Bỏ biên chế giáo viên: Ai dám chắc rằng sẽ không có “tổn thương”?

Minh Yến (Hà Nội) Thứ hai, ngày 12/06/2017 13:14 PM (GMT+7)
Trong bất cứ một hệ thống ngành nghề nào, con người luôn là điều đáng quý trọng nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất. Tác động tới tâm lý con người là thứ tác động khó đo đếm cả hiệu quả lẫn hậu quả.
Bình luận 0

Sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề giáo, tôi không theo nghiệp của ông bà. Mẹ tôi cũng không khuyến khích dù mơ ước thủa nhỏ (như bất cứ cô học sinh cấp 2 nào khi đó) của tôi là được đứng trên bục giảng, vì mẹ cho rằng, nghề giáo quá vất vả.

Gần 10 năm làm báo, dù có lúc được phân công ở công việc này hay lĩnh vực khác, nhưng, những người tôi tiếp xúc nhiều nhất vẫn là giáo viên. Chủ yếu là giáo viên cắm bản!

img

Theo chân các thầy cô lên điểm trường. Ảnh Bảo Yến

Suốt nhiều năm, theo chân các thầy, các cô thoăn thoắt leo đèo, nói tiếng Mông, tiếng Mường như người bản địa, tôi đã quen dần và không còn bất ngờ khi biết rằng phần lớn các thầy các cô đang cắm bản ở những nơi “thâm sơn cùng cốc” này quê ở Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, thậm chí là Hà Nội.

Có người 5 năm, có người 10 năm, có người gắn bó cả đời với cái nơi mà tôi tin chắc rằng, ngày đầu tiên đặt chân đến, không ai trong số các anh chị nghĩ rằng mình có thể ở đó lâu đến thế.

Như một quy luật mang tính “nhân đạo”, phần lớn giáo viên phân công tới  dạy ở các điểm trường khó nhất, sâu nhất của một trường đều là những người trẻ và rất trẻ để nhường cho các thầy cô cắm bản xa lâu năm được về gần trung tâm.

“Chả có yêu cầu hay tiêu chí gì đâu, ở đây, đôi khi chỉ cần là con trai người Kinh, cùng nết sinh hoạt, văn hóa với mình là được”, một cô giáo trẻ, bám trò tại 1 điểm trường giữa bản người Mông nói với tôi như vậy khi tôi vô tâm hỏi: “Cô giáo kén quá sao mà chưa lấy chồng?”.

Và liệu bạn có tin, khi có những lá đơn không chính thức của các cô giáo đã ngấp nghé lỡ thì xin được điều chuyển công tác về gần các đồn biên phòng mà phần lý do phải ngại ngùng để trống. Hay đơn giản, là 1 lời đề nghị nắm tay ngập ngừng của 1 thầy giáo trẻ một mình theo trò trên đỉnh núi heo hút, với cái lý do rất giản đơn là “Cho đỡ quên cái cảm giác được cầm tay phụ nữ”.

img

Việc gieo chữ nơi vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh Hữu Tuấn

Nếu ở lại điểm trường với các thầy cô dù chỉ 1 đêm thôi, bạn sẽ thấy nước mắt nhiều hơn nụ cười. Có những câu chuyện, có những nỗi niềm, mà chẳng 1 bản báo cáo nào có thể nhắc tới. Tay tôi từng bầm tím trong những câu chuyện đó, khi nỗi buồn thành hình những nỗi đau không dễ chịu đựng...

Hiểm nguy, vất vả, cả những nỗi cô đơn và mất mát không thể nói thành lời…, các anh chị đổi nó bằng cái khao khát được theo cái nghề mình đã học, niềm thương cảm lớn 1 cách tự nhiên với từng lứa học trò nghèo khó và tất nhiên, cả mong muốn được có 1 công việc ổn định, trong biên chế.

Có những anh chị giáo viên tôi gặp, yêu nghề, yêu trẻ, gắn bó gần hết cả tuổi thanh xuân ở các điểm trường, cũng đã đành phải dứt áo bỏ nghề vì hoàn cảnh gia đình rơi vào lúc quá khó khăn.

Nói điều đó để thấy, không phải ngon nghẻ biên chế, là giáo viên vùng cao không phải lo gì về cuộc sống nữa. Xe máy đi vùng cao, xịn lắm cũng 2 - 3 năm là phải thế chiếc khác thôi! Và rất nhiều anh chị giáo viên mà tôi đã biết, hiện vẫn là “con nợ” của ngân hàng với chính khoản tiền mua xe máy để đi làm ấy.  

Nhưng dẫu sao, với nhiều anh chị giáo viên mà tôi gặp, biên chế giống như một sự cam kết, một sự tin tưởng và sự giao phó một cách đầy tôn trọng lên vai các anh chị nhiệm vụ “trồng người”. Và họ sống, làm việc, vượt khó theo chính niềm tin ấy và mục tiêu ấy.

Tôi là người ngoại đạo với ngành giáo dục nên sẽ không thể cân đo hay hiểu hết được tính hiệu quả của việc bỏ biên chế đối với giáo viên.

Tôi chỉ biết, mẹ tôi cả đời làm giáo dục, từ một cô giáo đứng lớp đến cán bộ quản lý bậc học, mong mỏi lớn nhất chỉ là các cô giáo mầm non của mẹ được vào biên chế.

Tôi cũng chỉ biết, hai chữ biên chế trong ánh mắt của những anh, những chị giáo viên vùng cao mà tôi đã gặp, nó lấp lánh hơn, tươi tắn hơn trong một chuỗi những câu chuyện không phải không có nỗi buồn.

Và tôi sợ, nếu không còn biên chế, sẽ còn cái gì níu chân những con người hừng hực sức trẻ ở lại những bản làng heo hút để mỗi sáng, mỗi chiều tiếng hát “Em yêu trường em” dẫu ngọng ngịu vẫn vang lên giữa mỗi khoảnh đồi…

Tôi biết, trong xu thế phát triển chung của xã hội, sự thay đổi luôn là cần thiết. Việc bỏ biên chế cũng có thể là một hướng đổi mới đúng đắn để nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã khẳng định, chưa thí điểm bỏ biên chế với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, nhất là ở các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao.

Nhưng thiết nghĩ, trong bất cứ hệ thống ngành nghề nào, con người luôn là điều đáng quý trọng nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất. Tác động tới con người là thứ tác động khó đo đếm cả hiệu quả lẫn hậu quả.

Vậy nên, chỉ mong rằng, việc bỏ biên chế sẽ được nghiên cứu, cân nhắc một cách kỹ lưỡng, và trên hết là lắng nghe ý kiến của những người đang từng ngày sống cùng bụi đường và bụi phấn… Bởi tôi tin chắc rằng, có nhiều câu chuyện mà khi nghe xong, chúng ta sẽ phải nghĩ về việc là cần phải làm những điều tốt đẹp hơn nữa để bù đắp được những hi sinh của người cầm phấn hơn là việc bao giờ, và khi nào thì bỏ biên chế!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

                                                                   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem