gì được đào tạo, nội quy có sẵn vì không muốn phá vỡ mỹ quan chung của khách sạn nhưng trong những tình huống “bất đắc dĩ”, khi tính mạng con người bị đe dọa, bị ảnh hưởng, họ cần linh động, thấu cảm, không thể hành xử cứng nhắc, mất tình người”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho rằng: "Kể cả khi  sự việc đúng như người quản lý khách sạn có nói là “đó là đường đi của khách VIP” thì theo tôi cũng có nhiều cách ứng xử khác lịch sự hơn. Ví dụ có thể mời họ qua một hiên khác, xuống tầng hầm... Ngay cả khách VIP nếu xuất hiện trong hoàn cảnh đó cũng cần cảm thông. Khi mưa bão, cây đổ, đồ bay... tính mạng con người tham gia giao thông có thể bị đe doạ vì vậy, nếu trật tự thông thường có bị thay đổi một chút chắc không phải là vấn đề gì quá quan trọng”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, Luật Hình sự có quy định, nếu bỏ rơi người gặp nạn không cứu chữa, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự việc bảo vệ đuổi người phụ nữ và hai em nhỏ khỏi khách sạn chưa tới mức nghiêm trọng như vậy, nhưng có thể thấy sự vô cảm của anh này rất đáng lên án. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người phụ nữ và những đứa trẻ này ra đường giữa giông lốc, gặp cây đổ, nhà đổ...?

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, những câu chuyện vô cảm giữa người với người vẫn luôn tồn tại trong xã hội. Mặc dù vậy, những việc này không thể điểu chỉnh bởi luật pháp mà phải được điều chỉnh từ chính nhận thức của mỗi cá nhân. “Ngoài những giáo dục khô khan về luật, về quy định, mỗi con người cần phải tự bồi đắp những phẩm chất đạo đức, thể hiện tinh thần nhân văn, sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với gia đình và cộng đồng. Rõ ràng, xã hội đang khiến con người phải chạy đua về thành tích, quy định mà quên mất đi xung quanh chúng ta còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ, cần sự cảm thông rất nhỏ”, ông Hiển nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem