"Mạnh thường quân" thất hứa thưởng tiền tỷ với U23, có bị xử lý?

Thứ năm, ngày 08/02/2018 09:51 AM (GMT+7)
Theo LĐBĐ Việt Nam, số tiền và hiện vật được các "mạnh thường quân" hứa thưởng cho U23 Việt Nam đã lên đến hơn 46 tỷ đồng. Nếu có "mạnh thường quân" thất hứa sẽ giải quyết thế nào?
Bình luận 0

U23 Việt Nam vừa trải qua một kỳ U23 châu Á vô cùng thành công khi loại nhiều “ông lớn” để vào trận chung kết trước khi thua U23 Uzbekistan 1 - 2 ở đúng phút 119 của hiệp phụ thứ 2.

Theo thống kê, thì ngay sau khi đánh bại U23 Qatar ở bán kết, U23 Việt Nam đã được các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tuyên bố thưởng lên tới 24 tỷ đồng. Sau khi giành ngôi á quân, tổng số tiền thưởng tăng lên thành 28 tỷ đồng và tới ngày 30.1, tổng số tiền thưởng chốt lại ở mức 32 tỷ đồng.

img

Số tiền, hiện vật các mạnh thường quân hứa thưởng cho U23 Việt Nam đã lên đến 46 tỷ đồng. Ảnh minh họa, AFC. 

Ngoài ra, U23 Việt Nam còn nhận những phần thưởng bằng hiện vật khác có giá trị vào khoảng 14 tỷ đồng. Tức là tổng thưởng cho thầy trò Park Hang-seo sau chiến dịch VCK U23 châu Á 2018 vào khoảng 46 tỷ đồng. 

Trả lời Infonet, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla cho rằng các tổ chức, cá nhân đã hứa thưởng cho U23 Việt Nam cần phải thực hiện trả thưởng theo đúng cam kết.

Cụ thể, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết: “Theo quy định tại Điều 116 BLDS 2015 thì giao dịch dân sự được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có quyền ủng hộ đội tuyển U23 Việt Nam bằng các giao dịch dân sự trên tinh thần tự nguyện như tặng cho, hứa thưởng hoặc tài trợ dưới các hình thức lời nói hoặc hình thức bằng văn bản.

Tại Điều 457 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 về hợp đồng tặng cho tài sản có quy định như sau: “Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản, Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.

img

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla. Ảnh IT.

Ngoài ra, luật sư Trương Quốc Hòe cũng nhận định: “Căn cứ vào các quy định trên thì các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho đội tuyển U23 Việt Nam. Việc tặng cho này phải được sự đồng ý của bên nhận tặng cho và chỉ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản hoặc thời điểm đăng ký (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu).

Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp này không thực hiện việc tặng cho nữa thì phải thanh toán các nghĩa vụ mà đội tuyển U23 Việt Nam đã thực hiện để được nhận tặng cho.

"Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên không lập hợp đồng tặng cho mà hầu hết lựa chọn hình thức hứa thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam dưới dạng lời nói, thông báo trên mạng xã hội" - luật sư Hòe cho hay.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì "hứa thưởng" là một giao dịch dân sự, bản chất là hành vi pháp lý đơn phương của người hứa thưởng. Cụ thể tại Điều 570 có quy định về hứa thưởng như sau: “Điều 570. Hứa thưởng: Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Căn cứ vào quy định này thì rõ ràng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có quyền hứa thưởng tài sản cho U23 Việt Nam khi U23 Việt Nam vào đến trận Chung kết… hoặc bất kỳ một điều kiện nào theo ý chí chủ quan của mình. Việc hứa thưởng hoàn toàn là sự tự nguyện của các doanh nghiệp và cá nhân, phụ thuộc vào tình hình kinh tế cũng như thực tế của các doanh nghiệp và cá nhân.

Đối với việc hiện nay còn một số doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã hứa thưởng cho các cầu thủ U23 nhưng chưa thực hiện thì pháp luật hiện hành không bắt buộc người hứa thưởng phải trao thưởng cho người được hứa thưởng, cũng như bắt buộc về thời gian trao thưởng.

img

Tiền thưởng cho U23 Việt Nam vẫn chưa được các nhà tài trợ chuyển hết cho LĐBĐ VN. Ảnh IT. 

Mặc dù vậy, tại Điều 571 Bộ luật Dân sự 2017 cũng có quy định về việc rút hứa thưởng như sau: “Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố”.

Theo quy định này thì hiện nay các cầu thủ U23 đã thực hiện công việc được hứa thưởng, do đó, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã hứa thưởng cho các cầu thủ U23 cần thực hiện việc trả thưởng theo đúng những gì đã công bố.

Dù pháp luật không có quy định xử lý đối với việc người hứa thưởng không thực hiện trả thưởng, tuy nhiên nếu các doanh nghiệp, cá nhân đã hứa thưởng cho đội tuyển U23 nhưng không thực hiện thì trước hết họ sẽ đánh mất uy tín, niềm tin của các cầu thủ trẻ, đối tác kinh doanh và nhất là niềm tin của người tiêu dùng.

Còn đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng tài trợ với đội tuyển U23 Việt Nam thì để có thể đánh giá đúng bản chất của sự việc chúng ta phải xem xét đến hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên.

Nếu trong hợp đồng tài trợ có ghi nhận các điều khoản thể hiện quyền, nghĩa vụ của bên tài trợ về việc phải thực hiện nghĩa vụ cũng như các chế tài được áp dụng trong trường hợp này thì đội tuyển U23 Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án về việc vi phạm hợp đồng theo quy định của BLDS 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015”.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, việc đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành ngôi Á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á vừa qua là niềm tự hào chung của cả đất nước.

Việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn thể hiện lòng yêu mến thông qua việc hứa thưởng tài sản của mình cho đội bóng cũng như các cầu thủ là một điều hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự đẹp khi lời hứa ra phải được thực hiện đúng như những gì đã thông báo.

Đây cũng là một bài học cho những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần suy xét thật kỹ trước khi phát ngôn trước công chúng.

Tính đến hết ngày 2.2, số tiền thưởng cho U23 Việt Nam đã chuyển về VFF mới chỉ là 15.005.102.000 đồng. Trong đó, U23 Việt Nam đã nhận trực tiếp 500 triệu đồng tiền mặt. Như vậy, vẫn còn gần 17 tỷ đồng tiền thưởng chưa được chuyển về cho Liên đoàn.

Sông Mã (Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem