Thanh Hóa: Di tích bị “làm tiền”

Thứ bảy, ngày 21/12/2013 11:29 AM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Tuấn – Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hoá (Ban QLDT) có dấu hiệu “làm tiền” một số di tích trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0
Ban QLDT tỉnh Thanh Hoá thành lập năm 2003, có nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học để xét duyệt di tích cấp tỉnh và thực hiện trùng tu, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn. Ngày 17.3.2010, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa ban hành Văn bản số 473 và gửi Ban QLDT nêu rõ: Đối với những di tích được thỏa thuận từ năm 1997 trở về sau, Bộ Văn hóa - Thông tin đề nghị các sở trích kinh phí sự nghiệp cho việc làm hồ sơ di tích, không thu lệ phí xây dựng hồ sơ di tích của dân… nhằm tránh những thủ tục phiền hà.

Các cụ trong Ban quản lý  Đền thờ Nữ tướng Lê Thị Hoa đang trao đổi với PV NTNN.
Các cụ trong Ban quản lý Đền thờ Nữ tướng Lê Thị Hoa đang trao đổi với PV NTNN.

Mặc dù Công văn 473 của sở nêu rõ ràng như vậy nhưng trong quá trình làm hồ sơ khoa học xét duyệt một số di tích trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Tuấn vẫn ngang nhiên thu tiền, bất chấp quy định của ngành. Cụ thể là vụ làm hồ sơ di tích nhà thờ họ Vũ ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, ông Tuấn đã ký phiếu thu (ngày 31.8.2011) của ông Vũ Xuân Linh - người dòng họ Vũ với số tiền 5,6 triệu đồng. Ngoài ra, ông này còn “làm tiền” từ một số hồ sơ di tích khác như: Di tích động Kim Sơ (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, di tích đình Giáp Bắc (xã Đông Hương, TP.Thanh Hoá)…

Trao đổi với phóng viên, ông Viên Đình Lưu – Trưởng phòng Quản lý di tích – Sở VHTTDL Thanh Hóa nói: “Đây là một việc đáng tiếc, chúng tôi sẽ báo cáo sự việc lên giám đốc sở để thanh- kiểm tra và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định. Theo quy định hiện nay, chi phí cho mỗi bộ hồ sơ khoa học xét duyệt di tích cấp tỉnh là 10 triệu đồng, còn cấp quốc gia là 15 triệu đồng, tiền này lấy từ tiền ngân sách”.

Làm việc với phóng viên NTNN, ông Phạm Văn Tuấn thừa nhận có sai, nhưng bao biện: “Sở dĩ tôi thu tiền làm hồ sơ xét duyệt di tích là do kinh phi cho việc lập hồ sơ rất eo hẹp. Số tiền mà Sở chi cho thực hiện rất ít mà phải chi phí cho nhiều mục, nhiều khoản như tiền dịch thuật sắc phong, dịch bia, tiền viết hồ sơ…”. Theo ông Tuấn, trước khi thực hiện thu tiền, ngày 31.3.2011 Ban QLDT đã có Văn bản số 50 xin ý kiến Sở về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và được Sở đồng ý. Nhưng trên thực tế Sở VHTTDL đã có Văn bản số 497 ngày 5.4.2011 yêu cầu Ban QLDT phải căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương có nhu cầu cần nhanh chóng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, ký hợp đồng với Ban QLDT, đảm bảo yêu cầu của pháp luật và theo đúng tinh thần hướng dẫn chỉ đạo tại Công văn số 473 ngày 17.3.2010.

Trực Nguyên – Lê Thanh (Trực Nguyên – Lê Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem