Làm báo cùng Dân Việt: Sông Sài Gòn là của ai?

Hoàng Lệ Quỳnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) Thứ năm, ngày 20/02/2020 09:00 AM (GMT+7)
Chắc hẳn không phải riêng tôi mà nhiều người cũng có chung suy nghĩ, sông Sài Gòn, bờ sông Sài Gòn là của chung, của tất cả công dân sống trong thành phố. Vậy mà, thực tế chúng ta đang phải trả tiền để được dừng chân ở nơi vốn dĩ thuộc về mình!
Bình luận 0

“Oh my god! (Ôi trời ơi - PV) Họ bán chai nước gấp 5 lần!”, James - anh bạn dạy ở Trung tâm Tiếng Anh tôi đang theo học phải thốt lên sau khi trả tiền 4 chai nước ngọt với giá 120.000 đồng. Bình thường, anh ta vẫn mua loại nước đó ở cửa hàng tiện lợi với giá 6.000 đồng/chai. Chưa kể, để được ngồi xuống hóng gió ở khu vực bờ sông Sài Gòn, cả nhóm chúng tôi hôm ấy phải mua thêm đồ ăn vặt mà theo cô bạn tôi là “chua chua sắp hỏng” với giá cũng “buốt ruột” không kém.

Tại sao đắt mà chúng tôi vẫn ngồi ư? Vì chúng tôi chưa từng nghĩ bờ sông ở đây lại mang tính sở hữu cá nhân tới vậy. Đoạn bờ sông nằm ngay cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ, cách UBND thành phố có vài trăm mét.

img

Những hộ kinh doanh tự phát biến bờ sông Sài Gòn thành… của riêng!

James không đồng tình với lập luận kiểu “Đắt vẫn phải mua, phàn nàn cũng phải mua”. Bằng thứ tiếng Việt chưa sõi, anh hỏi người phụ nữ bán hàng: "Cô ơi, sao nước ngọt ở đây mắc vậy? Chúng cháu không mua nữa có được không?".

Ngay lập tức, người phụ nữ tỏ thái độ không hài lòng, vài thanh niên đứng trông xe ở đó cũng quay lại trả lời gay gắt: Đắt ở chỗ ngồi, không uống nước không được đứng ở đây!

Nhìn quanh, cả một dãy hành lang ven sông bên trái, bên phải đều là những quán tự phát như vậy. Không phải riêng chúng tôi, một chốc những bàn bên cạnh lại có tiếng ai đó thảng thốt thắc mắc sau khi nghe báo giá đồ ăn, nước uống.

Khách buộc phải chấp nhận hoặc mua đồ đắt, hoặc di chuyển đến nơi khác. Nhìn thái độ của những người bán hàng, nhiều người cắn răng trả tiền, ăn uống cho nhanh rồi đứng dậy. Chuyến đi hóng gió bờ sông của chúng tôi bỗng kém vui hơn hẳn.

Tất nhiên, vài trăm nghìn đồng không phải quá lớn, nhưng cái khiến nhiều người bức xúc ở đây là giá trị của những thứ đã mua không cao như vậy. Và, quan trọng hơn cả, là họ phải trả tiền cho việc dừng chân ở nơi công cộng, nơi đáng lẽ không thuộc về bất cứ cá nhân nào. Giờ tôi mới tin câu nói của một ông cụ chèo thuyền có 50 năm gắn chặt cuộc đời mình với dòng sông Sài Gòn: “Không ít đoạn bờ sông này đã thuộc sở hữu cá nhân. Mấy chú muốn hưởng gió mát từ sông Sài Gòn phải mất tiền đó…".

Lấn chiếm hành lang ven sông là một chuyện, nhưng thử trải nghiệm ngắm cảnh quan sông Sài Gòn từ Thủ Đức về quận 1. Khi đi một vòng tất cả đều giật mình bởi nhận thấy, ngoài bến Bạch Đằng có diện tích khiêm tốn thì chẳng thể tìm được một nơi cho người dân thành phố ra ngắm sông một cách đúng nghĩa. Bản thân tôi tự đặt ra câu hỏi: Bờ sông Sài Gòn là của ai?.

img

Biệt thự ở Thảo Điền bịt kín lối ra bờ sông Sài Gòn.

Ai cũng thấy sông Sài Gòn có ý nghĩa rất lớn đối với đô thị TP.HCM nhưng việc con sông bị nhiều kẻ bao chiếm là điều khó có thể chấp nhận. Sông Sài Gòn là yếu tố tạo nên nét đặc trưng của một đô thị trên bến dưới thuyền của TP.HCM. Ấy vậy mà, đôi bờ sông đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ. Dòng sông đang biến dạng từng ngày.

Thiết nghĩ, dù có phát triển ra sao, khi quy hoạch cũng phải chú ý đến lợi ích của cộng đồng. Bất kể là doanh nghiệp hay cá nhân đang “xẻ thịt” bất động sản ven sông, lấn chiếm không gian công cộng để kiếm tiền, tôi cho rằng đó đều là hành vi bao chiếm bờ sông, phải điểm mặt và có biện pháp xử lý thì may ra mới cứu được cảnh quan đôi bờ con sông này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem