Khi cầu treo tạm trở thành những chiếc bẫy...

Khoa Điềm Thứ bảy, ngày 19/03/2016 06:00 AM (GMT+7)
Cầu treo tạm là phương án giúp người dân vượt sông trong điều kiện chưa thể xây dựng những chiếc cầu vững chắc. Nhưng hiện nay, do thời gian và do ý thức của một bộ phận người dân qua lại không tự giác chấp hành quy định an toàn.
Bình luận 0

Cầu treo tạm là phương án giúp người dân vượt sông trong điều kiện chưa thể xây dựng những chiếc cầu vững chắc. Nhưng hiện nay, do thời gian và do ý thức của một bộ phận người dân qua lại không tự giác chấp hành quy định an toàn nên nhiều cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Kon Tum bỗng trở thành những chiếc bẫy nguy hiểm. Điển hình là vụ cầu treo Kon Nu ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đứt cáp vào giữa năm ngoái, hất 5 người và 7 con bò xuống sông Đăk La; hay vụ cầu treo Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) đứt cáp hất 7 người xuống sông Pô Kô...

imgBất chấp cảnh báo nguy hiểm, nhiều người chở sắn vẫn rồng rắn qua cầu treo Nông Nội. ảnh:Khoa  Điềm

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 270 cầu treo dân sinh, trong đó có 108 cầu tạm bợ. Nhiều cây cầu có thể đứt cáp, sập bất cứ lúc nào. Tại xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), nơi có chiếc cầu treo dài hàng chục mét vắt ngang sông Pô Kô, đoạn chảy qua làng Nông Nội, chính quyền xã đã cho gắn biển cảnh báo: “Cầu tạm nguy hiểm qua từng người một. Không được vận chuyển hàng hóa nặng qua cầu”. Vậy mà mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người và phương tiện, chủ yếu là xe máy nối đuôi nhau chở vật dụng, nông sản qua cầu. Anh Dương Công Cường vừa vượt qua cầu treo này trên chiếc xe gắn máy chở khoảng 70-80kg sắn tươi, cho biết:  “Không đi qua cầu này thì không còn cách nào. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải đi để còn làm rẫy”.

Gùi trên vai khoảng 30kg sắn tươi từ rẫy về, men theo dây cáp cầu treo, trong khi sàn cầu nhiều  chỗ bị hổng vì thiếu ván, chị Y Lan ở thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) nói: “Cầu bị sạt lở rồi, đi cũng thấy nguy hiểm, nhưng không đi thì phải lội qua sông còn kinh hơn”.

Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tình trạng giao thông bị chia cắt, những chiếc cầu treo yếu ớt, xuống cấp vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vừa ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.  “Địa bàn của huyện sông suối nhiều, không có cầu cho bà con qua lại, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản thường xuyên ách tắc, từ đó phát triển kinh tế- xã hội chậm. Địa phương cũng như người dân rất mong tiếp tục được hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cầu cống cho bà con để tạo thuận lợi trong sản xuất cũng như trao đổi hàng hóa” - ông Hơn nói./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem