Hộ nuôi tôm đòi điện lực bồi thường

Thứ năm, ngày 24/06/2010 12:17 PM (GMT+7)
(NTNN) - Trước tình trạng cắt điện vô tội vạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, một số hộ dân tại miền Trung đã làm đơn đòi ngành điện bồi thường thiệt hại.
Bình luận 0
 img
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL thiệt hại nặng nề do cúp điện.

Hết đường mưu sinh

Ngày 23-6, 12 hộ nông dân đại diện cho những hộ nuôi tôm tại xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã đồng loạt có đơn yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm bồi thường về những thiệt hại do việc cúp điện gây ra.

Theo ông Đỗ Trực - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên, người đứng tên trong đơn, địa phương ông là vùng sản xuất nông nghiệp dựa vào nước trời nên sản xuất rất bấp bênh. Nhiều nông dân đã vay vốn để cải tạo mặt bằng, kéo điện, xây dựng ao nuôi tôm thâm canh nhằm xoá đói giảm nghèo.

Thời gian qua, việc cúp điện luân phiên đã gây ra tình trạng các đìa tôm bị thiếu ôxy (do máy sục khí không chạy được) và tôm chết hàng loạt. Huyện Hòa Vang có 22ha nuôi tôm sú và tôm chân trắng. Trước đây, năng suất thấp nhất cũng đạt 2,5 tấn/ha đối với tôm sú và 4 tấn/ha đối với tôm chân trắng. Nhưng nay, do cúp điện, tôm chết, năng suất chỉ còn 1 tấn/ha đối với tôm sú và 2 tấn/ha đối với tôm chân trắng, thiệt hại hơn một nửa.

Trong đơn, các chủ hộ bị tôm chết hàng loạt như ông Hồ Văn Hai, Hồ Văn Hổ, Đỗ Trực… đều kiên quyết quy trách nhiệm cho đơn vị điện lực đối với những thiệt hại mà họ đang phải gánh chịu. "Dù nghèo khó nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận nợ nần để vay mượn tiền kéo điện 3 pha ra Trường Định nuôi tôm, mong cải thiện cuộc sống. Vậy mà chính ngành điện lại diệt mất đường mưu sinh của chúng tôi. Không thể chấp nhận được"- ông Trực bức xúc. Bà Trần Thị Kim - Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Liên, phát biểu đồng tình với việc "làm cho ra nhẽ" của các hộ nuôi tôm.

 img
Đơn khiếu nại của những hộ nuôi tôm ở Đà Nẵng.

Thiệt đơn thiệt kép

Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long (phường Mỹ Quý, Long Xuyên, An Giang) cho biết, tình trạng cắt điện liên miên làm những công ty chuyên ngành thủy sản thiệt hại vô cùng nặng nề. Theo ông Hải, công ty ông phải lắp đặt hệ thống phát điện dự phòng trị giá hơn 6 tỷ đồng. Với công suất 80 tấn cá tra, cá basa thành phẩm mỗi ngày, chỉ một hệ thống phát điện này công ty đã chi phí hơn 10 triệu đồng tiền nhiên liệu, tức cao hơn gấp đôi so với chi phí dùng điện lưới. Chi phí vận hành cao là vậy nhưng chạy hết công suất, hệ thống dự phòng cũng chỉ cung cấp tối đa 70% năng lượng cần thiết, do đó chỉ có thể sản xuất cầm chừng.

“Những thiệt hại hữu hình do việc cắt điện triền miên có thể tính toán được. Nhưng còn thiệt hại vô hình mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt mới ghê gớm hơn nhiều. Hàng loạt đơn hàng bị chậm so với hợp đồng với các đối tác nước ngoài khiến uy tín doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Chúng tôi làm hàng xuất khẩu, uy tín với khách hàng là điều quan trọng nhất và phải gầy dựng rất lâu mới xây dựng được mối quan hệ. Chúng tôi lo không biết sắp tới sẽ phải làm thế nào để tạo lại mối quan hệ…” - ông Hải nói.

Mong được bù đắp

Ngày 23- 6, ông Lê Phúc Thiện - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị - cho biết, cúp điện kéo dài đã làm 350ha tôm ở các xã Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Vân (Triệu Phong) bị mất trắng. Người nuôi tôm ngoài thiệt hại do tôm chết còn phải tốn chi phí cao gấp 5 lần do chạy máy nổ thay điện lưới.

Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc DNTT Ngọc Ngân chuyên ngành chế biến và xuất khẩu nông sản (Tiền Giang), dù doanh nghiệp của ông nằm trong diện “ưu tiên” giảm cắt điện nhưng việc sản xuất vẫn đình trệ vì thiếu điện. “Điện lực thông báo cúp trong vòng 1 giờ thì có khi cúp luôn một lèo 5 giờ” - ông Huy bức xúc.

Theo ông Huy, do công ty ông chuyên xuất khẩu nhãn đi nước ngoài nên rất cần điện chạy dây chuyền cấp đông và bảo quản. Dù đã đầu tư lớn cho hệ thống phát điện dự phòng nhưng cũng chỉ đảm bảo được 30% nhu cầu sản xuất. Do công ty có hợp đồng với nhà vườn, ứng trước tiền nên đến thời điểm thu hoạch phải mua hết cho dân.

Theo lời ông Huy, cá tra nếu thu hoạch chậm 1 đến 2 tuần vẫn có thể cầm cự được, còn trái cây mà thu hoạch chậm 1-2 ngày là chỉ đổ bỏ. Do thiếu điện, nhiều lô hàng mua của nhà vườn tính tiền loại 1, về đến công ty nằm trong kho không chế biến được biến thành loại 3, thậm chí thành phế phẩm.

“Chỉ trong vòng hai tháng, chúng tôi thiệt hại khoảng nửa tỷ đồng. Đó là chưa kể các lô hàng giao không đúng tiến độ hợp đồng, bị mất uy tín với khách hàng. Thiệt hại này thì không thể tính toán được” - ông Huy nói.

Theo quy định của pháp luật, khách hàng có thể khởi kiện ngành điện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL cho rằng thủ tục khởi kiện quá nhiêu khê và tốn nhiều công sức, nên mong muốn các cơ quan chức năng ủng hộ, hướng dẫn để những thiệt hại của họ được bù đắp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem