Bị thu giữ tài sản tối 30 Tết
Trong đơn gửi Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt, ông Lương Trọng Thắng (SN 1967, phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh việc UBND phường Hàm Rồng tổ chức lực lượng tháo dỡ tài sản trên đất gia đình ông sở hữu ngay vào tối 30 Tết Đinh Dậu vừa qua.
Ông Lương Trọng Thắng đã nhiều năm kiến nghị về diện tích đất chồng lấn với dự án khác nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Ảnh: V.H
Cưỡng chế, thu giữ trái quy định pháp luật
Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho biết: “UBND phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa đã tổ chức lực lượng cưỡng chế phá rỡ, thu giữ hàng rào của gia đình ông Lương Trọng Thắng vào tối ngày 30 tết là trái quy định của pháp luật. Cụ thể, căn cứ vào khoản 1 Điều 22 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về thời gian tổ chức thi hành cưỡng chế kê biên tài sản thì việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều”.
|
Ông Lương Trọng Thắng cho biết: “Lúc đó tôi không có ở nhà, sau mới biết vào khoảng 21 giờ 30 tối 30 Tết, ông Nguyễn Đức Trường – Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cùng nhiều người đã đến phá dỡ hàng rào, cọc bê tông trên khu đất là tài sản thừa kế mà bố tôi để lại”.
Ông Thắng cho rằng việc tháo dỡ kể trên là trái pháp luật nhằm mở đường vào khu du lịch Động Tiên Sơn phía trong.
“Ban ngày chúng tôi không rào chắn, nhưng tối đến cần phải rào chắn lại vì có tài sản ở khu đất bên trong. Dù rào chắn nhưng vẫn có lối đi vào khu du lịch Động Tiên Sơn ở trong” – ông Thắng cho hay.
Trao đổi với PV Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Lê Văn Ngữ - Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng xác nhận có sự việc trên nhưng cho rằng sự việc tối 30 Tết “không phải là cưỡng chế”.
Theo quyết định về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do ông Lê Văn Ngữ ký ngày 27.1.2017 (ngày 30 tháng Chạp Bính Thân), lý do vi phạm được đưa ra là: ông Lương Trọng Thắng tự ý lập hàng rào tre, luồng trên đất nông nghiệp của hộ gia đình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tuy nhiên, gia đình ông Lương Trọng Thắng cho rằng cách hành xử của UBND phường là không đúng quy định pháp luật về cưỡng chế, tịch thu tang vật.
“Chúng tôi không được thông báo trước, sau khi hàng rào bị thu giữ, đến nay tôi cũng chưa nhận được quyết định hay biên bản thu giữ” - ông Thắng nói.
Ông Lê Văn Ngữ cũng xác nhận việc không hề có biên bản cưỡng chế: “Chúng tôi có quyết định thu giữ, không có quyết định cưỡng chế. Nếu làm bình thường thì sẽ đầy đủ quy trình nhưng vào ngày 30 Tết nên có những việc chưa làm hết”.
Chủ tịch phường Hàm Rồng phân trần ở thời điểm “cưỡng chế” đó có sự tham gia của Đội Kiểm tra quy tắc TP.Thanh Hóa, chứ “nếu chỉ có phường xử lý có khi lại khác”.
Trả lời Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Lê Quang Hiển – Chánh Văn phòng UBND TP.Thanh Hóa cũng cho rằng việc tháo dỡ hàng rào trên khu vực đất nhà ông Lương Trọng Thắng “không phải cưỡng chế mà là thu giữ”. Ông Hiển cho biết việc này có chỉ đạo từ UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TP.Thanh Hóa yêu cầu UBND phường Hàm Rồng thực hiện, có lối đi cho người dân vào khu vực Động Tiên Sơn dịp tết.
Cũng theo ông Hiển, đối với những khiếu nại nhiều năm chưa được giải quyết của ông Lương Trọng Thắng, UBND TP.Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 153/KL-UBND để giải quyết, nếu ông Lương Trọng Thắng không đồng ý có thể khiếu nại lên UBND tỉnh Thanh Hóa.
Kết luận sau “đá” kết luận trước?
Vị trí khu đất do gia đình ông Thắng quản lý xảy ra việc phá dỡ, thu giữ hàng rào vào tối 30 Tết. Ảnh: V.H
Trong Kết luận số 153/KL-UBND ngày 12.1.2017 do ông Đào Trọng Quy – Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa ký đã đưa ra phương án giải quyết 7 kiến nghị của ông Lương Trọng Thắng.
Tuy nhiên, có một số nội dung ông Lương Trọng Thắng chưa đồng ý với kết luận ở Văn bản số 153/KL-UBND. Đặc biệt là nội dung về phần diện tích 1.057m2 được Công ty TNHH Bắc Thành (do ông Lương Trọng Thắng làm Giám đốc), nhận chuyển nhượng của hơn 20 hộ dân nhưng kết luận của UBND TP.Thanh Hóa lại cho rằng đó là đất thuộc quỹ đất do UBND phường Hàm Rồng quản lý.
Đây chính là khu vực đất tranh chấp khiến ông Lương Trọng Thắng hơn chục năm qua phải đội đơn đi kiến nghị khắp nơi. Ông Thắng cho biết nội dung Kết luận 153 mới ban hành thậm chí đã ngược lại quan điểm trong chính kết luận của chính UBND TP. Thanh Hóa ban hành vào năm 2010 và 2014.
Cụ thể, trong Kết luận số 1056/UBND-TTr, UBND TP.Thanh Hóa đã xác định: “Việc xây dựng trái phép của Công ty CP Du lịch Kim Quy (đơn vị quản lý khu du lịch Động Tiên Sơn) và lấn chiếm sang phần đất là đường đi vào khu vực sản xuất của Công ty Bắc Thành (ông Lương Trọng Thắng quản lý) và 21 hộ dân khác thuộc đất chuyển nhượng của Công ty Bắc Thành đã được giải quyết tại Kết luận 1472 ngày 1.9.2010 nhưng UBND phường Hàm Rồng không nghiêm túc thực hiện kết luận trên”.
Thậm chí, trong kết luận kể trên, UBND TP.Thanh Hóa cũng đã phải giải quyết sự việc UBND phường Hàm Rồng tháo dỡ hàng rào của Công ty Bắc Thành vào tháng 1.2014. Trong vụ việc này, UBND TP.Thanh Hóa xác định Công ty Bắc Thành dựng hàng rào vào khu vực sản xuất lúa cá mà không có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền là không đúng quy định pháp luật.
Nhưng bên cạnh đó, Phòng Quản lý đô thị tham mưu cho UBND thành phố xác định việc đường đi lên Động Tiên Sơn bị Công ty Bắc Thành rào chắn, trồng cây cản trở du khách là “không đúng thực tế” (Kết luận số 1056). Đồng thời, việc UBND TP.Thanh Hóa giao Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng tổ chức lực lưỡng cưỡng chế tháo dỡ ngày 24.1.2014 là không đúng theo trình tự pháp luật.
Dù đã từng xảy ra vụ việc tháo dỡ không đúng quy định pháp luật kể trên, nhưng cho đến ngày 27.1.2017 - nhằm đêm 30 Tết Nguyên đán, UBND TP.Thanh Hóa và UBND phường Hàm Rồng một lần nữa lại thực hiện phá dỡ, thu giữ tài sản khiến người dân bức xúc.
Làm giàu từ vùng đất sình lầy
Tốt nghiệp PTTH, gia đình khó khăn nên anh Lương Trọng Thắng (SN 1967, ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa) phải ngừng việc học để kiếm sống. Năm 1988, anh nhận thầu 2,5ha khu đất sình lầy của HTX Nông nghiệp Hàm Rồng để thực hiện kế hoạch làm giàu. Ngoài số tiền ít ỏi mà gia đình chắt bóp được từ nghề nông, anh vay mượn thêm của bạn bè và bà con lối xóm thuê nhân công be bờ, đào ao, bơm nước, thau chua, tôn đất làm trang trại tổng hợp. Năm 1995, từ trang trại tổng hợp, anh Lương Trọng Thắng phát triển thành Doanh nghiệp Bắc Thành. Năm 2003 anh thành lập Công ty TNHH Bắc Thành và đầu tư mở rộng thêm nhiều ngành nghề kinh doanh, như: Dịch vụ vận tải, sản xuất, vận chuyển vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng...
Đến năm 2005, anh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 3 nhà xưởng sản xuất sơ chế than bùn, mua thêm 5 ô tô vận tải, 4 máy xúc... Doanh nghiệp Bắc Thành đang tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2015, anh Lương Trọng Thắng được T.Ư Hội NDVN bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Hồng Đức
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.