Cấp gạo cho người nghèo đón tết

Thứ năm, ngày 17/01/2013 09:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thường cứ đến dịp Tết Nguyên đán và mùa giáp hạt, hàng triệu người nghèo trong cả nước lại được hưởng chế độ hỗ trợ gạo từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.
Bình luận 0

Đường sá khó khăn, kho bãi không có nhưng nhiều tỉnh vẫn cố gắng khắc phục để gạo tết về làng, xã đúng hẹn...

Câu chuyện những tờ trình

Ngày 1.1, thời tiết lạnh cóng nhưng rất nhiều người dân ở 2 xóm Sông Tiến, Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn lội sông thả lưới. Người già không đủ sức lội nước thì ở nhà vá lưới, sửa chữa ngư cụ. Ông Nguyễn Văn Nghĩa (75 tuổi, ở xóm Sông Tiến) cám cảnh nói: “Thanh niên trong làng không có việc làm phải vào Nam làm thuê, còn những người già như tôi ở nhà làm việc vặt kiếm sống qua ngày. Tết nhất có gạo cứu đói thì mới đủ no”.

img
Cấp phát gạo cho người nghèo ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Hữu Niềm - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn thống kê: Toàn xã có trên 130 hộ khó khăn, thiếu đói do chưa chuyển đổi được nghề. Tết đang đến gần nhưng xã quá nghèo không có kinh phí hỗ trợ, vì vậy xóm và xã đã làm tờ trình gửi huyện, tỉnh xin hỗ trợ gạo để người dân có cái tết đầm ấm hơn.

Sau tờ trình của xã Thạch Sơn và nhiều xã khác trong huyện Thạch Hà đề nghị cấp gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Phòng LĐTBXH huyện khảo sát lại danh sách và tiếp tục lập tờ trình lên tỉnh, tỉnh có tờ trình lên T.Ư. Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, cho biết: Sau khi tổng hợp toàn tỉnh, Hà Tĩnh vừa có tờ trình xin T.Ư hỗ trợ 3.000 tấn gạo.

“Cục Dự trữ quốc gia sẽ cho xe chở gạo trực tiếp tới tận nơi để cấp phát cho bà con, vì thế sẽ không có chuyện ăn chặn, hay để gạo hỏng, mốc trước khi đến tay người dân”.

Còn tại Quảng Ngãi, ông Trương Đình Đức - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh bộc bạch: Từ nhiều tháng trước, Sở đã tổng hợp số hộ khó khăn để đề xuất cấp gạo cứu đói. Ngoài ra, UBND tỉnh còn chi 5 tỷ đồng mua nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm... Theo đó, mỗi hộ, ngoài gạo hỗ trợ khoảng 1 tạ còn được cấp 2 chai nước mắm (loại chai 1 lít), 1 chai dầu ăn (loại chai 1 lít); 1 gói bột ngọt/khẩu (loại 100g/gói).

Tỉnh Lai Châu, Hà Nam cũng có tờ trình xin cấp gạo và vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp tổng cộng 4.140 tấn. Ông Lê Văn Hồng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh được cấp 1.980 tấn gạo. 100% số hộ nghèo và cận nghèo trong tỉnh sẽ được cấp gạo cứu đói dịp tết. Cụ thể, hộ nghèo được cấp 25kg gạo/khẩu; hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 10,6kg/khẩu. Như vậy, tính trung bình 1 hộ nghèo có 4 khẩu ở Hà Nam sẽ được hỗ trợ khoảng 1 tạ gạo. Số dư còn lại sẽ phân bổ về Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Bình Lục, Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Kim Bảng, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi.

Để gạo tới đúng đối tượng

Xã Sơn Thành (Sơn Hà, Quảng Ngãi) là địa bàn từng xảy ra tình trạng cán bộ xã “mượn tiền” hỗ trợ tết của dân nghèo năm 2011. Tết Quý Tỵ này, ông Đặng Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Huyện đích thân giám sát chặt chẽ các nguồn hỗ trợ tết cho người dân nghèo ở địa phương.

Tỉnh Quảng Ngãi còn gặp khó khăn do đường sá vận chuyển gạo và nhu yếu phẩm rất xấu, hay bị sạt lở. Ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Thông thường, khoảng 2 tuần nữa các mặt hàng hỗ trợ tết cho người nghèo mới được đưa đến nơi. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc chuẩn bị kho, phòng chứa đã được UBND các xã chuẩn bị xong để bảo quản hàng hỗ trợ tết. Riêng ở các xã Trà Thanh, Trà Thọ... đề phòng khi có mưa lớn, đường lầy lội ô tô không thể vào được, xã đã bố trí lực lượng sẵn sàng đi bộ ra địa điểm tiếp nhận khiêng, vác hàng hỗ trợ vào cấp phát ngay cho người dân. Ông Ngọc khẳng định: “Bộ phận và cán bộ nào thực hiện chậm trễ việc cấp phát đều bị xử lý nghiêm khắc”.

Ông Đồng Thế Hưng - Trưởng phòng Trợ giúp đột xuất (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH) cho biết: Tết Nguyên đán Quý Tỵ và mùa giáp hạt năm nay có 14 tỉnh đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói. Tính đến ngày 15.1, đã có 2/14 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xuất cấp gạo cứu đói, gồm Lai Châu: 2.160 tấn, Hà Nam: 1.980 tấn.

Cùng với cố gắng để đưa hàng hỗ trợ đến tận tay người dân trong thời gian sớm nhất, Sở LĐTBXH Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương bảo quản tốt hàng hóa.

UBND tỉnh Hà Nam thì giao cho Công ty Lương thực miền Bắc tại Hà Nam vận chuyển, bàn giao gạo về tận xã. Mọi chi phí vận chuyển sẽ do tỉnh trích ngân sách trả. Cán bộ Sở LĐTBXH phối hợp cùng cán bộ phòng lao động, chính quyền địa phương xuống tận nơi để cấp gạo cho bà con.

Ông Đinh Thế Mẫn - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh không tổ chức phát gạo đại trà mà tập trung cấp gạo cứu đói cho hộ nghèo ở 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ. Đây là 2 điểm thiếu đói nghiêm trọng vì mùa màng thất thu. “Vì tỉnh không có kho chứa gạo nên khi đã xác định xong đối tượng, số lượng, địa bàn, thời gian cấp gạo... Cục Dự trữ quốc gia sẽ cho xe chở gạo trực tiếp tới tận nơi để cấp phát cho bà con” - ông Mẫn khẳng định.

Sẽ cấp trực tiếp cho bà con

Dù kinh tế khó khăn nhưng như thường niên, chúng tôi chuẩn bị khoảng 500 suất quà tặng cho người dân nghèo ở vùng đồng bằng và 10 tấn gạo hỗ trợ cho người dân ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, trong dịp Tết cổ truyền sắp đến. Dự kiến trước ngày 20 tháng Chạp, chúng tôi sẽ chở lên cấp trực tiếp cho bà con. Vì vậy không lo gạo không đến đúng đối tượng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư -Xây dựng Thiên Tân (Quảng Ngãi)

Để đối tượng thụ hưởng tự giám sát

Hiện nay, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ giám sát về pháp luật, còn các quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể ở đây là các quyết định cấp gạo cứu đói, sẽ do đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các địa phương giám sát. Thông thường, hoạt động giám sát này chỉ được thực hiện tại những địa phương thụ hưởng chính sách. Trên thực tế, hoạt động giám sát cũng còn nhiều hạn chế, do lực lượng giám sát mỏng, thời gian giám sát không dài… dẫn tới tình trạng tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng ăn chặn gạo cứu đói của người nghèo. Muốn thực hiện hiệu quả việc cấp phát gạo cứu đói cho người dân, Mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ các địa phương cần tăng cường giám sát. Ngoài ra, cũng cần công khai các thông tin liên quan tới cấp gạo cứu đói trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được và tự giám sát nhằm bảo đảm quyền lợi.

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem