Những người hùng trên sóng bạc Hoàng Sa

Nam Cường – Đình Thiên – An Vĩnh Thứ hai, ngày 09/05/2016 06:10 AM (GMT+7)
Hoàng Sa, từ bao đời nay luôn là “quê nhà” của hàng trăm thuyền trưởng cự phách, từ những lão ngư già đời đến các thế hệ 8X, 9X… Họ ngày ngày đánh dấu cột mốc chủ quyền trên Biển Đông, giúp nhau vượt qua hoạn nạn.
Bình luận 0

Quên mình cứu bạn

Trong số những thuyền trưởng Hoàng Sa ở Đà Nẵng, Lê Văn Chiến (Xuân Hà, Thanh Khê) là người “chất” nhất, được anh em bạn thuyền kính nể bởi độ chịu chơi quên mình cứu bạn không tính toán thiệt hơn.

imgThuyền trưởng Lê Văn Chiến. ảnh: N.C

Đó là 14 giờ ngày 5.12.2011, tàu ĐNa 90351 do thuyền trưởng Lê Văn Chiến cũng 11 thuyền viên khởi hành hướng ngư trường Hoàng Sa thẳng tiến. Nhưng chưa đi được nửa đường, buộc phải quay lại để thực hiện nhiệm vụ của lương tâm: Cứu tàu bạn đang gặp nạn. Đó là vụ cứu nạn hy hữu và nguy hiểm bởi thời tiết xấu, hai tàu cùng “xoắn” vào nhau va đập trong vách đá.

imgNgư dân miền Trung ra khơi. ảnh: N.C

Trước đó, tháng 3.2008, anh Chiến giải cứu tàu của ông Phạm Lê Mi Em (Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị bắn cháy bình gas. “14.3.2008, khi đang nằm ngủ trên tàu chợt bộ đàm rung bần bật. Tôi ngồi dậy nghe, một giọng nói qua Icom trong hớt hải: “Tàu tui bị nạn đang bốc cháy trên biển”. Tôi vùng dậy, thấy một vùng biển đỏ rực. Anh không ngần ngại lao tàu đến, cứu được các thuyền viên với 2 người bị cháy gần như toàn thân là Đào Ngọc Mại và Lê Văn Dũng, khi ấy tàu ĐNa 66192 của anh Chiến cũng kiệt sức. “Đời đi biển không tính chuyện lời lỗ trước vấn nạn của bạn bè, đồng đội. Với tôi, và rất nhiều ngư dân, khi thấy bạn gặp nạn đều ứng cứu nhanh nhất có thể. Hôm nay mình cứu tàu này, rất có thể ngày mai một tàu nào đó cứu mình. Vì thế, dù lỗ sặc máu trong những chuyến biển có bạn bị nạn, nhưng với tôi và anh em, lúc nào cũng vui và thanh thản. Chẳng ai lăn tăn gì” - anh Chiến nói.

"Tàu chìm thì mình đi làm thuê, đi bạn cho các tàu khác để tiếp tục giữ nghề truyền thống của ông cha ta để lại. Rồi từ từ mình gây dựng lại thôi. Nếu Nhà nước quan tâm đạo điều kiện giúp gia đình tôi có vốn đóng tàu mới thì còn gì bằng, điều đó là mong muốn nhất của gia đình. Nếu có vốn sớm, ngay trong năm nay tôi sẽ bắt tay vào đóng tàu mới để đầu năm sau có tàu vươn khơi bám biển, anh em bạn cũng an tâm hơn”.
 Ông Phạm Phú Thành –
 thuyền trưởng tàu QNa 95959 vừa bị đâm chìm 
Trương Hồng (ghi)

Bùi Văn Phải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) là thuyền trưởng con tàu bị bắn cháy cabin vào năm 2013. Vụ việc với những hình ảnh cabin con tàu bị cháy rụi đã làm dư luận quốc tế phẫn nộ. Anh Phải bộc bạch: Tôi đã nhiều lần bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, rượt đuổi, tấn công, cướp tài sản ngay trong vùng biển quê hương mình. Họ ỷ tàu to máy lớn được trang bị súng đạn đe dọa, uy hiếp rồi tấn công, cướp tài sản của ngư dân, nhưng cũng không làm nhụt chí tinh thần vươn khơi của ngư dân đất đảo, con cháu của Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa”.

8X làm chủ 5 tàu lớn

35 tuổi, ngư dân Nguyễn Sương (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã làm chủ 5 con tàu lớn trị giá hàng chục tỷ đồng đang hàng ngày đạp sóng vùng biển Hoàng Sa.

Anh Sương đang hạ thủy con tàu sắt hành nghề lưới rê 3 lớp hiện đại trị giá hơn 20 tỷ đồng. “Phải nhanh chóng ra khơi mới được, chứ thời gian gần đây tàu cá của ngư dân miền Trung liên tục bị tàu nước ngoài quấy phá và mới nhất là tàu QNa 95959 đã bị đâm chìm. Nhìn ngư dân bị ức hiếp lòng tui nóng như lửa đốt…”. Tàu sắt của anh Sương khi hạ thuỷ vươn khơi sẽ di chuyển với tốc độ gần 15 hải lý/giờ. Thân tàu được đóng bằng vỏ thép nguyên khối nhập từ nước ngoài nên rất chắc chắn, vững chãi. “Với sự chắc chắn và tốc độ, nếu bị đâm va sẽ không vỡ, bị rượt đuổi tàu vẫn chủ động vòng tránh bảo đảm an toàn chờ tiếp ứng. Đây cũng là lý do chính tui vay vốn để đưa nó về đội tàu của mình” - anh Sương cho biết. Ngoài con tàu sắt sắp hạ thuỷ, ngư dân Nguyễn Sương còn sở hữu cặp tàu ĐNa 90603 và tàu ĐNa 90604 có tổng công suất máy lên tới 2.300 CV. Tổng trị giá của 2 con tàu này là 12 tỷ đồng được anh hạ thuỷ năm 2014 và thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ngoài ra, anh còn có 2 con tàu nhỏ hơn,  nhưng trị giá của nó cũng  hơn 6 tỷ đồng. Anh Sương tâm sự, khi anh nói ý định vay vốn Nghị định 67 để đóng con tàu sắt, ai cũng ái ngại vì gần đây, tàu nước ngoài quấy phá truy đuổi, đập phá thuyền, phá ngư lưới cụ, thậm chí đâm chí mạng cho chìm người, chìm tàu… “Nhưng cha ông nhiều đời nay chưa một ngày bỏ biển. Biển Hoàng Sa chính là nguồn sống của ngư dân. Nếu như mất biển thì tiền chúng ta để làm gì”.

Canh nhau trên biển

imgTàu anh Bùi Văn Phải bị bắn cháy cabin vào năm 2013. ảnh: Nam Cường

Theo anh Nguyễn Sương,  năm qua, dẫu Hoàng Sa biến động nhưng đội tàu của anh chưa một ngày bỏ biển. Các tàu vẫn ra khơi thường xuyên và đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng cho 75 thuyền viên. “Họ khó có thể  làm được gì tôi. Cứ mỗi khi ra biển chúng tôi đều đi theo tổ đội. Trên biển, 4 con tàu của tôi đánh bắt gần nhau, nếu có sự cố là chạy tới hỗ trợ kịp thời. Khi đêm xuống, nếu nghỉ ngơi thì luôn có một tàu được cắt cử canh phòng. Sắp tới, có cả tàu vỏ thép đồng hành, thuyền viên của tui càng yên tâm hơn”. Tuy nhiên, anh Sương cho biết phải có tàu hậu cần để thường xuyên ra vào chuyên chở hải sản đánh bắt được và tiếp nhu yếu phẩm cho đội tàu đánh bắt. Có tàu hậu cần, các tàu sẽ luôn được quây quần với nhau trên biển mà không phải xé lẻ nhau ra để chạy vào bờ…Hải sản đánh bắt được bao nhiêu là thu gom đưa về đất liền bấy nhiêu. Anh Bùi Văn Phải cho rằng, làm ăn trên biển phải có sự hỗ trợ, liên kết giúp nhau nên đã chủ động thành lập Câu lạc bộ ngư dân trẻ bám biển Hoàng Sa. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ hàng chục tàu cá của ngư dân địa phương bị nạn trên biển vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn khơi, ngoài ra anh còn động viên các ngư dân trẻ hiện là chủ tàu cá địa phương tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá, bởi theo anh Phải, khi gặp tai nạn rủi ro, hoặc bất trắc trên biển họ luôn được cộng đồng hỗ trợ, không như trước đây phải đơn lẻ một mình trên biển.

“Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng quyết bám biển, bám ngư trường để mưu sinh, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ngư dân Bùi Văn Phải quả quyết./.

Những tai nạn kinh hoàng:

* Ngày 9.5.2011, khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam), tàu cá QNg 90016 do ông Võ Đào (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã bị một tàu nước ngoài có số hiệu 309 chạy đến khống chế, bịt mắt tất cả 8 ngư dân trên tàu và thu toàn bộ tài sản cùng với lượng cá đánh bắt được.

* Ngày 22.2.2012, tàu QNg 90281 của ông Đặng Tằm (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã bị tàu tuần tra Trung Quốc mang số hiệu 789 dùng đạn lửa bắn vào tàu, sau đó cho người nhảy sang bắt giữ người trên tàu khi họ đang đánh bắt hợp pháp ở đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

* Ngày 20.3.2013, khi đang đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), tàu cá QNg 96383 của ngư dân Bùi Văn Phải (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã bị tàu tuần tra của Trung Quốc mang số hiệu 786 dùng đạn lửa nã sang khiến cabin tàu bốc cháy ngùn ngụt.

* Ngày 26.5.2014, khi tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) thì tàu quân sự của Trung Quốc số hiệu 11209 chạy tới đâm chìm và bỏ lại 10 ngư dân Việt Nam vẫy vùng giữa biển.

* Ngày 28.11.2015, tàu cá QNg 95861 - TS của ông Bùi Văn Cu đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì bất ngờ xuất hiện 2 chiếc xuồng với 6 người nhảy lên tàu uy hiếp. Ngư dân Trương Đình Bảy (42 tuổi, ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn 2 phát dẫn đến tử vong.

* Ngày 3.5.2016, tàu QNa 95959 do ông Phạm Phú Thành (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) làm thuyền trưởng đang hành nghề câu mực tại vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 350 hải lý về hướng Đông Bắc thì bị một tàu nước ngoài đâm chìm, toàn bộ 34 thuyền viên trên tàu bị rơi xuống biển trong đêm./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem