Đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học: Tốt nhưng khó thực hiện

Thứ năm, ngày 20/10/2011 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về đề xuất thay đổi giờ đi làm, đi học để chống ùn tắc giao thông của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, nhiều bạn đọc đã chia sẻ quan điểm với Dân Việt.
Bình luận 0
img
 

Chị Lê Lan Anh (Giám đốc Phòng giao dịch số 4, Ngân hàng NNPTNT Bắc Hà Nội): Nên áp dụng và nhân rộng

Theo tôi, nạn tắc đường, kẹt xe trong giờ đi làm buổi sáng đã tạo nên không ít khó khăn cho cán bộ, công chức. Đề nghị điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để chống ùn tắc của Bộ Giao thông- Vận tải là cần thiết.

img
 

Hiện tại, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang diễn ra ngày càng trầm trọng nên cần có nhiều biện pháp để giải quyết rốt ráo vấn đề.

Có thể, việc điều chỉnh giờ sẽ phát sinh thêm một số vấn đề khác, nhưng theo tôi, đây là việc nên làm, ít nhất mang tính chất thử nghiệm. Nếu đổi giờ học, giờ làm việc phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông thì nên áp dụng và nhân rộng để cán bộ, công chức có điều kiện làm việc tốt hơn.

Anh Nguyễn Quang Thuận (Phòng Xây dựng cơ bản, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp): Có hiệu quả thì tôi ủng hộ

Đề xuất của Bộ trưởng GTVT là hợp lý. Nếu điều chỉnh giờ học, giờ làm việc mà giảm được ùn tắc thì đấy là việc nên thực hiện càng sớm càng tốt.

img
 

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông như phân làn phương tiện, tăng cường giao thông một chiều, đề án tuyến phố đi bộ và nâng cao năng lực vận tải công cộng.

Nhưng theo tôi, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra thường xuyên và cần có thêm nhiều giải pháp tích cực hơn nữa. Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để giảm ùn tắc nếu thành công chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức và người dân.

Chị Chử Bích Phương (Sinh viên khoa Công nghệ sinh học - Đại học Nông nghiệp Hà Nội): Rất khó thực hiện

Theo tôi được biết, phương án này đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây ở Nhật Bản và đạt hiệu quả rất tốt.

img
 

Ở Nhật, các cơ quan, công ty cho phép nhân viên của họ điều chỉnh thời gian làm việc theo nhu cầu cá nhân và nhịp sinh học trong một chừng mực để mọi người chủ động thu xếp công việc, giảm thiểu tối đa việc đi lại trong giờ cao điểm. Tránh trường hợp có người đi học chỉ có 2 giờ, mà tổng thời gian đi về mất gần 5 giờ như ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện ở Việt Nam, tôi nghĩ sẽ rất khó vì ngoài cơ sở hạ tầng còn yếu kém, vấn đề ý thức của người tham gia giao thông hiện đang được coi là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông. Vì thế, ở Việt Nam có thay đổi giờ học, giờ làm việc sẽ vẫn tắc đường như bình thường.

Ví dụ, có thể thay đổi thời gian làm việc nhưng người dân vẫn lo tắc đường lại đi sớm, cộng thêm việc phải đưa con đi học nên vẫn có thể gây ra tắc đường.

Anh Dương Việt Nam (Phòng Kỹ thuật, Nhà in Quân đội 1): Sẽ nảy sinh nhiều khó khăn

Việc điều chỉnh giờ, nếu được thực hiện và mang lại hiệu quả là cần thiết. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, biện pháp này sẽ nảy sinh nhiều khó khăn với cán bộ, công chức và người dân.

img
 

Việc điều chỉnh giờ sẽ khiến lịch làm việc của nhiều cơ quan, trường học bị xáo trộn. Nếu cán bộ, công chức làm việc theo “giờ mới” thì học sinh khi tan học muộn theo giờ điều chỉnh sẽ khiến các phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong giờ đưa, đón. Giảm ùn tắc giao thông là cần thiết và các sự điều chỉnh, thử nghiệm nên được áp dụng, nhưng nếu nảy sinh khó khăn thì cần tính đến các giải pháp mang tính bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem