Tuyển trực tiếp lao động đi Đài Loan làm việc như thế nào?

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ hai, ngày 03/04/2017 06:15 AM (GMT+7)
Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ LĐTBXH đã có văn bản thông báo về việc tuyển trực tiếp lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Đài Loan, giúp lao động không mất phí môi giới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.
Bình luận 0

img

Ông Doãn Mậu Diệp  – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.

Đã làm điểm nhưng chưa được nhiều

Thưa ông, xuất phát từ đâu Bộ LĐTBXH lại quyết định tuyển lao động trực tiếp sang Đài Loan?

- Từ lâu, Bộ LĐTBXH đã kỳ vọng sẽ giảm tiền phí cho người lao động và tăng khả năng quản lý lao động đi XKLĐ. Xuất phát từ kỳ vọng đó, Bộ LĐTBXH Việt Nam quyết định triển khai tuyển lao động trực tiếp qua kênh Trung tâm Lao động ngoài nước - đơn vị dịch vụ công của Bộ. Khi phía chủ sử dụng Đài Loan có nhu cầu tuyển dụng trực tiếp sẽ thông qua Bộ Lao động nước này và gửi danh sách cho phía Việt Nam tuyển dụng. Căn cứ vào các vị trí cần tuyển, phía Việt Nam sẽ thông báo cho lao động ứng tuyển.

img

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan.    Ảnh:  Minh Nguyệt  

Các lao động đi theo chương trình này phải đảm bảo những điều kiện nào, thưa ông?

- Cũng như đi theo kênh  doanh nghiệp (DN), các lao động đi theo trường hợp này vẫn cần đáp ứng những yêu cầu về ngôn ngữ, đào tạo định hướng, hiểu biết chính sách trước khi đi. Tuy nhiên, đi theo kênh này chi phí sẽ không đáng kể. Lao động sẽ không mất phí môi giới, phí quản lý, chi phí dịch vụ cho các DN. Lao động đi theo chương trình này thì Trung tâm Lao động ngoài nước chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý và hỗ trợ. Để làm được việc này, trung tâm sẽ phối hợp với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan.

Hoạt động này đã được làm điểm chưa và có khó khăn gì không?

- Năm 2016, chúng ta đã làm điểm. Tuy nhiên, số lao động đi theo kênh này chưa nhiều. Tương tự Việt Nam, các nước như Thái Lan, Philippines cũng tuyển trực tiếp nhưng hiệu quả không cao. Thực tế, hiện nay chương trình đang gặp nhiều khó khăn, bởi các chủ sử dụng lao động ở Đài Loan muốn tuyển mộ trực tiếp qua kênh này không nhiều. Phần lớn DN vẫn mong muốn tuyển dụng qua các công ty môi giới của Đài Loan. Mặc dù hai nước đều có mong muốn thúc đẩy kênh tuyển dụng này, nhưng còn tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.

Đôi bên cùng có lợi

Vì sao DN Đài Loan thích tuyển dụng qua công ty môi giới của Đài Loan hơn kênh tuyển trực tiếp?

- Về nguyên tắc, chủ sử dụng lao động Đài Loan hoàn toàn có thể trực tiếp tuyển dụng lao động. Nhưng nếu tuyển như vậy họ sẽ phải mất phí và thời gian làm thủ tục hành chính để tiếp nhận lao động. Nhiều năm nay các công ty dịch vụ môi giới việc làm Đài Loan đã nhận việc này với người sử dụng. Họ cũng không lấy phí của người sử dụng, thậm chí họ còn trả phí cho chủ sử dụng để nhận được các đơn tuyển.

img

Bù lại, họ thu phí cao với các DN phái cử từ các nước, không riêng với Việt Nam mà cả với Indonesia, Philippines, Thái Lan. Đương nhiên, khoản phí này người lao động sẽ phải gánh chịu. Chính vì rào cản đó, nhiều năm việc tuyển mộ lao động trực tiếp ở hầu hết các nước không cao.

Thời gian sắp tới, phía Việt Nam sẽ có giải pháp nào để đẩy mạnh thực hiện chương trình này?

- Trong hội nghị lao động Việt - Đài, 2 bộ đều mong muốn thúc đẩy phương thức này. Phía Đài Loan cũng có những cam kết về việc hỗ trợ để Việt Nam tuyển mộ trực tiếp. Tháng 7.2017 tới đây, hai bên sẽ lại tiếp tục bàn thảo thúc đẩy về phương thức này. Bộ LĐTBXH Việt Nam cũng chấn chỉnh DN trong nước, đồng thời đề nghị Đài Loan chấn chỉnh các DN phía bạn. DN nào tốt thì tiếp tục cho hoạt động, không thì thôi.

Tất nhiên cũng có câu chuyện, lao động Việt Nam một là khả năng ngoại ngữ chưa tốt, hai là ý thức kỷ luật không bằng các nước khác. Cho nên, phí của chúng ta thường cao gấp 2, thậm chí là 3 lần so với họ. Trong khi đó, lao động Thái Lan, Philippines  chỉ phải trả phí là 2.000 USD. Lý do là lao động của họ giỏi tiếng, ý thức kỷ luật tốt hơn, lại không bỏ trốn, không bỏ hợp đồng. Về phía ta, tỷ lệ bỏ hợp đồng hơi cao nên họ kêu mất nhiều chi phí quản lý, từ đó tạo nên áp lực về phí. Do vậy, muốn giảm được phí, cần có sự hợp tác cơ quan quản lý nhà nước và hai bộ với nhau, từ phía DN XKLĐ của Việt Nam với DN Đài Loan, thậm chí là chính từ người lao động.

Vừa qua, Bộ cũng đã thanh tra, phát hiện và xử phạt một loạt DN vi phạm quy tuyển dụng lao động qua “cò”. Gần đây nhất, vào tháng 2.2017 chúng ta xử phạt 4 DN với tổng số tiền phạt lên tới gần 4 tỷ đồng, thậm chí có DN còn phải tạm dừng hoạt động.

Ông nhận định thế nào về ý kiến lo ngại những động thái xung quanh việc chấn chỉnh thị trường và tuyển mộ lao động trực tiếp sẽ khiến DN không mặn mà với hoạt động XKLĐ và tỷ lệ lao động đi làm việc ở Đài Loan giảm trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng, lo ngại đó sẽ khó xảy ra. Xét về cung – cầu lao động, rõ ràng ta có nhu cầu đưa lao động đi và phía Đài cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động. Hợp tác đưa lao động sang Đài Loan có lợi cho cả đôi bên. Một là ta giải quyết được việc làm cho lao động, hai là bên chủ sử dụng Đài Loan cũng có nhân lực để thực hiện những công việc trong nhà máy, công xưởng, khán hộ công. Nếu cả hai bên ngừng hợp tác sẽ có những khó khăn nhất định.

Tôi xin khẳng định, sau khi Bộ có những văn bản chấn chỉnh thị trường thì tỷ lệ lao động đi XKLĐ ở Đài Loan không hề giảm, thậm chí còn tăng. Ví dụ, năm 2015, tình hình rất căng thẳng, có rất nhiều đơn khiếu kiện, khiếu nại của lao động từ Đài Loan gửi về. Sau chấn chỉnh năm 2016, tình hình này cơ bản đã giảm được một phần. Các DN xấu  rõ ràng phải loại trừ, các đơn hàng sẽ tiếp tục về với các DN tốt hơn, bởi nhu cầu của Đài Loan không đổi. Khi Bộ xiết chặt các quy định này thì rõ ràng tổng số lao động đi làm việc ở Đài Loan là không giảm, liên tiếp trong hai năm (2015, 2016) tỷ lệ lao động đi làm việc ở Đài Loan vẫn rất cao, trên dưới 70.000 người, cao nhất trong tất cả các thị trường mà ta XKLĐ.

Xin cảm ơn ông!

Lao động được tuyển trực tiếp cần đóng phí dịch vụ với số tiền tương đương 500 USD/người (hơn 11 triệu đồng); chi phí bồi dưỡng kiến thức 532.000 đồng/người, lệ phí visa tương đương 66 USD/người (hơn 130.000 đồng) và chi phí đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước 100.000 đồng/người. Ngoài ra, người lao động thực hiện ký quỹ tại ngân hàng theo quy định. So với mức phí trước đây, lao động chỉ phải trả một khoản tiền rất nhỏ (khoảng 13 triệu đồng) chưa kể tiền vé máy bay và ký quỹ chống trốn là 100 triệu đồng. Tính tổng chi phí khoảng hơn 100 triệuđồng (trước kia hơn 200 triệu đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem