Sông bốc mùi hôi thối, đồ trang sức biến màu
Theo phản ánh của người dân các bản: Co Me, Chiềng, Bó và bản Pạo (xã Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa): Những ngày qua, tại khu vực hạ lưu của Thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa) mùi hôi thối nồng nặc từ sống Mã bốc lên khiến người dân vô cùng khó chịu. Đặc biệt, là với hàng trăm hộ dân ở bản Co Me, giáp với lưu vực sông Mã phía hạ lưu của Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.
Lưu vực sông Mã phía dưới Nhà máy Thủy điện Trung Sơn bốc mùi hôi thối nông nặc vào ngày 10 và 11.7 vừa qua. Ảnh: Hồng Đức
Ông Phạm Bá Hoán – Trưởng bản Co Me, phản ánh: “Ngày 10.7, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn tiến hành xả đáy, nên dòng nước sông Mã bốc lên mùi hôi thối, nồng nặc rất khó chịu. Lúc đầu, nhiều người trong bản cứ nghi ngờ là do nhà nào đó bị hỏng bể phốt, nên bốc mùi khó chịu như vậy. Nhưng sau đó, thì tất cả người dân trong bản đều ngửi thấy mùi hôi thối càng thêm nồng nặc. Nhiều người ngửi thấy mùi hôi thối ấy, đã bị đau đầu, chướng bụng, khó thở.
Ngay lập tức, tôi gọi điện báo cáo sự việc với chính quyền xã. Lãnh đạo xã cũng báo cáo xuống lãnh đạo huyện, đề nghị tìm hướng xử lý, nhưng không được. Sáng ngày 11.7, tôi và mọi người trong bản phát hiện những chiếc dây chuyền và đồ trang sức bằng bạc, mà chúng tôi vẫn thương đeo trên người bấy lâu nay bỗng dưng biến đổi màu sắc sang đen, đỏ, nâu. Bà con trong bản vô cùng lo lắng và hoang mang trước sự việc này.
Đây là lần thứ 2, nước sông Mã phía hạ lưu nhà máy thủy điện bốc mùi hôi thối. Lần trước, khoảng tháng 4.2017, nhưng mùi hôi thối không nồng nặc như lần này”.
Anh Phạm Bá Lĩnh (41 tuổi), ở bản Co Me, xã Trung Sơn, phản ánh việc dây chuyền bạc bị biến màu.
Ảnh: Hồng Đức
Anh Phạm Bá Lĩnh (41 tuổi), ở bản Co Me, xã Trung Sơn, bức xúc: “Bao nhiêu năm nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy hiện tượng đồ trang sức bằng bạc bị biến màu. Tôi đeo một chiếc dây chuyền bạc, có gắn nanh con hổ đã hơn chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy chỉ sau một đêm có mùi hôi thối bốc từ sông Mã lên, mà sáng mai nó chuyển màu như vậy.
Tôi có một cậu em trai, ngày 10.7 vừa qua, khi ngửi phải cái mùi hôi thối đó, cậu ấy bị đau chướng bụng, đau đầu, buồn nôn, phải đến trạm y tế xin bác sĩ kiểm tra và lấy thuốc. Chúng tôi nghi ngờ là nhà máy Thủy điện Trung Sơn xả đấy, nên mới ảnh hưởng như vậy”.
Sợi dây chuyền bạc của chị Lò Thị Sánh đeo ở cổ, chỉ sau một đêm, bị biến thành màu khác. Ảnh: Hồng Đức
Sáng ngày 12.7, trong lúc chúng tôi đang đi tìm hiểu và ghi nhận tình hình, thì chị Lò Thị Sánh (43 tuổi), ở bản Co Me, chạy lại đề nghị chúng tôi giải thích xem vì sao sợi dây chuyền bạc chị Sánh đang đeo ở cổ, mà chỉ sau đêm 10.7, bỗng dưng nó đổi màu?
“Tôi có đứa cháu nội, năm nay mới 4 tuổi, sau một đêm ngủ dậy, nước mũi của cháu chảy ra toàn màu đen xì. Vậy, tôi nhờ cán bộ giải thích giúp tôi và bà con bản Co Me vì sao nước sông bốc mùi hôi thối như vậy, còn đồ trang sức bằng bạc lại biến màu?”- chị Sánh đặt câu hỏi.
Có phải do thủy điện Trung Sơn xả đáy?
Theo báo cáo của UBND xã Trung Sơn, nguyên nhân của sự việc là do Thủy điện Trung Sơn xả đáy hồ, nên mới bốc mùi hôi thối nồng nặc và khiến đồ trang sức bằng bạc bị biến màu.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Văn Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết: Chiều ngày 10.7, ông và cán bộ xã đang làm việc tại công sở, thì ngửi thấy mùi hôi thối xộc lên nồng nặc, giống như mùi bể phốt bị vỡ.
“Khi có hiện tượng dòng sông Mã ở phía hạ lưu Thủy điện Trung Sơn bốc mùi hôi thối như vậy, tôi có gọi điện thông báo cáo với ông Trịnh Đức Du - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa. Đến chiều ngày 11.7, ông Du gọi lại cho tôi, thông báo là do Thủy điện Trung Sơn xả đáy, nên có mùi hôi thối, nhưng không ảnh hưởng gì đâu, các anh cứ yên tâm”- ông Diện kể lại
Ông Phạm Văn Diện- Chủ tịch UBND xã Trung Sơn chỉ vào cánh cửa phòng làm việc của ông cũng bị ố đen sau một ngày đêm. Ảnh: Hồng Đức
Một điều đáng lo ngại nữa, đó là ngoài việc sông Mã bốc mùi hôi thối khó chịu, các đồ trang sức bằng bạc của người dân ở bản Co Me bị biến đổi màu sắc, thì những cánh cửa bằng chất liệu nhôm ở trụ sở UBND xã Trung Sơn và các gia đình trong bản Co Me cũng bị ố đen, khiến đổi màu.
Theo báo cáo của UBND xã Trung Sơn thì: "Hiện tượng này làm cho dây chuyền bạc của người dân bị chuyển sang màu đen, hoặc ố vàng. Những cánh cửa của công sở xã và các hộ gia đình bị ố đen, đồng thời làm người dân hoang mang”.
Cũng theo báo cáo số 29/BC- UBND xã Trung Sơn, ngày 12.7.2017: “Nguyên nhân của sự việc trên là do Thủy điện Trung Sơn xả đáy hồ, các cây cối bị ngập trong thời gian phân hủy, kết hợp với các loại dầu trong hệ thống vận hành máy móc của nhà máy tạo nên”.
Trước sự việc này, ông Phạm Văn Diện – Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, đề nghị: “Trong thời gian tới, nếu Thủy điện Trung Sơn tiếp tục xả đáy hồ, thì phải thông báo đến UBND xã, các bản trên địa bàn bị ảnh hưởng để địa phương thông báo cho người dân tạm lánh đi nơi khác trong thời gian xả nước, tránh làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân”.
Để có thông tin khách quan, đa chiều, chúng tôi đã liên lạc với ông Vũ Hữu Phúc – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn để làm rõ sự việc nhưng ông Phúc nói: “Tôi đang bận”. Ông giám đốc này cũng yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu của cơ quan, chứng minh thư nhân dân. "Tôi đang ở rất gần tòa soạn ông đây. Ông cứ đưa thẻ nhà báo, chứng minh nhân dân và giấy giới thiệu cho văn thư của công ty, tôi xem và sẽ phê vào đó. Còn bây giờ, tôi đang bận nhé”- ông Phúc nói.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.