Tôi chọn "bùn"

Bửu Sơn Chủ nhật, ngày 03/07/2016 16:58 PM (GMT+7)
Không bàn đến tính dị bản của câu thơ, dù biết đề ra không hề sai sót trong trường hợp này, tôi chỉ muốn nói hai cách diễn đạt đều rất hay, xứng đáng là “thi nhãn” của toàn bài. Tuy nhiên cách nói “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay hơn cách nói kia.
Bình luận 0

Đề thi Ngữ Văn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 là một đề thi thông minh, có chiều sâu, độ và phổ quét kiến thức khá rộng, có khả năng hỗ trợ tốt cho việc phân loại trình độ kiến thức bộ môn của thí sinh; đồng thời định nghĩa "Văn là Người" tiếp tục được tiếp cận ở trình độ cao hơn.

Riêng câu 1, phần Đọc hiểu có nhiều tranh luận tính chính xác của câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Một số người trong nghề sư phạm cho rằng câu đó phải là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Không bàn đến tính dị bản của câu thơ, dù biết đề ra không hề sai sót trong trường hợp này, tôi chỉ muốn nói hai cách diễn đạt đều rất hay, xứng đáng là “thi nhãn” của toàn bài. Tuy nhiên cách nói “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay hơn cách nói kia.

Dân tộc, đất nước và cả chúng ta suy cho cùng lớn mạnh lên từ bùn (còn vật chất nào đại diện cho nền văn minh lúa nước đắt địa, độc đáo hơn bùn?). Ta biết ơn bùn, trân trọng bùn, không chê bùn là hôi tanh (Phùng Quán có hẳn bài thơ Hoa Sen nghị luận về điều này).

Có người cho rằng từ “đất cày” là những gì hình tượng gần gũi, thân thương với người dân Việt Nam từ bao đời nay, là sự sinh sôi nảy nở... nếu thay vào đó là “như bùn” thì có thể khiến người đọc liên tưởng đến những cái gì đó không sạch cho lắm, có phần biểu tượng của sự tối tăm, gian khổ chứ không có biểu tượng gì gắn với sự mượt mà, tinh tế của tiếng Việt. Đó là một cách hiểu.

Tôi lại thấy khác: Tiếng Việt được ví “như bùn” bởi nó là nguyên liệu gốc để hiến tặng, chưng cất nên tinh túy của ngôn ngữ Việt, tình cảm Việt, tư tưởng Việt, truyền thống văn hóa Việt và nhiều thứ khác nữa. So với “đất cày” thì bùn là hình tượng còn gần gũi, thân thương hơn với người dân Việt Nam từ bao đời nay, là sự sinh sôi nảy nở đặc trưng hơn. Khi nêu hình ảnh “đất cày” những người sinh ra từ cái nôi văn hóa Hoa Hạ Trung nguyên, hay Nga, hay Châu Âu, châu Mỹ, Úc… đều có nhiều cảm nhận tương đồng như ai đó vừa nêu, nhưng khi nói về BÙN, thì không phải vậy nữa rồi, chỉ những - người - như - Người - Việt mới hiểu tận nguồn, tận cội tâm tình.

img

Câu thơ trong bản thảo gốc được nhà thơ Lưu Quang Vũ sáng tác ban đầu vốn là "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa". (Tư liệu gia đình cung cấp)

Xét về nghệ thuật câu “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, liên từ "và" tạo nên hai cặp so sánh sóng đôi chỉn chu, nằm trong một trường liên tưởng hoàn chỉnh (“bùn”: là sự nguyên sơ nhưng sẽ góp vào nguồn gốc của sự thành tạo tinh túy; “lụa” là sự kết tinh của đất trời và lao động, là thành tạo, thẩm mỹ của con người), từ độ nguyên sơ đến mức tinh hoa, tất cả đều hiện hữu trong tiếng Việt mến yêu. Đó là những điều mà, xét về mặt diễn đạt, câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” không thể với tới.

“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” là câu thơ rất đẹp và thâm thúy có vị trí trang trọng trong bài thơ hay về “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ. Cảm ơn người ra đề đã chọn nguyên liệu đắt giá, thuần khiết để làm sản phẩm của phép tuyển trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 này!                      

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.              

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem