Lỗ hổng pháp luật từ vụ Sabeco: Người “thấp cổ bé họng” chịu thiệt

Mai Hương Thứ bảy, ngày 18/07/2015 14:25 PM (GMT+7)
Từ vụ Tổng Công ty cổ phần Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, người ta mới vỡ lẽ, có quá nhiều lỗ hổng từ các quy định của pháp luật. Nếu không phải là trường hợp Sabeco mà ở đây là người dân “thấp cổ bé họng” sẽ rất khó kêu!...
Bình luận 0

Doanh nghiệp “lách thuế”?

img

Dây chuyền sản xuất của Sabeco. (Ảnh: Zing)

Những ngày qua, truyền thông liên tiếp đăng tải thông tin về việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp thêm hơn 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2013 do “lách thuế” thông qua việc thành lập các công ty thương mại khu vực (công ty con, cháu). Sabeco đã nộp thuế TTĐB ở công đoạn công ty con bán sản phẩm cho công ty cháu. Kiểm toán Nhà nước khẳng định thuế TTĐB của Sabeco phải được tính ở công đoạn công ty cháu bán sản phẩm cho các đại lý bán ra thị trường, vì thế kiểm toán kiến nghị thu thêm 408 tỷ đồng. 

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), ông Phan Chí Dũng khẳng định: Vấn đề ở đây là luật đã có kẽ hở khi chỉ quy định “thu thuế TTĐB ở giá bán ra” mà không quy định ở khâu nào, khâu bán buôn hay bán lẻ-“đánh” vào khâu sản xuất hay thương mại? Do vậy, Sabeco khi nộp thuế đã nộp ở khâu bán buôn và khâu sản xuất với số thuế phải nộp ít hơn so với ở khâu thương mại, bán lẻ. Sabeco đã tuân thủ luật theo cách có lợi nhất cho mình. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cũng thẳng thắn cho rằng, người “lách” được luật không có lỗi và không phải hành vi xấu. Thậm chí, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đều đang có luật sư để tìm hiểu pháp luật của Việt Nam khi họ bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Công việc của các luật sư này chỉ mỗi việc tìm ra kẽ hở của pháp luật để lách hoặc tuân thủ pháp luật thế nào để có lợi nhất cho DN.

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung thì xem Sabeco là “vụ việc điển hình liên quan đến cải cách thể chế kinh tế thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh nói chung”.

Người dân không thể “gánh” nếu “hổng”…

Sabeco là một DN nhà nước lớn mới có thể “đăng đàn” để bảo vệ lợi ích của mình. Tôi tin nếu là DN nhỏ, hoặc người dân bình thường có lẽ đành phải chịu hoặc lại phải “đi đêm” để vụ việc bớt thiệt hại cho mình”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng

Quan điểm của ông Cung, DN tận dụng được lợi thế của chính sách và cả kẽ hở của chính sách là hoàn toàn tự nhiên, vì người ta giỏi thì mới “lách” được. Vấn đề là DN như thế thì Nhà nước khi bảo vệ lợi ích chung phải tìm công cụ để bảo vệ chính sách của mình, hạn chế trở lại các hành vi này. “Chúng ta phải đặt vấn đề vi phạm luật thì vi phạm điều nào, khoản nào. Còn họ tuân thủ luật một cách có lợi cho họ, không vi phạm vào điều nào thì là tuân thủ đúng pháp luật” - ông Cung khẳng định.

Viện trưởng CIEM cho rằng, kẽ hở của pháp luật không thể bắt người dân, DN gánh chịu. Và cũng không có hệ thống pháp luật nào là không có kẽ hở. “Liệu một kẽ hở phát hiện ra thì người dân lại phải chịu rủi ro này? Vậy thì người dân quá bất an, không biết mình vi phạm vào lúc nào, chắc là lúc cơ quan nhà nước phát hiện ra kẽ hở ấy!?” - ông Cung phân vân.

Ông Cung cũng thẳng thắn, “nếu không phải là trường hợp Sabeco mà ở đây là người dân “thấp cổ bé họng” (chắc chắn gặp rất nhiều) thì biết kêu ai khi lợi ích bị ảnh hưởng? Với tính bất định, không tiên lượng được khi áp dụng chính sách kiểu như thế sẽ khiến người dân rụt rè không dám làm ăn to, làm ăn chính thức và lâu dài được” - ông Cung nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem