Vụ việc “tranh” gỗ sưa ở Hà Nội: Người dân mua bán đúng pháp luật

HỮU DANH – GIA TƯỞNG Thứ hai, ngày 11/05/2015 10:55 AM (GMT+7)
Liên quan đến 2,6m3 gỗ sưa của người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) đang bị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo bán đấu giá, các cơ quan chuyên môn cấp trung ương đều khẳng định người dân mua bán đúng pháp luật, tuy nhiên chính quyền và công an không nghĩ thế...
Bình luận 0

Như NTNN số 94/2015 đã thông tin, 2,6m3 gỗ sưa của dân và 20,5 tỷ đồng của người mua bị UBND TP.Hà Nội và Công an Hà Nội “tạm giữ” gần 5 năm. Suốt ngần ấy thời gian, người dân thôn Phụ Chính quyết liệt đòi lại gỗ và tiền trong khi chính quyền phớt lờ các quy định của pháp luật.

Dân bán đúng luật

Liên quan đến việc thu giữ gỗ và tiền, Công an Hà Nội cũng như UBND thành phố Hà Nội không đủ căn cứ thực hiện nên phải có các văn bản tham vấn các cơ quan chuyên môn của trung ương. Tuy nhiên, các văn bản trả lời đều bất lợi cho Hà Nội khi khẳng định người dân mua bán đúng pháp luật.

img
Người dân dùng thép hàn kín xung quanh gốc sưa và cắt cử người canh gác cả ngày lẫn đêm. (ảnh: I.T)

Cụ thể, trong văn bản số 169, ngày 3.10.2014 trả lời UBND TP.Hà Nội, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: 2 cây gỗ sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Do đó “việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn Phụ Chính tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra, xác nhận”…

Từ những phân tích pháp lý, cơ quan này khẳng định: “Về cơ bản, thủ tục thông qua việc khai thác tại thôn, thủ tục kiểm tra, xác nhận của UBND xã, thủ tục xác nhận của cơ quan kiểm lâm và thủ tục mua bán, vận chuyển gỗ sưa... là đúng quy định của pháp luật hiện hành”.

Trước đó, trong văn bản số 668 ngày 25.5.2011 trả lời cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT cũng khẳng định: “Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn này tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra”. Sau đó, Bộ NNPTNT tiếp tục có văn bản số 2073 ngày 9.7.2012 khẳng định điều này với Hội Người cao tuổi của thôn.

Vẫn đòi đấu giá

Cũng trong văn bản số 169, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật khẳng định: “Vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ sưa trên không có đầy đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính do không xác định được hành vi vi phạm như: Hành vi khách quan, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật đó có quy định hành vi vi phạm hành chính phù hợp với các yếu tố nêu trên để áp dụng đối với hành vi cụ thể của vụ việc”. Từ đó, Cục này kết luận: “Không thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này”.

Như vậy, các cơ quan có đủ thẩm quyền đều khẳng định dân làm đúng. Thực tế cho thấy, trước khi bán đấu giá số gỗ có giá trị khủng này, người dân đã tham vấn các cơ quan chuyên môn và thực hiện đúng quy định. Trong khi đó, cả công an lẫn chính quyền, chỉ sau khi thu giữ trái pháp luật mới bắt đầu tham vấn.

Đáng tiếc là, các văn bản trả lời cho thấy một điều: Công an và chính quyền đã can thiệp thô bạo vào quan hệ dân sự mà người dân đã làm đúng pháp luật. Thậm chí, khi vụ việc còn đang chưa có kết luận xử lý cuối cùng thì ngày 6.5, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) đã ra thông báo bán đấu giá số gỗ này với giá khởi điểm là 22,77 tỷ đồng. Số tiền bán đấu giá thu được nộp ngân sách của huyện.

Khi bị các cơ quan trung ương “tuýt còi” thì chính quyền không chịu sửa sai mà còn làm tình hình thêm căng thẳng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem