"Gai bê tông" đỉnh Mã Pí Lèng: Phá bỏ, hoặc Nhà nước thu hồi, cải tạo phù hợp cảnh quan

Minh Thi Thứ hai, ngày 07/10/2019 07:40 AM (GMT+7)
Nhằm góp tiếng nói về việc bảo vệ các di sản thiên nhiên, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đã đưa ra 2 giải pháp cho khách sạn Panorama ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Bình luận 0

Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Một là phá bỏ công trình; hai là Nhà nước thu hồi dự án này, cải tạo lại cho phù hợp cảnh quan theo tiêu chí công trình lân cận liên hệ với di sản. Bản thân dự án này có tầm nhìn rất đẹp, nên có cái sân để ngắm cảnh. Những khối nhà nổi lên trên mặt đường phải đập hết, còn khách có thể theo bậc thang xuống sân thượng giật cấp để ngắm cảnh. Tường hai bên nên đắp đất lên để trồng cây. Như vậy, đứng bên hông nhìn thì trông công trình giống như một ngọn đồi, còn mặt tiền thì sẽ là sân thượng để trồng cây và hoa.

Xin ông cho biết, việc bảo tồn di sản hiện nay ở nước ta đang trong tình trạng cấp bách thế nào?

- Gần đây, có vài sự kiện cho các nhà quản lý thấy việc bảo vệ di sản rất cần thiết và quan trọng. Chẳng hạn, mới đây, khu quận 3 có nhiều di sản ở TP.HCM được xem là 1 trong 50 khu phố hấp dẫn nhất thế giới, hay di sản Hội An được các báo nước ngoài bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu của thế giới. Điều này cho thấy, trong quá trình phát triển, chúng ta có phần xem nhẹ việc bảo vệ di sản. Đây là điều rất đáng tiếc vì trên cả nước có nhiều địa phương có di sản giá trị.

img

Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama xây dựng tại vị trí đắc địa, phá vỡ cảnh quan di tích, danh thắng cấp quốc gia Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ở nước ngoài, những  đô thị chưa đến 100 năm, người ta đã lo bảo vệ di sản, còn ở ta có những đô thị cả hàng ngàn năm, có nhiều di sản có giá trị đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, hoặc biến mất. Việc bảo vệ di sản rất quan trọng, không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử cho thế hệ sau, mang tính giáo dục, tính văn hóa (giới thiệu ra thế giới), mà còn mang cả giá trị du lịch cho đô thị.

Từ vụ Mã Pí Lèng, có thể cảnh báo điều  gì về việc công trình mới phá nát không ít di sản ở nước ta hiện nay, theo ông?

- Nhìn lại công tác di sản, tôi thấy chúng ta còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý để bảo vệ di sản hiệu quả. Từ những kẽ hở của cơ sở pháp lý đó, không ít nơi đã lợi dụng để làm sai, phá hoại di sản. Luật Di sản còn nhiều khiếm khuyết, cần sửa đổi hoặc bổ sung. Ví dụ như việc bảo tồn di sản luôn đi đôi với sự phát triển, cần đưa vào hệ thống pháp lý để bảo vệ thật tốt.

Luật Di sản chỉ tập trung bảo vệ công trình có di tích thôi (bảo tồn nguyên trạng), trong khi di sản thì không có nhiều công trình có di tích. Trong số lượng công trình di sản, trên 3/4 là công trình di sản có thể cải tạo, mở rộng, sửa chữa, điều chỉnh. Việc cải tạo, mở rộng cần có sự đóng góp của giới chuyên môn, theo hướng cải tạo công năng nhưng phải giữ  cho được cái hồn của di sản. Hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý cho chuyện này.

img

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn có trên 25 năm kinh nghiệm quốc tế về thiết kế, tư vấn chiến lược, và giảng dạy tại  Châu Á.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý trung ương là phải sớm đưa ra những cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di sản gắn liền với phát triển một cách hợp lý. Mặt khác, các địa phương có di sản cũng không nên ngồi chờ (có thể kéo dài thời gian), mà đưa giải pháp cho bản thân địa phương để bảo vệ di sản, thông qua những quy định, luật của địa phương để bảo vệ di sản hiệu quả trong thời gian chờ đợi.

Trong trường hợp công trình khách sạn ở Mã Pí Lèng, ông có thể phân tích sâu hơn về lỗ hổng trong Luật Di sản?

- Đi vào chi tiết, qua vụ đèo Mã Pí Lèng, tôi thấy thấy trong Luật Di sản phân ra vùng lõi 1, vùng lõi 2, nhưng người ta quên mất vùng đệm cũng gây ảnh hưởng tới di sản, đây là thiếu sót của Luật Di sản. Theo tôi, cần gấp rút đưa ra tiêu chí về vùng đệm của di sản để tránh việc phá nát tầm nhìn của di sản. Vùng đệm này cũng phải được quy hoạch, có ý kiến của Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng…, không thể muốn làm gì thì làm.

Ví dụ, vùng đèo này đã đưa vào  danh mục di sản cần bảo vệ, nhưng khu vực khách sạn nằm ngoài vùng 2. Theo cách làm của quốc tế, thì khu khách sạn nằm trong vùng đệm của di sản và đô thị. Bản thân khách sạn này nhìn thấy di sản trực tiếp, và người đứng trong di sản cũng nhìn thấy khách sạn, nên càng không được xây lên. Vùng đệm của di sản cũng phải được quy hoạch, có ý kiến của Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng. Có khu vực không được xây dựng, có khu vực xây dựng theo tiêu chí thống nhất, cụ thể. Trước khi đi vào di sản, khu phía ngoài chuyển tiếp phải có bản sắc phù hợp với di sản đó, chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Còn ở di sản Lầu Bảo Đại bị phá nát để xây khu nghỉ dưỡng 5 sao?

- Ở trường hợp  khu biệt thự Bảo Đại, Luật Di sản phải bổ sung quy định về việc trong một khu vực di sản, nếu có công trình thì phải tuân thủ những điều luật nào. Ví dụ phải có không gian xanh cách ly khu vực mới và cũ để bảo vệ di sản. Tiếp theo là phong cách kiến trúc của công trình lân cận trong khu vực phải hài hòa về mặt vật liệu, màu sắc, mật độ, chiều cao. Thứ ba, những công trình di sản khá nhạy cảm, nên khi làm thì phải thông qua hội đồng nghệ thuật về bảo tồn di sản để tạo sự hài hòa với môi trường xung quanh. Điều này ở nước ngoài người ta làm rất chặt chẽ. Khu vực tượng Nữ thần Tự do (Mỹ) người ta xây dựng trong một thời gian rất dài, để cho bức tượng và các công trình xung quanh đều hài hòa, đảm bảo giá trị di sản về không gian, chiều cao, mật độ…

Điều này còn thiếu trầm trọng trong Luật Di sản. Vì như đã nói, trên 3/4 công trình di sản trên toàn quốc nằm ở thể loại có thể cải tạo, mở rộng, chỉnh trang, nhưng ta lại không có cơ sở pháp lý nào hướng dẫn làm việc này. Do đó, nếu không đập cái cũ thì người ta sẽ xây theo kiểu lấn át công trình mới một cách vô trách nhiệm; cái cũ và cái mới không ăn nhập với nhau, hay như với cảnh quan thiên nhiên đẹp như đèo Mã Pí Lèng mà người ta xây công trình 7 tầng thì không thể chấp nhận được.

Nếu Luật Di sản có hướng dẫn cụ thể thì công trình ở đèo Mã Pí Lèng chắc chắn không được xây lên. Vùng đó là vùng đệm, nhìn thẳng vào di sản nên càng không được xây. Hiện tại, công trình đó xây trái phép thì càng không có cơ sở pháp lý để tồn tại. Nếu có công trình nằm ở vị trí đó, phải tuân theo tiêu chí cảnh quan, hòa nhập với thiên nhiên.

img

Cảnh quan đèo Mã Pí Lèng bị phá vỡ bởi công trình "gai bê tông" xấu xí.

Luật Di sản không chỉ nhấn mạnh bảo vệ di tích nguyên trạng, mà phải có những chương nêu lên yêu cầu khi chỉnh trang, hay cải tạo, mở rộng công trình gắn kết di sản phải có hướng dẫn sao cho hài hòa. Nếu không có hướng dẫn chi tiết thì cũng phải nêu rõ vùng đệm của công trình được thông qua bởi hội đồng bảo tồn. Bảo vệ di sản không chỉ bảo vệ công trình mà phải bảo vệ không gian di sản, phải có hướng dẫn để công trình xây dựng ở không gian lân cận có sự hài hòa với không gian di sản.

Theo ông, vì sao trước khi xây các công trình "bức tử" di sản, tiếng nói và đóng góp ý kiến của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư  lại không được coi trọng?

- Sở dĩ như vậy là vì người ta không nhìn thấy giá trị của di sản, chỉ nhìn thấy giá trị ngắn hạn, lợi nhuận, lợi cho nhà đầu tư nhưng gây thiệt hại cho cộng đồng. Nếu không xử lý nghiêm khách sạn ở đỉnh Mã Pí Lèng thì sẽ có những trường hợp tương tự lan rộng ra, rất khó giải quyết. Đây không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của tỉnh Hà Giang.

Theo tôi, cần thiết phải thành lập Hội đồng di sản để đảm bảo yếu tố công trình hài hòa với cảnh quan, không phá nát di sản. Hội đồng này nên bao gồm các nhà kiến trúc, quy hoạch, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, xã hội học (ngành xã hội học cũng rất quan trọng). Khi bảo vệ di sản, cũng nên giữ gìn, khuyến khích cộng đồng sống quanh di sản, như cộng đồng sống gần Mã Pí Lèng, hay cộng đồng sống quanh 36 phố phường Hà Nội…

Xin cảm ơn KTS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem