Nét độc đáo chùa Rồi ở ngôi làng trên 500 năm tuổi tại Hà Nội

Ngọc Huệ Thứ sáu, ngày 06/05/2022 09:00 AM (GMT+7)
Tọa lạc bên dòng sông Nhuệ yên bình, làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được biết đến là một ngôi làng cổ kính còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó có chùa Rồi.
Bình luận 0

Clip về ngôi chùa Rồi cổ ở Hà Nội. Clip Ngọc Huệ.

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Đất vua, chùa làng". Chùa bao giờ cũng là nơi linh thiêng đối với người dân Việt Nam. Cả làng Cựu cổ chỉ có duy nhất một ngôi chùa Rồi. 

Bí ẩn chùa Rồi làng Cựu cổ

Ở cuối làng Cựu, chùa Rồi (hay còn gọi Phúc Nhuệ Tự) có tổng diện tích 1,7ha, tọa lạc trên gò đất cao, mặt tiền có dòng sông Nhuệ hiền hòa chảy qua. Phía sau, hai bên tả và hữu chùa Rồi là các hồ sen rộng lớn, bao quanh thân chùa. 

Vào mùa hạ, hoa sen nở thơm ngát như dâng lên đức Phật, tạo nên một không gian thoáng đãng, trong trẻo và thanh tịnh. Chùa Rồi có kiến trúc bề thế, cổ kính, cùng với đó là nhiều điều huyền bí đến bây giờ dân làng vẫn chưa thể lý giải được.

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 1.

Không gian phía ngoài chùa Rồi, ở làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huệ.

Ông Nguyễn Mạnh Hảo (57 tuổi), Trưởng thôn Cựu nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Chùa Rồi. Theo lời kể của ông, tương truyền rằng, xưa có 5 vị thần giúp vua Hùng Vương đánh giặc trở về, khi bay qua cánh đồng thôn Cựu, các ngài thấy thế đất và cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, liền hạ xuống và hóa tại đây. Từ đó, chùa Rồi được dựng lên, nhân dân biết đến và thờ cúng. 

Còn theo một số người dân làng Cựu nghe được những câu chuyện và kể lại rằng: "Khi dân Đường Xuyên xây dựng Chùa Cả (chùa chung của 4 thôn trong xã Vân Từ), các thôn trang, ấp quanh vùng phải góp công sức và kinh phí để xây dựng chùa. 

Khi tổ chức quyên góp, đại diện các làng được cử đến khu vực xây chùa để có ý kiến thì đã thấy mọc lên một ngôi chùa từ bao giờ. Chính vì thế, người làng Cựu thường gọi chùa Rồi – ý tứ là chùa đã có rồi.

Đi qua con ngõ nhỏ cổ kính ở làng Cựu, theo gợi ý của Trưởng thôn Cựu, tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Trần Quang Tiến (87 tuổi) – vị lão làng duy nhất rõ tường về lịch sử xây dựng chùa Rồi. Lục lọi trong chiếc tủ cũ, ông tìm được một tấm ảnh chụp chiếc cổng chùa Rồi, ánh mắt xa xăm, ông Tiến bắt đầu chia sẻ cho chúng tôi về những điều ít ai biết.

Ông kể, theo sư cụ Đàm Quyến được các cụ đời trước truyền lại, từ thời Trần, một vị tướng trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên có tên là Quan Long đã bị thương và về nằm tại khu vực chùa Rồi ngày nay. 

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 4.

Chùa Rồi (hay còn gọi Phúc Nhuệ Tự) tọa lạc trên gò đất cao, mặt tiền có dòng sông Nhuệ hiền hòa chảy qua. Ảnh Ngọc Huệ.

Khi các quân lính của ngài đi đến các vùng xung quanh tìm chỗ đất cao để đưa Quan Long đến đó điều trị. Nhưng đến khi quay trở về thì được tin Quan Long đã mất, tại đây, Quan Long được an táng. Người trở thành phúc thần, rồi sau đó một ngôi chùa đã được dựng lên mang tên là chùa Rồi và chính Quan Long là đức ông của chùa.

Ông Tiến cho biết, chùa Rồi khi ra đời dựng bằng tre nứa, lá cây. Và từ đời vua Tự Đức thứ 19 (năm 1876), chùa đã được xây dựng khang trang hơn. Những ngày đầu, chùa do cụ Tự Tiến trong làng trông nom. Sau này, có sư Thích Đàm Chi về trụ trì.

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 5.

Các hoa văn trang trí ở phía trên ngôi chùa Rồi. Ảnh: Ngọc Huệ

Ngày 17/7/1938, năm Mậu Dần, đời vua Bảo Đại thứ 13, nhân dân thôn Cựu đã cử cụ Nguyễn Ngọc Du cùng sư Thích Đàm Chi đứng ra trùng tu sửa chùa. Năm 2002-2003, sư Thích Đàm Quyến tổ chức xây cổng Tam quan với thiết kế đẹp, kết hợp văn hóa truyền thống và hiện đại và khánh thành tháng 10/2008, năm Mậu Tý. 

Trên gác Tam quan có quả chuông nặng 202kg do chính ông Trần Quang Tiến và bà Trần Thị Thảo (một người dân làng Cựu) quyên góp và đúc tại Huế.

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 6.

Khu vực bàn thờ Tam Bảo ở gian chính giữa của chùa Rồi. Ảnh: Ngọc Huệ

"Với cảnh quan đẹp và hoành tráng hơn trước, chùa Rồi rất linh thiêng, thu hút nhiều khách thập phương về lễ chùa", ông Tiến làng Cựu chia sẻ thêm.

Độc lạ kiến trúc chùa cổ trên 500 tuổi

Chùa xây theo kiến trúc chữ Đinh, trước tiền đường, sau hậu cung. Trong chùa có một giếng thiên tạo được biết là chưa bao giờ cạn nước. Theo một số dân làng, khi trở trời, giếng thường nổi màu ngũ sắc bắt mắt, làm khung cảnh cho ngôi chùa thêm phần linh thiêng và uy nghi.

Chùa Rồi là một quần thể văn hóa cộng đồng đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm: Nhà tiền đường,Thượng điện, Nhà mẫu, Nhà vong, Nhà tổ đường, Nhà tổ ni và một số nhà khác. Trong đó, Tiền đường rộng nhất với 5 gian, với 3 bộ cửa bức bàn đồ sộ đặc trưng.

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 7.

Chùa Rồi xây theo lối kiến trúc cổ, trải qua thời gian, đến nay chùa Rồi mới chỉ sửa chữa, sơn lại, kết cấu ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Ngọc Huệ

Nếu Tiền đường là khu rộng nhất thì Thượng điện là công trình đẹp nhất trong Chùa Rồi. Thượng điện đặt những pho tượng gỗ lớn, cổ kính với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, hút thần. Nước sơn cổng chùa dù bạc sờn nhưng những pho tượng gỗ vẫn mãi trường tồn với thời gian.

Tổng thể không gian kiến trúc chùa Rồi được trạm khắc gỗ độc, lạ, họa tiết trang trí là các hình bông sen, bông cúc, nậm rượu, rồng bay, phượng múa... Các hoa văn này mang đậm nét truyền thống mà không kém phần tinh tế trong những công tình văn hóa thờ cúng được người Việt xây dựng.

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 2.

Cận cảnh một góc tầng 2 cổng chùa Rồi. Ảnh: Ngọc Huệ.

Cổng chùa hiện nay đã được trùng tu từ năm 1938, theo dạng Tam quan gồm: cổng chính, tả môn và hữu môn. Cổng chùa 2 tầng, 8 mái lợp ngói ống, hai cột trụ cao có hình rồng uống lượn, trên đỉnh giữa đặt nậm rượu. 

Tầng 2, gian giữa treo chiếc chuông lớn. Hai gian bên đặt tượng Quan âm Bồ tát linh thiêng. Mặt trước cổng đề nắm nót câu đối Hán tự. Có thể thấy, trải qua hàng trăm năm, cổng chùa nay phủ một lớp rêu phong nhưng không làm mất đi sự trang nghiêm mà còn tăng thêm sự bề thế, cổ kính và hùng thiêng của một công trình cổ hiếm có ở đất kinh kỳ.

Bí ẩn ngôi chùa Rồi cổ trên 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 9.

Giếng cổ tại chùa Rồi mới được tu sửa khang trang, đẹp đẽ. Ảnh: Ngọc Huệ

Cổng mới được xây dựng to hơn, cao hơn và đẹp hơn nhiều, nhưng người dân làng Cựu vẫn quyết định giữ nguyên chiếc cổng chùa cũ dù mai một nước sơn do sương gió. Bởi lẽ, với mỗi người dân làng Cựu, cổng chùa không đơn thuần chỉ là công trình kiến trúc, mà đó còn là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng lâu đời gắn với truyền thống quê hương cần được gìn giữ.

"Bình thường nhân dân đến chùa sẽ phải đi qua Nhà thờ tổ, và khu vực nhà ở của sư thầy trụ trì. Điều này có ý nghĩa báo hiệu cho vị trụ trì biết có người vào thăm hay lễ Phật, sau rồi mới được lễ các ban. 

Chính vì vậy, chúng tôi đến lễ chùa vẫn ưu tiên đi cổng cũ nhiều hơn. Chỉ khi các ngày đại lễ, ngày Tết thì cổng chính mới mở để tiếp đón lượng lớn nhân dân…", bà Nguyễn Thị Hân (42 tuổi), người dân làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem