Người dân gây sức ép về việc thực hiện chính sách di dời tái định cư: Hàng trăm trẻ thất học

Hữu Anh Thứ hai, ngày 22/09/2014 10:05 AM (GMT+7)
Năm học mới đã bắt đầu từ hơn 2 tuần nay, nhưng 132 học sinh ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn chưa được bố mẹ cho đến trường. Nguyên nhân là do phụ huynh muốn gây sức ép với chính quyền trong việc thực hiện chính sách di dời tái định cư.
Bình luận 0

Thuê xe ô tô vẫn không đón được học sinh

Sáng 18.9, PV NTNN có mặt tại Trường THCS Kỳ Phương (xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh) - điểm trường mới cho 322 em học sinh bậc THCS ở xã Kỳ Lợi. Tuy nhiên, với 4 dãy nhà 2 tầng được đầu tư khang trang, trong các lớp học vẫn còn nhiều chỗ trống do học sinh không đến trường.

Thầy giáo Nguyễn Đình Tứ - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Phương cho biết: “Số học sinh vắng học là con em ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi chưa được phụ huynh cho đi học. Mặc dù từ tháng 2.2014 Phòng Giáo dục và huyện Kỳ Anh đã có thông báo chuyển toàn bộ số học sinh bậc THCS thôn Đông Yên lên Trường THCS Kỳ Phương, tuy nhiên đến nay 52 em ở thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi vẫn chưa đến trường học”.

Còn thầy giáo Võ Văn Thanh - Hiệu phó Trường Tiểu học Kỳ Lợi cho biết: Trường Tiểu học Kỳ Lợi vừa được đầu tư xây dựng khang trang ở khu tái định cư thôn Ba Đồng với trên 18 lớp học, nhưng đến nay sau hơn 2 tuần khai giảng, 80 em học sinh bậc tiểu học ở thôn Đông Yên vẫn chưa đến trường học.

Thầy Thanh cho biết thêm: “Hơn 2 tuần nay, 6 giờ sáng hàng ngày, tôi cùng cán bộ giáo viên ở trường tập trung tại thôn Đông Yên để đón các em lên 2 chiếc xe ô tô được huyện thuê phục vụ chở học sinh đến điểm trường mới. Mặc dù có giáo viên và ô tô đến đón tận thôn nhưng không có học sinh nào đi học”. Trò chuyện với em Mai Thị Hà My, học sinh lớp 6 được biết: “Mấy ngày nay em ở nhà buồn lắm, nhưng bố mẹ em không cho đến trường”.

Người dân gây áp lực với chính quyền

Để nhường chỗ cho các dự án kinh tế, xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh) có 1.235 hộ dân phải di dời. Ông Nguyễn Văn Bổng- Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Việc di dời tái định cư của thôn Đông Yên được tỉnh chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Xã Kỳ Lợi có 1.235 hộ dân phải di dời lên khu tái định cư đến nay đã có 1.044 hộ bốc thăm tại khu tái định cư và đã có hàng trăm hộ an cư. Tỉnh đã bố trí số học sinh bậc THCS học ở Trường THCS Kỳ Phương, học sinh tiểu học đã được xây một ngôi trường khang trang 18 lớp ở khu tái định cư thôn Ba Đồng. Đầu năm 2014, UBND huyện Kỳ Anh đã có kế hoạch tổ chức dân di dời đến đâu, đưa các cháu đến đó.

Tuy nhiên đến đầu năm học này, còn 132 cháu của 69 hộ dân ở thôn Đông Yên chưa đến trường. Nguyên nhân số học sinh này chưa được phụ huynh cho đến trường là do 69 hộ chưa lên khu tái định cư mới vì chưa kiểm đếm hoặc là chưa thực hiện chính sách di dời tái định cư. Sau khi huyện xây dựng lộ trình thì Trường Tiểu học xã Kỳ Lợi cũ đã được chuyển lên trường mới ở khu tái định cư.

Nhiều phụ huynh khi được hỏi đều thừa nhận rằng, biết không cho con đến trường là thiệt thòi cho các cháu, nhưng chỉ muốn con học tại trường cũ, không muốn đi học ở trường mới. Song sâu xa của việc này là các hộ dân ở đây lấy việc học của các em để gây áp lực trong việc thực hiện chính sách di dời tái định cư, đòi thêm tiền đền bù của Nhà nước.

Ông Trần Trung Dũng-Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh cho biết: Một bộ phận phụ huynh ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh ngăn cấm con em đến trường như vậy là vi phạm Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Vì chuyện đền bù tái định cư và việc học của các em là hai việc khác nhau, phụ huynh làm như vậy là ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các em.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem