Báo động ô nhiễm vì thuốc BVTV: Sẽ tăng 30% lượng thuốc sinh học

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 18/05/2018 09:31 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, công tác bảo vệ thực vật (BVTV) thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng lạm dụng thuốc BVTV vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và chất lượng sản phẩm nông sản.
Bình luận 0

Xây dựng nhiều mô hình sản xuất thân thiện

Sáng 15.5, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị “Định hướng về công tác BVTV trong tình hình mới”. Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV ở nhiều địa phương thời gian qua đã làm tăng giá thành sản phẩm nông sản, tác động không nhỏ tới môi trường. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng và những đòi hỏi yêu cầu về chất lượng sản phẩm trồng trọt từ thị trường, công tác BVTV phải có sự thay đổi nhằm đáp ứng những hạn chế trên, khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, giảm giá thành sản phẩm, gia tăng chất lượng nông sản đồng thời bảo vệ tốt môi trường.

Để làm điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới ngành trồng trọt cần hướng tới giảm việc sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học…

img

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh:  I.T

Về vấn đề này, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trong thời gian qua, ngành BVTV cũng tập trung xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để triển khai, nhân rộng đến nông dân, cụ thể như: Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và mô hình công nghệ sinh thái… Các mô hình này đã được nhiều tỉnh triển khai trên gần 2 triệu ha/năm từ nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau. Riêng trong năm 2017, các địa phương đã tổ chức được 1.123 lớp tập huấn và triển khai nhiều mô hình với khoảng 87.000 lượt nông dân tham gia.

Chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) hiện vẫn tiếp tục được nhân rộng với diện tích gần 700.000ha, đã mở gần 700 lớp huấn luyện nông dân và có khoảng 1,5 triệu nông dân ứng dụng. Bên cạnh đó, hiện hầu hết các địa phương, nhất là các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ đã áp dụng lịch gieo sạ né rầy, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xuống giống trên diện tích gieo cấy khoảng 3,2 triệu ha/3 vụ/năm.

Gian nan hướng tới sản xuất sạch

Tuy nhiên trong tình hình mới, có một số yếu tố đã và đang phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của ngành BVTV, đặc biệt là khi tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ nét. Cụ thể, hạn hán, lũ lụt, mưa trái mùa, mùa đông ấm, rét đậm kéo dài… diễn ra trong những năm qua đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất trồng trọt, không những làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng mà còn làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại mới hoặc thay đổi quy luật phát sinh gây hại, điển hình như bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa, bệnh chổi rồng nhãn, bệnh đốm nâu hại thanh long, rệp sáp bột hồng và bệnh khảm lá sắn, sâu đục thân mía loài mới, bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu; sâu năn, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn hại lúa, bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại điều tái bùng phát hoặc thay đổi quy luật gây hại.

Theo ông Hoàng Trung, cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết hoàn thiện đủ các căn cứ khoa học để loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng nông sản. Vì thế, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Trung cho rằng, việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thị trường hóa sản xuất nông nghiệp để đảm bảo có thể quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu thụ trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các chuỗi liên kết cũng là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất.

Về quản lý phân bón, lãnh đạo ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.

Về quản lý thuốc BVTV, rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng. Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để phòng, chống sinh vật gây hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem