"Những cô gái vàng" của bóng đá Việt Nam hé lộ chuyện "thầm kín"

Dân Việt/NTNN Thứ bảy, ngày 14/12/2019 06:10 AM (GMT+7)
SEA Games 30 đã khép lại nhưng hình ảnh các nữ tuyển thủ Việt Nam vắt kiệt sức đá bại “kỳ phùng địch thủ” Thái Lan sau 120 phút thi đấu chung kết vẫn đọng lại mãi trong hàng triệu trái tim người hâm mộ nước nhà. Để có cái nhìn toàn diện hơn về những chông gai mà những “cô gái vàng” đã trải qua trên hành trình theo đuổi niềm đam mê, báo Dân Việt đã quyết định tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chân sút Phạm Hải Yến, tiền vệ Thái Thị Thảo, Vũ Thị Nhung và hậu vệ Hoàng Thị Loan.
Bình luận 0

Buổi giao lưu trực tuyến với "Những cô gái vàng" của bóng đá Việt Nam đã kết thúc thành công tốt đẹp. Chúc các cô gái của chúng ta sẽ giành thêm nhiều vinh quang trong thời gian tới. Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn tới các độc giả đã theo dõi buổi giao lưu trực tuyến hôm nay.

img imgimg

Bạn đọc Quang Hưng: Các tuyển thủ nữ đã lấy phần thưởng SEA Games, cụ thể là xe máy Lead về chưa?

Vũ Thị Nhung đại diện trả lời: Mọi thứ đã được ghi nhận tại văn phòng Chính phủ. Nhưng đến lúc này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì.

img imgimg

An Hoàng Thành (Hòa Bình): Ngay sau khi giành HCV SEA Games 30, HLV Park Hang-seo và các cầu thủ đã lên đường tập huấn tại Hàn Quốc để chuẩn bị tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2020. Mọi người mong muốn điều gì?

Hoàng Thị Loan: Bây giờ bóng đá Việt Nam đã phát triển rất tốt, đặc biệt khi được HLV Park Hang-seo dẫn dắt. Em rất tin tưởng và mong rằng đội U23 sẽ có giải tại vòng chung kết U23 châu Á 2020. Nói về cầu thủ em hâm mộ thì em hâm mộ rất nhiều cầu thủ, sau kỳ SEA Games vừa qua em rất thích Văn Hậu, Đức Chinh, Hùng Dũng…

img imgimg

Trang (Lai Châu): Vũ Thị Nhung kỳ vọng gì về U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2020 tại Thái Lan sắp tới?

Vũ Thị Nhung: Về U23 Việt Nam, em thấy tinh thần của các em giờ rất tốt. Dàn cầu thủ hiện nay rất đồng đều, tài năng và được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo. Điều quan trọng nhất là giữa thầy trò ở đội tuyển hiện nay vô cùng gắn kết, hiểu nhau. Chúng ta thời gian qua cũng rất có duyên với các đội bóng Tây Á nên mong và chúc U23 Việt Nam sẽ giành vị trí cao nhất tại giải sắp tới. Cá nhân tôi rất hâm mộ Quang Hải vì “kèo trái” rất hay. Tôi cũng thuận chân trái nhưng nghĩ chỉ bằng 1/5 của Quag Hải thôi!

img imgimg

Buổi giao lưu có sự góp mặt của 2 bạn nhỏ rất hâm mộ bóng đá.

img imgimg
Nguyễn Đức Hiếu (Hà Nội): Thảo kỳ vọng gì vào U23 Việt Nam tại VCK U22 châu Á 2020?

Thái Thị Thảo: Nói về kỳ vọng vào U23 Việt Nam, em nghĩ các em có nhiều khả năng tiến xa. Từ khi có HLV Park Hang-seo, các đội tuyển nam đều có sự thay đổi và người hâm mộ luôn cảm thấy an tâm hơn. Kể cả khi gặp khó khăn hoặc chưa có bàn thắng, cả đội vẫn chơi rất kiên trì. Theo lối chơi của thầy Park, ĐT U23 Việt Nam sẽ có được thành công và ít nhất cũng lặp lại được chiến công giành ngôi á quân như năm 2018.

img imgimg

Báo Dân Việt: Kỳ vọng của Hải Yến về đội tuyển U23 Việt Nam trong giải đấu châu lục sắp tới?

Phạm Hải Yến: Đối với em, đội tuyển U23 Việt Nam trong giải U23 Châu Á sắp tới được đánh giá rất cao. Với phong độ hiện tại, các cầu thủ hoàn toàn có thể bước vào trận chung kết một lần nữa.

Em yêu thích bạn Đoàn Văn Hậu, Hậu tuy còn trẻ nhưng sự cố gắng và nỗ lực rất lớn. Trong cả đội tuyển và khi tham gia các đội U22, Văn Hậu đều dành hết sức mình để có màn thể hiện tốt nhất.

img imgimg
vantuan2106@gmai.com: Thường phải tham gia tập huấn, thi đấu dài ngày, điều này liệu có ảnh hưởng đến việc học tập của Thảo?

Thái Thị Thảo: Em đang học tập tại trường TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Nhà trường luôn hiểu và đã tạo điều kiện để VĐV có thời gian học tập, thi đấu. Có cả thời gian học lại dành cho VĐV, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia nên mọi việc không quá khó khăn. Các VĐV đều có thể tập trung vào tập luyện và thi đấu để đạt kết quả tốt nhất.

img imgimg

Phạm Quang Anh (Vĩnh Phúc): Câu chuyện về “bóng đá nam – bóng đá nữ” luôn nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là vấn đề về “tài trợ”. Các chị em có chạnh lòng về vấn đề này không?

Hoàng Thị Loan: Có thể khẳng định bóng đá nữ và nam có đẳng cấp như nhau. Tuy nhiên, sự quan tâm quả thực hiện nay có một khoảng cách rất xa. Chúng em cũng đã quen. Việc chạnh lòng hay không thì cũng chỉ biết cố gắng thi đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Lưu Thị Thúy (Hòa Bình): HLV Mai Đức Chung từng bật mí rằng, có một số tuyển thủ nữ Việt Nam được CLB nước ngoài quan tâm. Nếu nằm trong nhóm những cầu thủ được các đội bóng nước ngoài quan tâm và có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, Loan có sẵn sàng thử sức không?

Hoàng Thị Loan: Bản thân em luôn muốn được nâng tầm để được cống hiến cho nền bóng đá nước nhà.

img imgimg

Trường Anh (Đà Nẵng): Tập huấn với nhau lâu ngày tại ĐT nữ Việt Nam, liệu các cô gái vàng có... yêu nhau mất không?

Thái Thị Thảo: Ở trong tập thể toàn phụ nữ như ĐT nữ Việt Nam, vui hay buồn đều chia sẻ với nhau. Nhưng giới tính đã được trời sinh, không có chuyện ở lâu với nhau mà xuất hiện điều khác. Điều đó chắc chắn do bản năng, tính cách của nhau.

img imgimg

Chính Minh (Hà Nội): Nhung có định hướng cho mình theo nghiệp bóng đá không?

Vũ Thị Nhung: Con tôi là con trai nên cũng rất phù hợp, từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới tài trợ đều tốt hơn so với bóng đá nữ. Nhưng để theo nghiệp thể thao rất vất vả, nam hay nữ đều vậy. “Tai nạn” trong nghề có thể đến bất kỳ lúc nào nên tôi cũng không muốn đâu. Bé nhà tôi còn nhỏ nên cũng chưa định hướng gì. Nói chung, tôi sẽ lắng nghe đam mê của con mình. Ví dụ con thích học võ thì mình không thể bắt đi đá bóng được.

img imgimg

Vũ Minh (Hà Nội): Sự nghiệp “quần đùi áo số” của các cầu thù không phải là dài. Tuổi “thanh xuân” đã dành hết cho sự nghiệp bóng đá nước nhà nói riêng và nền thể thao nước nhà nói chung. Rất nhiều nữ cầu thủ khi kết thúc sự nghiệp không có nghề nghiệp ổn định, long đong với cuộc sống… Vậy Hoàng Thị Loan có dự định gì trong tương lai khi “giải nghệ”?

Hoàng Thị Loan: Em không được đi học đại học. Nghỉ thì hi vọng được đi dạy bóng đá cộng đồng hoặc kinh doanh gì đó để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhà em cũng ở nông thôn, cũng có buôn bán, ngày nhỏ đã phụ mẹ nên cũng có chút hiểu biết. Bây giờ việc của chị em là cố gắng luyện tập thi đấu. Còn việc kinh doanh hay định hướng sau này vẫn là câu chuyện tương lai.

img imgimg

Ngô Thị Phúc (Lào Cai): Đi tập huấn, thi đấu xa nhà suốt, có lúc nào khóc vì nhớ con không Nhung?

Vũ Thị Nhung: Khi con mới 6 tháng tuổi đã phải cai sữa để tôi đi tập huấn Nhật Bản nên rất thương. Thời gian đầu tôi nhớ, gọi điện về liên tục nhưng cháu cũng chưa nhận biết được gì. Xa mẹ nhiều nên cháu cũng “quen”, mẹ về mà cháu nhìn tôi cứ như người dưng ấy. Điều đó làm tôi vừa buồn tủi, vừa buồn cười. Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng do mình không có nhiều thời gian bên con.

img imgimg

Báo Dân Việt: Kinh phí phẫu thuật dây chằng của Vũ Thị Nhung được chi trả như thế nào?

Vũ Thị Nhung: Tôi cảm thấy may mắn và rất cảm ơn Sở VHTT Hà Nội, CLB bóng đá Hà Nội đã lo cho tôi tất cả từ chi phí phẫu thuật đến việc hồi phục tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Điều đó là động lực giúp tôi có thêm niềm tin trở lại mạnh mẽ hơn.

img imgimg
Nguyễn Thúy Hà (Phú Thọ): Chân sút nào mà Hải Yến thần tượng, coi đó như một hình mẫu để mình học hỏi? Em đánh giá như thế nào về cầu thủ của Thái Lan, em gái của Dangda?

Phạm Hải Yến: Trên thế giới, em hâm mộ tiền đạo Cristiano Ronaldo, còn tại Việt Nam thì đó là Lê Công Vinh. Cả hai người này đều có ý chí sắt đá và sự kiên trì trong rèn luyện để đạt được thành công. Cầu thủ số 17, em gái của Dangda có kỹ năng xử lý bóng và thể hình lý tưởng, theo em biết bạn ấy đang thi đấu cho một CLB tại Trung Quốc.

binhan29101990@gmail.com.: Dự định của em về phần thưởng chuẩn bị nhận được nhờ thành tích cùng ĐT nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 30?

Đến thời điểm này, nhờ vào truyền thông và báo chí, em thấy có khá nhiều lời hứa hẹn, tài trợ và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cho đội tuyển nữ. Tuy nhiên, bọn em chưa biết hết được các thông tin cụ thể. Đặc biệt, hiện tại đội tuyển đang tập trung hoàn toàn vào giải đấu sắp tới, nên chưa có một khoảng thời gian riêng nào để suy nghĩ về vấn đề này.

Sandro_Hai: Các em có dự định như thế nào về tương lai, sau khi dừng sự nghiệp “quần đùi, áo số”?

Bản thân bọn em đã được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện để bọn em tham gia hoạt động thi đấu. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo cũng tạo điều kiện tốt nhất để cho nữ cầu thủ nào muốn đi học có thể có một tương lai ổn định hơn sau khi giải nghệ.

img imgimg

img imgimg

Theo tiết lộ từ Phạm Hải Yến, từ giờ tới cuối năm, ĐT nữ Việt Nam còn tham gia một giải đấu nữa, đó là vòng loại cuối cùng Olympic 2020. ĐT nữ Việt Nam nằm ở bảng A cùng CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc (chủ nhà) và Myanmar.

img imgimg
Hoàng Thị Giang (Hải Phòng): Thái Thị Thảo có thể chia sẻ cảm xúc về sự giúp đỡ của truyền thông? Khi được nhận thưởng, em sẽ làm gì với số tiền được cho là khá lớn?

Thái Thị Thảo: Em xin cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà tài trợ đã cổ vũ, giúp đỡ, trao thưởng ĐT nữ Việt Nam. Ngay ở quê em, mọi người đã biết đến em là một người con quê Đô Lương. Ở quê, mọi người đang nhắn sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ để vinh danh em. Em rất hạnh phúc vì điều này, khi những nỗ lực của mình đã được mọi người ghi nhận. Đến Tết, em hy vọng sẽ được đón năm mới đầm ấm bên gia đình. Về tiền thưởng, em mới biết qua truyền thông chứ chưa để ý lắm. Sau khi nhận thưởng, em sẽ cố gắng giúp đỡ bố mẹ để có cuộc sống tốt hơn.

img imgimg

Hoàng An (Hòa Bình): Cảm xúc khi Hoàng Thị Loan được gọi lên tuyển như thế nào?

Hoàng Thị Loan: Lúc đầu khi biết mình được gọi lên tuyển em vui lắm! Lúc đó em nghĩ rằng mình đá chưa được tốt lắm. Khi ra sân tập em rất run vì lần đầu lên tuyển khá là thiếu tự tin.

Báo Dân Việt: Là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, có nước da trắng... Vậy khi quyết định đi theo nghiệp cầu thủ, Loan có bị bố mẹ phản đối không và nếu bị phản đối, Loan đã làm cách nào để thuyết phục được tất cả? Loan có thể chia sẻ thêm vì sao quyết định theo đuổi nghiệp “quần đùi áo số” không?

img imgimg

Hoàng Thị Loan: Lúc đầu bố mẹ ngăn cản, không đồng ý cho em đi đá bóng. Vì là con gái, việc đá bóng rất vất vả. Bố mẹ khuyên bỏ… nhưng mình vẫn quyết định theo đuổi. Trong gia đình, họ hàng có nhiều người không muốn cho em theo đuổi nghiệp “quần đùi áo số”. Nhiều người bảo “đến tuổi này rồi thì nghỉ đi, về lấy chồng đi”. Trong năm 2018 em cũng nghỉ một thời gian, đến tháng 7 đi đá lại. Em thấy rất may mắn vì điều này. Ngày đó BHL cũng đã về tận nhà thuyết phục “cố gắng vì đội”.

Phương Nga (Hà Nội): Loan có sợ sẽ “bớt xinh” hơn khi quanh năm phải “dãi nắng dầm mưa” trên sân cỏ?

Hoàng Thị Loan: Ngày trước ở quê e cũng hay nghịch, da đen lắm nhưng lớn thì “bớt dần”.

Phương Nga (Hà Nội): Có thể nói Loan được coi là “bông hậu” trên sân bóng. Loan thấy mình được thừa hưởng “vẻ đẹp” này từ đâu?

Hoàng Thị Loan: Mọi người thường nói em rất giống bà nội.

Phương Nga (Hà Nội): Loan chăm sóc cho “sắc đẹp” của mình như thế nào?

Hoàng Thị Loan: Lúc ra sân đá bóng thì em luôn cố gắng chơi tốt. Nhưng khi về nhà thì vẫn phải chăm sóc bản thân để “bớt xấu” đi (cười).

img imgimg

Minh Anh (Hà Nội): Vũ Thị Nhung bị đồng đội cho là “nói nhiều” trên sân, em nghĩ gì?

Vũ Thị Nhung: Mọi người hay nói đùa khi nào chị Nhung không ra sân là biết ngay, im ắng lắng. Tôi có rất nhiều biệt danh, ngày trước mọi người gọi tôi là “Loa vàng”. Giờ gọi là “kim chi”, “cái muối” (những món ăn Vũ Thị Nhung hay làm cho đồng đội ăn – PV). Việc “nói nhiều” của tôi hướng tới mục đích tạo bầu không khí hưng phấn, vui vẻ trong tập luyện. Điều đó không mâu thuẫn gì với cách truyền đạt thông điệp từ ban huấn luyện tới các đồng đội trên sân của đội trưởng. Nói chung, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung, vì chiến thắng của toàn đội.

img imgimg

Đức Anh (Khánh Hòa): Trên sân, trong nhiều tình huống, liệu có chuyện người này không muốn chuyền bóng cho người kia ở ĐT nữ Việt Nam không?

img imgimg

Thái Thị Thảo: Trong bóng đá, không tránh khỏi tình huống người này đá nhưng người kia không đồng tình. Mặc dù vậy, ai ở trong sân mới hiểu, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Có thể mình muốn, nhưng kỹ thuật, khả năng có thể không đáp ứng được. Ví dụ như em nhắn “Chị Như chuyền cho em sẽ tốt hơn”, chị Như giơ tay đồng tình và mọi người cũng cố gắng, cả tập luyện cũng như thi đấu.

img imgimg

Vũ Anh (vuanhht35@gmai.com): Trong bóng đá, có điều thường được nhắc đến như quyền lực trong phòng thay đồ. Điều này liệu có xuất hiện ở ĐT nữ Việt Nam?

Thái Thị Thảo: Quyền lực trong phòng thay đồ có thể xuất hiện với bóng đá nam". Nhưng với bóng đá nữ, rất ít có điều này. Chúng em có thể thân thiết, hợp nhau với người này, người kia. Tuy nhiên, tất cả đều nói chuyện rất hòa đồng. Cả đội đều thân thiện, vui vẻ. Như chị Nhung là chị cả, chị nấu món gì thì cả đội cùng ăn. Bác Mai Đức Chung cũng luôn nhắn, chúng ta có thể thua kém về thể hình, thể lực, nhưng tất cả phải đoàn kết. Trước trận chung kết, đội trưởng Huỳnh Như đã khẳng định đơn giản: “Chúng ta phải thắng trận đấu này. Đây không đơn giản là một trận mà sẽ khẳng định vị thế của bóng đá nữ Việt Nam”. Vì thế, cả đội đều quyết tâm hơn, nỗ lực hơn và đã làm được. 

img imgimg

Trung_Trung@yahoo.com: Sau thời điểm giành HCV SEA Games 2017, Vũ Thị Nhung đã muốn giã từ sự nghiệp để tập trung cho chăm sóc gia đình. Nhưng rồi Nhung vẫn trở lại và cùng ĐT bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 30? Vậy đâu là lý do khiến Nhung trở lại?

Vũ Thị Nhung: Đúng là sau tấm HCV SEA Games 2017 tôi đã muốn kết thúc sự nghiệp trên đỉnh cao. Khi đó, tôi đã có đủ bộ sưu tập HCV, HCB, HCĐ Đông Nam Á, SEA Games rồi. Vậy nhưng sau một thời gian nghỉ ở nhà sinh em bé xong tôi cảm thấy buồn quá. Nhà tôi gần sân, ra sân thấy mọi người chạy nhảy thích lắm. Thời điểm đó tôi còn chưa học xong Đại học TDTT, còn nợ nhiều môn, kinh tế cũng chưa ổn định, chẳng biết làm gì nếu không đá bóng.

Có thể nói tôi trở lại là vì đam mê và cả vì kinh tế nữa. Thời điểm ấy, từ CLB đến đội tuyển cũng đã được quan tâm nhiều hơn so với ngày xưa. Vậy nên tôi đã xin ý kiến ban huấn luyện của đội, bày tỏ nguyện vọng muốn được quay lại. Còn đá tốt được hay không, không hứa trước. Tôi bắt đầu bằng việc giảm cân, từ khi sinh xong là 62kg đến giờ là 50kg. Bí quyết của tôi không có gì khác là mặc áo mưa chạy và chạy.

img imgimg
Bạn Phương Anh (Bắc Giang): Bác Kiểm là một người có sức ảnh hưởng với rất nhiều các thế hệ cầu thủ nữ. Sau kỳ SEA Games hoặc các giải đấu khác, các em có quay trở lại thăm bác Kiểm hay không?

Phạm Hải Yến: Chúng em thường chọn một ngày kỷ niệm để về thăm bác và truyền cảm hứng cho các em trẻ khác. Trong quá trình được tìm kiếm và tuyển chọn, bọn em không có nhiều thời gian để tham gia luyện tập các kỹ năng đá bóng vì bọn em là con nhà nông. Thời gian dành ra cho bóng đá chỉ là một chút lúc chiều tối mà thôi. Để được tuyển chọn vào CLB Hà Nội, các thầy cô đã về tận nơi để xem bọn em tập luyện cũng như thể hiện qua các bài kiểm tra. Sau đó, các thầy cô đưa bọn em lên CLB Hà Nội để phát triển hết khả năng của mình.

img imgimg

Bạn Lê Anh Vũ (Chương Mỹ, Hà Nội): Nghiệp cầu thủ không thể tránh khỏi những chấn thương. Vũ Thị Nhung có thể chia sẻ thêm có bị tâm lý gì ở thời điểm phẫu thuật chấn thương năm 2015 khi mới 23 tuổi?

img imgimg

Vũ Thị Nhung: Năm 2015 tôi bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước phải phẫu thuật. Thực sự, trước tôi cũng đã có 2-3 đồng đội phẫu thuật chấn thương tương tự, trong đó có 2 bạn cùng trang lứa sau đó không trở lại được. Điều đó khiến tôi cũng rất lo lắng, bị tâm lý khi bước vào phẫu thuật.

Lúc đó mình 23 tuổi và bắt đầu ổn định, bước vào giai đoạn “chín” của sự nghiệp và nếu phải nghỉ sớm thì tiếc quá! Nhưng rồi với sự động viên của mọi người, đặc biệt là chồng tôi hiện nay và HLV Mai Đức Chung, tôi đã có động lực để trở lại. Rất may, 6 tháng sau ca phẫu thuật, dây chằng của tôi đã ổn định và trở lại ĐT Việt Nam. Những ngày đó chỉ biết tập luyện miệt mài để “quên” đi chấn thương. Có những buổi các đồng đội nghỉ nhưng tôi vẫn tập để sớm tìm lại phong độ cao nhất của mình.

img imgimg

Nguyenvu14193@gmail.com: Vũ Thị Nhung có thể chia sẻ về “ngày đặc biệt” của tháng mà mỗi chị em đều trải qua. Khi chơi thể thao sẽ phải điều chỉnh ra sao?

Vũ Thị Nhung: Con gái ai cũng đến ngày “bị” trong tháng nên mệt mỏi, đau bụng, đau lưng, tụt huyết áp… mỗi người một kiểu, chẳng muốn làm gì. Chúng tôi thường chơi bóng đá từ năm 13 tuổi, quen với trạng thái. Ban huấn luyện hiểu cho nghỉ 1 ngày đầu tiên, các ngày sau tập luyện bình thường.

img imgimg

Ngô Văn Tước (Yên Bái): Vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ bức ảnh Hoàng Thị Loan đang nói chuyện với Công Phượng Facebook - "facetime". Loan có thể chia sẻ về việc này?

img imgimg

Hoàng Thị Loan: (cười) Đấy là ảnh ghép! Bọn em không có “mối quan hệ” gì cả. Bình thường em là người ít nói, chỉ khi “thân thân” em mới nói nhiều nên ít tiếp xúc với “người lạ”. Em cũng không biết vì sao người ta lại ghép như vậy. Chắc là do “dân mạng” họ chế thôi!

img imgimg

hoaianh5400@gmai.com: Em cùng quê với Công Phượng, vậy hai người có thường xuyên giao lưu, gặp gỡ không?

img imgimg

Thái Thị Thảo: Đúng là em ở cùng quê Đô Lương với Công Phượng. Nhưng em ở đầu Đô Lương, Công Phượng ở cuối Đô Lương nên cách nhau rất xa. Khi Công Phượng nổi bật ở U19, mọi người đều biết nhưng cũng ít giao lưu.

img imgimg

Báo Dân Việt: Em có thể chia sẻ với độc giả về cuộc sống sau khi tập luyện, thi đấu ở ĐT nữ Việt Nam? Dành nhiều thời gian chơi bóng, liệu em có thể nấu nhiều bữa ăn ngon?

img imgimg

Thái Thị Thảo: Em là con nhà nông. Bố mẹ em ở nhà hoàn toàn làm việc về nông nghiệp. Trước khi thi đấu, mọi bữa cơm trong gia đình đều do em nấu. Khi lên tuyển, được mọi người chăm sóc. Nhưng khi rảnh rỗi hoặc về nhà, em sẵn sàng nấu nhiều món ăn, chuẩn bị bữa cơm.

Em quê Nghệ An. Em ra Hà Nội năm 16 tuổi. Khi đó, CLB Hà Nội tạo điều kiện để em thử việc. Sau đó, ban huấn luyện thấy được tiềm năng và em được chuyển hẳn sang chơi bóng đá. Ở nhà em, từ xưa, bố mẹ em đã làm ruộng. Nhà em có 4 chị em, cả nhà cùng làm nông để trang trải cho cuộc sống. Việc chăn trâu, chăn bò, cấy, gặt em làm thường xuyên. Khi về nhà, bố mẹ em có tuổi nên việc làm nông cũng ít hơn trước. Do có máy gặt nên công việc cũng đỡ vất vả. Tuy nhiên, khi có dịp, em vẫn cố gắng giúp đỡ bố mẹ.

img imgimg

Bốp Bi: Đợt vừa rồi báo chí và trên mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh về bữa ăn “đạm bạc”, “thiếu chất dinh dưỡng”, các bạn có thể chia sẻ một chút về vấn đề này?

Hoàng Thị Loan: Trước khi sang Philippines cả đội cũng được phổ biến là đồ ăn bên đó rất khó ăn, không hợp khẩu vị. Do đó, Ban huấn luyện cũng chuẩn bị đồ ăn để mang sang, nhưng những ngày đầu chưa mang sang kịp... Đồ ăn chuẩn bị để mang sang chủ yếu là ồ khô: ruốc, tôm, cá. Sau khi sang đó thì Ban Huấn luyện mua thêm đồ tươi cá hồi, tôm, cua…

img imgimg

Trần Văn Hùng (Nghệ An): Vũ Thị Nhung có thể chia sẻ một món ăn “tủ” của mình không?

Vũ Thị Nhung: Tôi chẳng nấu được món nào “tủ” kiểu như đặc sản đâu. Nhưng khi nấu nhiều món chị em đều khen, bảo nấu vừa miệng, ngon. Về khoản ăn uống thì chồng tôi cũng dễ tính lắm, không cầu kỳ gì. Anh ấy làm điện nước và luôn dành thời gian chăm sóc con, luôn động viên, cổ vũ tôi trên hành trình theo đuổi niềm đam mê.

img imgimg

Ngô Văn Tước (Yên Bái): Đội tuyển nữ Việt Nam có được tập luyện bóng bổng nhiều hay không?

img imgimg

Phạm Hải Yến: Bóng bổng là một trong những tình huống được tập luyện của đội tuyển, em được ưu tiên nắm điểm 3, là khu vực do em phụ trách trong vòng cấm địa, và đây cũng là vị trí giúp em ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết. Tình huống bất ngờ trong trận chung kết, khi đó đồng đội đã cản hết hậu vệ đội bạn, khoảnh khách đó cũng có chút may mắn khi hậu vệ Thái Lan chạm bóng nhưng không đổi hướng khiến em vẫn làm chủ được tình huống.

img imgimg

tuanh88@gmai.com: Hải Yến có thể chia sẻ sau khi không đạt phong độ tốt nhất tính tới trước trận chung kết, HLV Mai Đức Chung đã nói gì giúp Yến có sự tự tin và tỏa sáng với bàn thắng quyết định mang về tấm HCV?

img imgimg

Phạm Hải Yến: Trong giai đoạn trước giải, đặc biệt là thời gian trước trận chung kết, phong độ của em không tốt. Tuy nhiên, đồng đội và ban huấn luyện động viên em rất nhiều, nhờ vào đó, em đã cố gắng để lấy lại phong độ của mình. HLV Mai Đức Chung luôn nhắn nhủ em bình tĩnh nhất có thể để thể hiện hết được khả năng của mình, từ đó có một thành tích tốt.

Với em, HLV Mai Đức Chung như là một người cha, bác luôn chăm sóc bọn em trong sinh hoạt và tập luyện. Bác luôn cố gắng hết mình để bọn em có được điều kiện tốt nhất.

img imgimg

Hoài Vũ (TP.HCM): Vũ Thị Nhung có thể chia sẻ về các “miếng đánh” mà ban huấn luyện chuẩn bị để khắc phục những hạn chế về thể hình so với các đối thủ tại SEA Games, đặc biệt là Thái Lan?

Vũ Thị Nhung: HLV Mai Đức Chung là người tâm lý, hiểu chiến thuật của đối phương. HLV Mai Đức Chung ưu tiên phối hợp nhỏ, hình thành những tam giác, tứ giác phối hợp, đánh vào “khe”, khoảng trống trong hệ thống của đối phương, đặc biệt là khe giữa hậu vệ cánh và trung vệ. Tiền vệ biên được yêu cầu tuyệt đối không đá bóng bổng, tiền vệ biên đá căng ngang vào để trung phong bên trong dứt điểm.

img imgimg

Báo Dân Việt: So về thể hình, thể lực với các đội bóng tham dự SEA Games, đặc biệt là những đội có trình độ ngang ngửa như ĐT nữ Thái Lan, ĐT nữ Myanmar, các cầu thủ nữ Việt Nam liệu có thất thế và gặp khó khăn?

img imgimg

Thái Thị Thảo: Em thấy người Việt Nam, không riêng chúng em, có tầm vóc nhỏ. Các thế hệ sau, lứa U19 có thể hình cao to hơn. So với các đội quốc tế, chúng em vẫn nhỏ bé hơn. Thái Lan có cầu thủ số 8 rất cao to. Nhưng so về kỹ thuật, chiến thuật thì Việt Nam không hề thua kém. Chúng em cũng được đầu tư nhiều để cải thiện thể hình, thể lực. Chúng em có thể không cao hơn, nhưng được tăng cường về cơ bắp và sức bền.

img imgimg

Báo Dân Việt: Trước trận Chung kết, Loan có tự tin thắng Thái Lan hay không?

img imgimg

Hoàng Thị Loan: Em và các chị em trong đội tuyển luôn nghĩ rằng ngày hôm nay phải quyết tâm. Phải giành được chiến thắng. Luôn luôn là như vậy!

img imgimg

Bạn Phương Nga: SEA Games 2017, Vũ Thị Nhung đã giành HCV trên đất Malaysia, dù lúc đó không biết mình đang mang thai. Thời gian qua đi, Nhung có thể chia sẻ thêm về con mình?

img imgimg

Vũ Thị Nhung: Bé nhà tôi xa mẹ từ khi 6 tháng để tôi có thể trở lại tập luyện chuẩn bị SEA Games 30. Cháu ở nhà cùng bà nội, trộm vía ngoan, không bám mẹ, ăn uống tốt giúp tôi có thể yên tâm thi đấu, cống hiến vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Bé giờ cũng đã gần 20 tháng tuổi rồi.

img imgimg

Vũ Văn Đức (Nam Định) Sau khi giành HCV SEA Games, điều đầu tiên em nghĩ đến và muốn dành tặng người thân, người hâm mộ là gì?

img imgimg

Thái Thị Thảo: Đây là lần đầu tiên em được nâng HCV cùng ĐT bóng đá nữ. Năm 2017, em có tham gia SEA Games nhưng đá futsal. Năm nay, em được HLV Mai Đức Chung gọi vào ĐT bóng đá nữ. Kết thúc trận chung kết, tất cả rất hạnh phúc, ôm nhau và hô “Chúng ta làm được rồi”. Em nghĩ tất cả mọi người đang chờ đợi mình. Bác Chung dặn “Cả nước đang chờ các cháu”. Chắc chắn mọi người đều rất vui.

img imgimg

Trần Anh (Thanh Hóa) Vũ Thị Nhung đã thể hiện vai trò “chị cả” ở ĐT bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30 ra sao?

img

Vũ Thị Nhung: Phải thừa nhận là phong độ của tôi sau khi lấy chồng, sinh con không được như trước. Tôi muốn dành lời cảm ơn tới HLV Mai Đức Chung – người đã tạo điều kiện cho tôi lên tập trung đội tuyển. Tôi chỉ biết cố gắng tập luyện với tinh thần tốt nhất, làm gương cho các em noi theo. Trong các bài tập thể lực, chạy, tôi luôn cố gắng chạy đầu. Tôi muốn cho thấy chị lớn tuổi còn đáp ứng được thì các em không lý do gì các em không đáp ứng được. Khi vào thi đấu, nhiều em trẻ thường suy nghĩ quá nhiều, tâm lý. Tôi động viên các em cứ tập trung đá hết mình, thể hiện hết những phẩm chất tốt nhất. Chúng ta được ra sân chơi bóng nên cứ chơi hộ cả phần những người đang ngồi ngoài. Có vấn đề gì thì đã có ban huấn luyện, HLV bên ngoài kịp thời điều chỉnh.

img imgimg

Thu_Dung_113@gmai.com: Sau trận chung kết SEA Games 30, cái tên Hoàng Thị Loan đã nổi như cồn trên mạng xã hội nhờ vẻ xinh xắn, đáng yêu. Loan suy nghĩ gì về điều này? Loan đã có bạn trai chưa và nếu chưa thì mẫu bạn trai của Loan là người như thế nào?

img

Hoàng Thị Loan: Đến thời điểm này em vẫn chưa duyệt được ai. Một phần do chưa tìm hiểu kỹ. Em không có tiêu chuẩn gì lớn. “Người ấy”, không cần phải cao sang, đẹp trai hẳn, nổi tiếng hẳn. Chỉ cần biết quan tâm, chia sẻ và chăm sóc em.

img imgimg

Báo Dân Việt: Ngay sau khi ghi bàn thắng quyết định vào lưới Thái Lan trong hiệp phụ trận chung kết. Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong Hải Yến là gì?

Hải Yến: Trong tâm trí của em khi ghi bàn thắng quyết định này, em chỉ nhớ tới bà ngoại của mình. Trong thời gian vừa qua em cùng đồng đội tham gia SEA Games, bà ngoại của em đã mất nhưng không thể về để thăm được bà lần cuối.

Khi em tham gia nghiệp thể thao, rất ít có thời gian thăm gia đình. Bà luôn động viên em cố gắng, quyết tâm và theo đuổi ước mơ của mình.

img imgimg

img

Các tuyển thủ nữ Việt Nam nhận hoa từ Tổng thư ký Báo điện tử Dân Việt - Vũ Kiều Minh.

img

img

4 tuyển thủ nữ Việt Nam gồm Phạm Thị Yến, Thái Thị Thảo, Hoàng Thị Loan và Phạm Hải Yến đã có mặt ở Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày nay. Các bạn gửi lời chào tới độc giả Báo điện tử Dân Việt.

img imgimg

Đến giờ vẫn chưa ai quên câu chuyện sau khi giành HCV SEA Games 29 cách đây 2 năm tại Malaysia, Vũ Thị Nhung mới biết mình đã mang thai từ trước đó.

img

Sau tấm HCV đầy kỷ niệm này, Nhung đã có ý định giã từ sân cỏ để toàn tâm tập trung cho việc chăm sóc gia đình, làm vợ, làm mẹ.

Tuy nhiên, cuối cùng niềm đam mê đã thôi thúc và Nhung không thể dừng lại. Tại SEA Games 30, Nhung không đá chính nhưng đóng vai như một thủ lĩnh trong phòng thay đồ, giúp lứa “đàn em” có thêm niềm tin vượt khó để một lần nữa bước lên đỉnh cao khu vực.

img imgimg

Trong hành trình giành vàng SEA Games 30 của ĐT nữ Việt Nam, Hoàng Thị Loan cũng có những đóng góp không hề nhỏ, đặc biệt là ở trận chung kết với ĐT nữ Thái Lan. Vào sân từ ghế dự bị nhưng Loan đã đeo bám rất rát, làm nản lòng các chân sút xứ chùa vàng.

img

Đặc biệt, Loan còn thu hút mọi ánh nhìn với khuôn mặt xinh xắn, dễ thương. Câu hỏi Loan đã có “một nửa” của mình chưa sẽ được cô “giải đáp” trong cuộc giao lưu trực tuyến cùng độc giả Dân Việt.

img imgimg

Có một chi tiết thú vị là dù khoác áo đội bóng đá nữ Hà Nội nhưng Thái Thị Thảo lại là người con mảnh đất Đô Lương (Nghệ An) – đồng hương và cùng bằng tuổi với tuyển thủ Nguyễn Công Phượng.

img

Trước khi được HLV Mai Đức Chung gọi lên đội tuyển vào năm 2018, tại SEA Games 2017, Thảo còn là một tuyển thủ futsal nữ!

img imgimg

Tâm sự với Dân Việt sau khi nhận HCV SEA Games 30, Hải Yến – người ghi bàn duy nhất giúp ĐT bóng đá nữ Việt Nam lần thứ 6 vô địch SEA Games nói: “Nhiều chị em đã kiệt sức nhưng vẫn cố gắng động viên nhau “chiến đấu”.

img

Có thể nói trong những phút cuối, chúng tôi chỉ còn biết dùng tinh thần, niềm tin để chơi bóng”.

Đánh bại ĐT nữ Thái Lan 1-0 trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30, ĐT nữ Việt Nam đã giành tấm HCV cao quý. Đây là lần thứ 6, các cô gái của chúng ta làm được điều này và đã thiết lập lên một kỷ lục mới của giải đấu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem