“Rác” trong đầu, bao giờ dọn sạch?

Chu Hồng Châu Thứ năm, ngày 05/05/2016 09:36 AM (GMT+7)
Trả lời phỏng vấn chương trình “Vấn đề hôm nay” trên VTV1 lúc 22 giờ ngày 4.5, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bức xúc: “Tư duy tiểu nông như đã thấm sâu vào rất nhiều người Việt. Hình như đã từ lâu, ý thức và văn hóa ứng xử nơi công cộng đã không được quan tâm giáo dục. Khách du lịch chen lấn, xô đẩy, hò hét khi ăn uống, xả rác vô tư…”.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, dư luận và báo chí quốc tế cũng như Việt Nam phản ánh và chê trách những hành vi của công dân Trung Quốc khi du lịch nước ngoài. Nào là cho con “ị” ngay trên ghế máy bay; chen chúc nhau, dùng đĩa như… xẻng để tranh giành món hải sản khi ăn buffet, lộn xộn, không xếp hàng tại các trung tâm mua sắm ở nước ngoài… Dư luận cho rằng nhìn chung là rất thiếu ý thức, thậm chí là rất phản cảm, thiếu văn hóa.

Dân gian Việt vẫn có câu: “Trông người lại ngẫm đến ta” như một cách xác định mình đang làm gì? Đang ở đâu? Đang làm đúng hay sai?. Và trông những bãi rác nhếch nhác mà du khách Việt bỏ lại tại các bãi biển Cồn Vành (Tiền Hải, Thái Bình), Quất Lâm (Nam Định), Diễn Thành (Nghệ An), Đồi Dương (Phan Thiết)… mới thấy dân ta cũng chẳng chịu thua du khách Trung Quốc về “đẳng cấp” xả rác, thiếu ý thức nơi công cộng.

Trở lại câu chuyện ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ trên truyền hình ngày hôm qua. Ông Bình đánh giá cao quyết định nghiêm cấm bán hàng ăn uống trên bãi biển của TP. Vũng Tàu bởi có lẽ duy nhất bãi biển này giữ được sự sạch đẹp sau mấy ngày nghỉ lễ vừa qua. Và theo ông, nếu các địa phương khác không làm được việc gìn giữ hình ảnh văn minh, sạch đẹp, phong quang tại các khu du lịch, bãi tắm… thì chắc chắn ngành du lịch Việt sẽ thụt lùi. Các địa phương vẫn cứ để tình trạng lộn xộn, xả rác vô tư của du khách thì cũng được coi như một sự đồng lõa với hành động này.

img

Cồn Vành 1-2: Rác xả bừa bãi trên bãi biển Cồn Vành (Thái Bình). Ảnh VN Express.

Tại các khu du lịch tâm linh cũng không tránh khỏi tình trạng nhếch nhác. Nhếch nhác từ rác thải cho đến… con người. Vàng mã đốt vô tội vạ, tiền lẻ được giúi vào tay tượng Phật, vỏ bia, vỏ chai, túi nilon… vương vãi khắp nơi, nhưng thiếu văn hóa hơn cả vẫn là cách ăn mặc. Các “cô chiêu” vẫn vô tư quần ngắn hết cỡ, áo hở hết mình xì xụp khấn vái và ồn ào nói cười, leo trèo chụp ảnh với suy nghĩ “Em đẹp em có quyền khoe”. Các “cậu ấm” thì quần soóc, áo phông, phì phèo thuốc lá…

Trong khi đó, trên ban thờ trang nghiêm, tượng các chư vị Phật, Thánh nghiêm cẩn trong bộ cà sa hay võ phục oai hùng vẫn từ bi nhìn xuống.

Và vấn đề lại được đổ tại: Do ý thức của mỗi người.

Đã đành là như vậy. Với tư duy “Bỏ tiền mua mâm thì đâm cho thủng”, ta cứ xả rác thoải mái, đằng nào đến đây chẳng bị “chặt chém” về giá cả, đã thế cứ xả vô tư cho “chúng nó phải dọn”. Cộng với suy nghĩ: “Các bác dùng chứ em có dùng đâu mà các bác thu tiền em” khi thực tế tại nhiều nơi, có những hộ gia đình đã “cù nhầy” không đóng góp tiền thu gom rác thải cho địa phương dù chỉ vài nghìn đồng/ 1 khẩu/ 1 tháng. Lý do đơn giản là: “Nhà tôi có phải công ty, xí nghiệp hay buôn to, bán lớn gì đâu mà có rác để các vị thu gom, thu tiền”. Nhưng mỗi tối lại lén đem “thượng vàng hạ cám” ra đường làng đổ trộm.

Đừng cho rằng tư duy tiểu nông và tâm lý đám đông đã không còn tồn tại. Nó vẫn tồn tại để bào mòn dần ý thức cũng như văn hóa ứng xử nơi công cộng trong một bộ phận người Việt.

“Rác” đã tồn tại sẵn trong đầu của họ, sẵn sàng được xả bất kể khi nào. Cũng chẳng biết đến bao giờ xã hội mới dọn hết được. Và ngành Du lịch sẽ vẫn luôn phải bức xúc kêu than theo định kỳ.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem