Bình Định: Học trò vùng cao Tây Giang “liều mình” đi đò đến trường

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 13/09/2017 06:38 AM (GMT+7)
Giao thông đi lại khó khăn, nhiều học sinh tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) đã “liều mình” theo đò ngang, vượt sông Kôn để đến trường. Tuy nhiên, đây là bến đò tự phát, thiếu an toàn… nên nguy cơ đuối nước luôn rình rập.
Bình luận 0

Nguy hiểm đò ngang

Thôn Hữu Giang (xã Tây Giang) nằm cách trung tâm xã chỉ chừng 1km nhưng ngặt nỗi bị ngăn cách bởi dòng sông Kôn. Nằm tách biệt hoàn toàn bên kia sông, vùng đất này được ví như một “ốc đảo”. Việc đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

img

Người dân thôn Hữu Giang (xã Tây Giang) đang khao khát có cây cầu bắc qua sông thay cho chuyến đò tiềm ẩn nhiều bất trắc.  Ảnh: D.T 

"Nguồn kinh phí để xây dựng cầu vượt quá khả năng của địa phương. Chúng tôi rất mong chính quyền cấp trên và các ngành liên quan quan tâm xây dựng một chiếc cầu nối liền hai bờ sông, để cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn”.

(Ông Nguyễn Ngọc Anh)

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại bến đò thôn Hữu Giang, rất đông người dân trong đó có cả học sinh theo đò vượt sông. Con đò nhỏ chở gần 10 hành khách, thế nhưng chẳng có ai mặc áo phao.

Em Huỳnh Thị Thanh Nhã (học sinh Trường THPT Võ Lai, huyện Tây Sơn) cho biết: “Vào mùa mưa, nước sông dâng cao, đi đò đến lớp em sợ lắm nhưng không còn cách nào khác cả. Hôm nào mưa to, gió lớn nước sông dâng thì phải nghỉ học. Có khi ba má chở em xuống thôn Phú Lạc (xã Bình Thành) rồi vòng qua đập dâng Vân Phong khoảng 15km để đến trường”.

Theo thống kê của UBND xã Tây Giang, toàn thôn Hữu Giang hiện có hơn 150 học sinh THCS và THPT phải vượt sông Kôn để đến trường. Ông Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Lai chia sẻ, hiện có trên 60 học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12 sống tại thôn Hữu Giang đang theo học tại trường. Do không có cầu nên hầu hết các em đều phải đi đò để đến lớp.

“Trước nỗi lo đuối nước, vào mùa mưa lũ, nhà trường phải động viên phụ huynh tìm nhà người quen ở gần trường để cho các em ở lại. Vì thực tế, việc đi đò qua sông rất nguy hiểm. Để giải quyết được vấn đề này, cần có cây cầu bắc qua sông Kôn. Lúc đó, việc học hành của những đứa trẻ nơi đây mới thực sự bớt đi phần trở ngại” - ông Hồng kiến nghị.

Mong có cầu vượt sông

Ông Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng thôn Hữu Giang nói: “Không có cầu khiến 370 hộ dân với 1.000 khẩu trong thôn đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, làm ăn. Vào mùa thu hoạch lúa, bà con phải tốn thêm một khoản chi phí vận chuyển, muốn giao thương phải mất cả buổi đường,… Vì vậy, cuộc sống vốn khó lại càng thêm khó”.

Bà Bùi Thị Mai (thôn Hữu Giang) cho hay: “Ở đây, muốn đi đâu cũng khổ, mỗi ngày đi lại ít cũng tốn 10.000 đồng tiền đò. Nhiều lúc qua bên xã chứng nhận giấy tờ nhưng gặp lúc cán bộ phụ trách bận họp, chúng tôi lại vòng về, mất không tiền đi đò. Chưa kể, người nào bị ốm đau, muốn lên trạm xá xã để khám, điều trị cũng hết sức vất vả. Mong ước lớn nhất của người dân và các em học sinh nơi đây là sớm có một cây cầu qua sông”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND xã Tây Giang, bến đò tại thôn Hữu Giang chỉ là tự phát nhưng chính quyền xã không thể cấm vì đây là nhu cầu rất lớn của bà con. “Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra chủ đò, người điều khiển đò... Đồng thời, cấp phát áo phao cho người đi đò, thế nhưng ý thức chấp hành của chủ đò lẫn người đi đò còn hạn chế” - ông Anh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem