Việt Nam quy định đối xử với động vật như thế nào?

Chủ nhật, ngày 16/09/2018 12:00 PM (GMT+7)
Luật Thú Y 2015 yêu cầu giảm thiểu đau đớn, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, giết mổ.
Bình luận 0

Luật Thú Y 2015 dành riêng một điều quy định "đối xử với động vật".

Theo đó, tổ chức, cá nhân chăn nuôi, sử dụng động vật có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật; đặc biệt phải giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

img

Đồ họa: Thanh Hoàng

Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này.

Nghị định 90/2017 là căn cứ xử phạt vi phạm về thú y, giết mổ, vận chuyển động vật, cụ thể: 

- Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với chợ kinh doanh động vật nhỏ lẻ không có nơi thu gom, xử lý nước thải, chất thải.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đến 4.000.000 đồng với cơ sở thu gom động vật không có khu vực riêng biệt với từng loài động vật; sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, nước không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng với chợ chuyên kinh doanh động vật có một trong các hành vi địa điểm không theo quy hoạch của chính quyền địa phương; không có khu vực riêng biệt đối với từng loài động vật; sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, nước không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo quy định.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 6.000.000 đồng với hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ...

- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng với hành vi trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ, sơ chế, chế biến không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện.

- Phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với hành vi không thực hiện đúng quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.

- Phạt từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng với cơ sở sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.

- Phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với một trong các hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng..

- Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện.

Phương Sơn (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem