Bún mắng cháo chửi có phải là vô văn hóa

Trương Phan Việt Thắng Thứ năm, ngày 06/10/2016 08:00 AM (GMT+7)
CNN chiếu chương trình về bún chửi của Anthony Bourdain, người đầu bếp mấy tháng trước đã ngồi ăn bún chả cùng Tổng thống Mỹ Obama trên phố Lê Văn Hưu. Lập tức bạn bè, người thân của mình chia làm hai phe. Phe nói: thật đáng tự hào khi một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam được lên CNN! Phe bảo: tự hào cái nỗi gì khi miếng ăn đi liền với nhục? có mà vô văn hóa!
Bình luận 0

Mình thấy cả hai đều có lý, nhưng chưa đa chiều. Bởi có những người đến đó đơn giản là vì muốn ăn ngon và rẻ hơn. Nhưng cũng có những người đến vì trải nghiệm, vì nghe tiếng đã lâu nên muốn thử xem. Có những người đến vì kỷ niệm, để nhớ lại một thời bao cấp long đong, nhưng cũng là thời thanh niên của họ. Có những người tìm lại tuổi thơ khốn khó trong những khu ổ chuột mà họ từng lớn lên trong những câu chửi thề cửa miệng của anh chị em và cha mẹ. Có những người đơn giản thử rồi quen, vì vừa nghe chửi vừa ăn đã trở thành một phản xạ có điều kiện.

Còn nhớ những năm 80, khi cả nước đang chìm trong thiếu thốn, mẹ mình trồng được một vườn rau muống nhỏ cạnh bờ mương của trường đại học. Rau ăn không hết, mẹ đem bán cho sinh viên tự nấu ăn cải thiện. Trong khu tập thể cũng nhiều người trồng và bán rau như mẹ. Trong số đó có một cô tên Lư. Rau cô không phải là rất ngon, nhưng lại rất đắt hàng, mà cô thì vừa bán vừa mắng sinh viên như đuổi. Một hôm mình đang đứng đợi bạn gái ngay ở cây cầu đầu mương thì cô Lư ra mang thúng rau ra bán. Mình thấy cô mắng các chị sinh viên không được lật bới rau, thò tay cấu cọng... Cô bảo: "Mớ rau người ta ngon thế mà mày thò cái móng tay móc xxx của mày vào cấu hết chỗ nọ đến chỗ kia thì còn gì là rau!" Các chị sinh viên nghe cô mắng thì cười, còn mình thì ngượng chín cả mặt, tự trách mình sao lại hẹn bạn gái ra cái chỗ này(!) Mình thầm mong cô Lư mau bán hết thúng rau. Nhưng mình đã không phải lo lâu, loáng cái thúng rau cô đã hết và cái chợ mini của cô cũng tan. 

Cô Lư là hộ lý ở trạm xá. Nhà nghèo, 3 đứa con, chồng hưu mất sức sửa xe đạp. Hàng ngày cô dọn dẹp mấy căn nhà lá của trạm xá và giặt giũ chăn chiếu cho những sinh viên nếu chẳng may phải nằm đó vài ngày. Mà sinh viên nằm trạm xá thường là nữ và chủ yếu là những bệnh của chị em. Hẳn là vì mối quan hệ ấy mà cô có thể nói năng bỗ bã với họ. Còn mẹ mình là phó trạm trưởng, bí thư chi bộ. Mẹ đi bán rau hay bán xôi cũng chỉ biết mời, chứ không thể nói tục như cô. Nhưng mẹ lại rất quý và thương cô, ngược lại, cô cũng rất quý và hay tâm sự với mẹ mình. 

img

Bún mắng cháo chửi - trở thành 1 thương hiệu của Hà Nội?

Có lẽ trong đời người, lời ăn tiếng nói là quan trọng, nhưng tấm lòng với nhau mới là thứ quan trọng hơn. Mình xem clip phỏng vấn bà cụ chủ cửa hàng "cháo chửi", thấy bà cũng là người phúc hậu, dù trong lời chia sẻ với phóng viên, bà vẫn buột miệng thêm vào một đôi từ thô tục: "Anh có tài, anh phải có đức, anh có tài anh không có đức là vứt đi. Lúc nào cũng phải có tài và có đức. Làm ăn sạch sẽ, vệ sinh... Phải làm sao lúc nào cũng phải ngon lành tử tế. Công nhân nó làm bẩn thì u mắng thôi. Còn chửi người ta làm sao được, chửi người ta người ta đánh cho bỏ mẹ!" 

Có thể lời bà cụ nguyên chủ quán cháo chửi không được văn hoa, nhưng bà đã nói lên sự thật. Sự thật là bà vẫn có rất nhiều khách quen đặt niềm tin, và sự thật là chưa bao giờ thấy báo chí đưa tin bà xô xát với nhân viên hay với khách. Mặt tiêu cực của loại hình quán chửi thì báo chí đã nói nhiều. Nhưng mặt tích cực của những quán này là chúng làm cho người ta chịu đựng tốt hơn với những ngôn từ thô thiển nhiều khi tới mức thô tục, bởi thực ra những ngôn từ ấy không phải lúc nào cũng đi cùng với cái xấu và cái ác, mà thông thường chúng chỉ là một bộ phận cấu thành của ngôn ngữ cần lao.  

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem