Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Phá bỏ các "gai bê tông" trên Mã Pí Lèng không phải việc quá khó

Hà Thúy Phương Chủ nhật, ngày 06/10/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trước việc có những công trình cố ý và tự phát xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng và nhiều nơi khác tại Hà Giang lâu nay mà không được xử lý, nhà văn Đỗ Bích Thúy đưa ra gợi ý phát triển du lịch bền vững cho Hà Giang.
Bình luận 0

img

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Nhà văn Đỗ Bích Thúy là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Trước đây, chị đã có 4 năm làm báo ở Hà Giang. Bởi vậy, nhà văn Đỗ Bích Thúy rất am hiểu đời sống, văn hóa của dân tộc Mông, Tày. Điều này có thể thấy rõ trong các tác phẩm văn chương của chị đã được dựng thành phim mà chỉ có những người sinh ra và gắn bó với vùng đất này mới có được.

img

Hình ảnh vùng cao Hà Giang trong "Lặng yên dưới vực sâu" - phim do Đỗ Bích Thúy viết kịch bản.

Nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy đã sở hữu gần 20 cuốn sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, trong đó hầu hết là các sáng tác về đề tài miền núi, đặc biệt có những tiểu thuyết được chuyển thể thành những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt như: “Chuyện của Pao”, “Lặng im dưới vực sâu”, “Chúa đất”.

Mặc dù công tác tại Hà Nội, nhưng nhà văn Đỗ Bích Thúy thường xuyên quay lại Hà Giang. Và những gì chị quan sát được trên mảnh đất mình đã được sinh ra, thật đau lòng là: “Bước chân khách du lịch đi đến đâu thì cảnh quan, môi trường, văn hoá bản địa nơi đó có nguy cơ hao hụt, mất mát đến đấy. Tất nhiên, lỗi không phải hoàn toàn do khách du lịch. Nơi nào đẹp thì họ đến, thế thôi. Lỗi của họ có thể nằm ở thói xấu xả rác tự nhiên, dẫm đạp thoải mái lên vài thảm hoa... Nhưng họ không đập các căn nhà truyền thống đi để xây những ngôi nhà mặt đường cho người dân địa phương.

Tôi nói du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng là ở chỗ, người dân địa phương trong một thời gian rất ngắn phải đối mặt với một làn gió mới, mà nó mạnh kinh khủng, nó nhanh chóng mặt, họ không kịp nghĩ xem là mình cần phải giữ cái gì, bỏ cái gì, thay thế cái gì. Hàng nghìn cơ hội mở ra để họ có thể thay đổi đời sống vật chất, bảo họ phải cân nhắc, tính toán, nghĩ tới cái lớn hơn như là văn hoá của một vùng đất thì khó lắm. Cực kì khó!”

img

Panorama và những ngôi nhà dựng trên vách núi như những gai bê tông phá hỏng vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Giang. Ảnh: FB Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng, phát triển du lịch tức là phát triển kinh tế. Hà Giang là một tỉnh đặc biệt nghèo. Nghèo do thiên nhiên quá khắc nghiệt, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, gieo trồng, mùa đông thì quá lạnh giá. Phát triển du lịch là một cứu cánh thực sự cho nền kinh tế Hà Giang, cơ hội vàng để người dân địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng, vì nó quá nhanh, quá mạnh, nên nó quá... nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ không quản lý được. Một ngành kinh tế quá mới mẻ, mà lại phát triển quá nhanh, dường như quá sức với những nhà quản lý.

Trở lại vụ việc khách sạn Panorama, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết: “Trước đấy, cách Panorama một đoạn, đã có một địa điểm ngắm cảnh sông Nho Quế, vực Tu Sản khá đẹp, được chính quyền huyện Mèo Vạc xây dựng. Nhưng khi Nho Quế có thuỷ điện, nước dâng lên, thì địa điểm ngắm vực Tu Sản ở Panorama bây giờ mới là đẹp nhất. Và thế là một ngày mọc thêm Panorama. Trong khi, nếu chính quyền địa phương quan tâm hơn đến thiên nhiên, thì họ đã không cho phép xây thêm một điểm dừng chân to đùng như Panorama nữa. Mà nếu muốn an toàn cho khách du lịch thì chỉ cần xây một hàng rào chắn tại vị trí đó, san phẳng, mở rộng một chút ở khúc cua, để người ta có thể ngắm cảnh, chụp ảnh. Chấm hết. Tuyệt đối không cà phê, không khách sạn. Ai có nhu cầu ăn nghỉ thì quay về thị trấn mà nghỉ, ai có nhu cầu uống thì mang theo nước mà uống”.

img

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy khẳng định Hà Giang đã làm khá tốt ở một vài điểm theo cách đó: Nếu ai đi qua Hà Giang rồi sẽ biết. Có những điểm như là leo lên đỉnh núi ngắm toàn bộ quang cảnh Quản Bạ. Mất khoảng 15-20 phút leo bộ. Trên đó có một cái lều vọng cảnh, ngắm núi đôi Quản Bạ ở đó thì tuyệt đẹp. Và không có bất kì một dịch vụ nào kèm theo cả. Chỉ đến để ngắm cảnh thôi nên không cần phải xây to đùng đoàng ra làm gì, nó hầu như không ảnh hưởng gì đến thiên nhiên cả.

Hoặc dọc đường lên Đồng Văn cũng vậy. Cũng có những điểm chỉ có vài cái cột trụ chắc chắn, có mái che nắng mưa, xinh xắn gọn gàng, lối đi vào sạch sẽ, để du khách dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh thoải mái, rồi đi. Tôi thấy nhiều điểm đến trên thế giới người ta cũng làm như vậy. Cứ không có dịch vụ thì thiên nhiên sẽ giảm thiểu việc bị tác động xấu.

img

Ngày càng nhiều ngôi nhà bê tông bám mặt đường, lởm chởm bên sườn núi xuất hiện tại Hà Giang

Hà Giang làm du lịch muộn, sau rất nhiều địa phương khác, lãnh đạo tỉnh hoàn toàn có thể học những kinh nghiệm tốt nhất từ trong nước, từ nước ngoài, mời các chuyên gia hàng đầu cho ý kiến một cách toàn diện, tổng thể, để có thể đưa ra một chiến lược phát triển du lịch lâu dài, bền vững. Đặc biệt cần chú ý đến yếu tố bền vững. Bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan môi trường, bảo vệ những giá trị văn hoá tộc người vô cùng đặc sắc, đấy chính là những cái mà Hà Giang cần tập trung quan tâm hàng đầu, chứ không phải chỉ nhăm nhăm làm sao càng có nhiều khách du lịch càng tốt.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết chị đã từng rất vui khi biết được rằng có những trường, điểm trường ở Hà Giang, các cô giáo đã dạy các cháu bé  rằng: "Tuyệt đối không xin tiền. Nếu khách du lịch cho quà thì phải biết nói: Cháu xin ạ. Cháu cảm ơn ạ". Và đúng là nhiều cháu bé đã biết ứng xử như vậy.

img

Bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan môi trường, bảo vệ những giá trị văn hoá tộc người vô cùng đặc sắc chính là những cái mà Hà Giang cần tập trung quan tâm hàng đầu.

Có nhiều năm công tác tại Hà Giang, nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận định rằng chính quyền Hà Giang có thể có những cá nhân gây bất bình, nhưng cũng không phải không có những ý kiến, tư duy tâm huyết về việc phát triển du lịch đi cùng với giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống, môi trường cảnh quan. Tiếc rằng, nhìn vào tổng thể thì vẫn đang lúng túng, manh mún, tuỳ tiện, buông lỏng.

Hà Giang đã từng làm được những việc cực kì khó như triệt phá cây anh túc, thay đổi các hủ tục lạc hậu ăn sâu bám rễ trong đời sống bà con hàng trăm năm, kế hoạch hoá gia đình, giảm tảo hôn... Vậy thì, việc phá bỏ những công trình mới xây một thời gian ngắn, đồng thời với tuyệt đối cấm xây bừa bãi tiếp, không phải là quá khó. Chỉ là, chúng ta hãy chờ xem họ quyết liệt đến đâu thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem