Cử người đi theo để kiểm tra
Chị Nguyễn T, làm việc trong một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết, mặc dù nghe về quy định này từ khá lâu, nhưng phải đường cùng chị mới dám xin sếp nghỉ sớm. “Mỗi lần tới ngày “đèn đỏ” là mình đau đớn vật vã, ngất lên ngất xuống. Có lần uống thuốc giảm đau không được phải xin nghỉ làm, đi cấp cứu. Mình đau quá không chịu được xin sếp (sếp là nam) cho nghỉ vì bị “đèn đỏ” nhưng bị mấy anh chị cùng phòng trêu đùa… tái cả mặt. Từ đó ngại quá, dù có đau mình cũng cắn răng chịu đựng chẳng dám đề cập nữa” – chị T nói.
Doanh nghiệp kêu khó trong việc giám sát việc lao động khai báo ngày “đèn đỏ” (ảnh IT)
Tuy nhiên, câu chuyện của chị T, hẳn chưa phải là câu chuyện bi hài nhất. Bà Phạm Thị Vân Anh – Chủ tịch Công đoàn Công ty Canon cho biết, có lần để chứng minh lao động của công ty có bị “đèn đỏ” thật không mà cả công ty phải cử người đi theo để kiểm tra. Thực tế trong quá trình thực hiện, Công ty Canon cũng rất hay gặp phải trường hợp lao động nữ lạm dụng việc có kinh nguyệt để được nghỉ sớm 30 phút.
“Nhiều lần chúng tôi đã ghi nhận thực trạng lao động báo cáo là có “đèn đỏ” xin nghỉ liên tục, nhưng thực tế là không có. Dựa vào sự bất thường trong việc khai báo chúng tôi đã xác minh làm rõ trường hợp này. Lúc đầu lao động còn giải thích là do kinh nguyệt không đều, nhưng chỉ khi cán bộ của chúng tôi theo dõi vài tháng liên tục thì mới chứng minh được kỳ “đèn đỏ” của bạn ấy rất đều. Thậm chí để xác minh, chúng tôi còn phải cử người đi theo xem lao động đó có vào nhà vệ sinh... thay băng không” – bà Vân Anh kể lại.
Bà Vân Anh cho rằng việc này gây khó khăn cho việc quản lý, tạo điều kiện cho lao động gian dối. Điều này là tối kỵ với những doanh nghiệp luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.
“Làm một phép tính đơn giản, công ty có 20 nghìn lao động nữ (trên tổng số 22 nghìn lao động), nếu ngày nào cũng có khoảng 700 lao động khai báo gian dối như vậy thì chúng tôi sẽ rất mệt mỏi và ức chế” – bà Vân anh nêu thực tế.
Trả lương làm thêm nếu không nghỉ “ngày đèn đỏ”?
Nhìn nhận khách quan, bà Vân Anh cho rằng quy định trên rất nhân văn. Hai nội dung trên liên quan tới quyền được làm vợ, làm mẹ của phụ nữ. “Thực tế đây là quy định khá nhân văn, chúng tôi nghĩ nên giữ nguyên, nhưng theo tôi Bộ LĐTBXH nên có những văn bản nghị định hướng dẫn cụ thể. Có thể, quy định cụ thể số giờ, số ngày lao động nữ được nghỉ trong trong thời kỳ “đèn đỏ” trong một tháng. Ví dụ là 3 hay 4 ngày. Lao động nào nghỉ thì khai báo, lao động nào không nghỉ mà vẫn làm việc thì có thể báo cáo doanh nghiệp để được trả lương cho thời giờ làm thêm đó” – bà Vân Anh kiến nghị.
Kiến nghị nên trả lương làm thêm nếu nữ lao động, trong điều kiện sức khỏe cho phép vẫn đi làm trong ngày đèn đỏ. (Ảnh minh họa. Nguồn IT)
Trước đó, trong buổi họp báo của Bộ LĐTBXH vào chiều 9.1, ông Hà Đình Bốn – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định lao động nữ nghỉ 30 phút vào ngày “đèn đỏ” vì khó thực hiện.
“Một số doanh nghiệp cho rằng quy định cho lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi nghỉ 60 phút và nghỉ 30 phút trong kỳ “đèn đỏ” là không còn phù hợp. Điều này gây ảnh hưởng tới sự phát triển, quá trình bố trí lịch sản xuất của doanh nghiệp. Việc quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong kỳ kinh nguyệt hầu như không áp dụng được, bởi lao động không khai báo và doanh nghiệp cũng không có cách nào để giám sát” – ông Bốn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.