“Quên” hàng chục tỷ đồng phụ cấp giáo viên

Thứ năm, ngày 09/09/2010 16:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm giáo viên tiểu học ở Nghệ An đã không được nhận khoản tiền phụ cấp ưu đãi. Dư luận đòi hỏi cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và cá nhân trong việc quản lý, chi trả số tiền hàng chục tỷ đồng này.
Bình luận 0

Một giáo viên tiểu học đi kiện

Cô giáo Lê Thị Hồng (giáo viên tiểu học thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) là người đầu tiên đứng đơn kiện đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân về khoản tiền phụ cấp ưu đãi. 

img
Cô Lê Thị Hồng - người được giải quyết chế độ phụ cấp ưu đãi sau khi khiếu nại các cấp

Cô giáo Hồng đã nghiên cứu rất kỹ Quyết định số 244 QĐ/TTg ngày 6-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ (về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sơ giáo dục công lập có hiệu lực từ 1-10-2004) và thấy Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn trong nhiều năm liền “quên” khoản tiền phụ cấp này của cô.

Theo thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện đã phát thêm 6 huyện không chi trả khoản tiền này cho giáo viên. Đó là các huyện: Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn. Theo đó, hàng chục tỷ đồng đã bị “trôi” đi đâu đó- các giáo viên không được nhận.

Cô Hồng viết đơn khiếu nại lên Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn, ngày 15-8-2009, cô nhận được công văn trả lời: “Căn cứ vào hồ sơ phân công giáo viên đứng lớp năm 2007 – 2008 của hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn thì bà Lê Thị Hồng là giáo viên dôi dư. Năm học 2007 – 2008 thì UBND huyện chưa thực hiện trả phụ cấp ưu đãi cho số giáo viên dôi dư mà chỉ trả phụ cấp ưu đãi cho số giáo viên trực tiếp đứng lớp nên việc bà Hồng không được nhận phụ cấp đứng lớp năm 2007 – 2008 là đúng”.

Không đồng ý, cô Hồng tiếp tục khiếu nại lên UBND huyện Nam Đàn. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, đến ngày 13-5-2010, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Thái Văn Nông mới có kết luận chính thức: “Nội dung bà Lê Thị Hồng khiếu nại năm học 2007 – 2008, bà có trực tiếp giảng dạy nhưng không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định của nhà nước là khiếu nại đúng…

Căn cứ vào các hướng dẫn thực hiện Quyết định 244 thì bà Lê Thị Hồng đủ điều kiện để hưởng phụ cấp ưu đãi”. Với kết luận này, ngày 12-7-2010, UBND huyện Nam Đàn đã phải quyết định bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2010 cho trường tiểu học thị trấn với số tiền hơn 8,8 triệu đồng để trả tiền phụ cấp ưu đãi cho cô Lê Thị Hồng.

Từ đây, hàng trăm giáo viên tiểu học (chưa kể những người đã nghỉ hưu) ở Nam Đàn mới ngã ngửa ra rằng chế độ được hưởng chính đáng của mình đã bị huyện “quên”. Từ năm 2004- 2008, Nam Đàn có khoảng 200 giáo viên bị cho là không đủ điều kiện để chi trả phụ cấp. Theo đó, khoảng 2,6 tỷ đồng đã không đến tay số giáo viên trên. Lý giải về khoản tiền này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn cho hay đã sử dụng vào những hoạt động giáo dục khác (?)

Hàng chục tỷ đồng đi đâu?

Sau sự việc ở huyện Nam Đàn vỡ lở, giáo viên ở các huyện khác trong tỉnh Nghệ An cũng lên tiếng. Sở GD&ĐT Nghệ An đã thành lập đoàn công tác để tổng rà soát lại việc thực hiện chi trả khoản tiền phụ cấp trên.

Theo thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện đã phát thêm 6 huyện không chi trả khoản tiền này cho giáo viên. Đó là các huyện: Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn. Theo đó, hàng chục tỷ đồng đã bị “trôi” đi đâu đó - mà các giáo viên không được nhận, trong khi phần đông trong số họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Theo ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, những khiếu nại của các giáo viên là đúng và các huyện đã thực hiện sai Quyết định 244 của Chính phủ. Ông Ngọ cũng cho biết, sự nhập nhằng trong việc giải quyết số giáo viên dôi dư khiến cho các huyện lúng túng và không có sự đánh giá một cách khách quan và đúng đắn nhất dẫn đến sai phạm trong việc chi trả.

Sở GD&ĐT đã và đang quan tâm chỉ đạo các huyện phải giải quyết nhanh chóng và khôi phục chế độ cho các giáo viên bị cắt. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những huyện đến nay chưa giải quyết một cách triệt để, gây bức xúc cho giáo viên. Bên cạnh đó, việc tạo nguồn kinh phí để chi trả cũng gặp rất nhiều khó khăn do số tiền chi trả quá lớn. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các huyện gấp rút tìm phương án giải quyết, nhằm sớm đảm bảo chế độ, lợi ích cho số giáo viên còn lại.

Dư luận không khỏi bức xúc khi hàng chục tỷ đồng của nhà nước vẫn chưa được làm rõ: Khoản tiền đó đã được dùng vào việc gì? Trách nhiệm của các huyện trong việc cố tình “cắt” khoản tiền này của giáo viên ra sao?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem