Phan Khắc Huy: Tôi là người thực hành những giá trị văn hóa Việt

Thứ bảy, ngày 23/09/2017 18:50 PM (GMT+7)
Huy gửi lời tự giới thiệu: Phan Khắc Huy, 31 tuổi, sinh tại Tiền Giang, đã học tập và sinh sống tại Sài Gòn 13 năm, là cựu sinh viên khoa Y, ĐH Y dược TP.HCM, người sáng lập Cội Việt và hiện tại đang làm việc tại đây.
Bình luận 0

Bạn hy vọng gì vào những bạn trẻ đang đồng hành ở Cội Việt?

Đối với các bạn trẻ đang đồng hành, tôi rất hy vọng các bạn sẽ có những tự do chọn lựa cho mình những gì là phù hợp thời đại của các bạn sau một hành trình tìm lại mình một cách có ý thức. Ở Cội Việt, các bạn có thể trình bày mọi suy nghĩ, mọi ý tưởng, rồi sau đó cùng nhau để thử-sai, tìm ra con đường trung đạo. Cội Việt không có ai làm “lãnh đạo”, không có bất kỳ đóng khuôn nào của chắc chắn đúng, chắc chắn sai, các bạn trẻ đến đây sẽ được bày ra ngày càng nhiều những gì đã qua để chọn lựa cho những gì đang tới. Bước đi ra khỏi, mỗi bạn sẽ độc lập trong suy nghĩ và hành động dựa trên một nền tảng cơ bản của tư duy và kiến thức xã hội. Càng nhiều cá nhân có ý thức về quá khứ và hiện tại thì sẽ càng có nhiều những điều tích cực lan toả trong cộng đồng.

img

Sinh hoạt của Cội Việt, Phan Khắc Huy, ngoài cùng, bên trái.

Trước Cội Việt, bản thân bạn đã ý thức rất rõ về những giá trị Việt mà bạn đã nghiên cứu, tham khảo, nắm giữ. Bạn có thể chia sẻ?

Trước, tôi được tham gia một chuyến đi xuyên Việt. Suốt dọc dài đất nước, tôi học cách quan sát con người và văn hoá rất khác biệt với nơi tôi sinh trưởng (Tiền Giang). Tôi nhận ra văn hoá Việt thật đa sắc, uyển chuyển. Cội Việt bắt đầu bằng sự háo hức khám phá lại những giá trị văn hoá Việt mà tôi, vì cách trở địa lý và hoàn cảnh, trước đó không hề nghe nói đến. Từ sự háo hức tìm hiểu và thực hành, tôi nhận ra rằng giá trị Việt, không thể gói gọn trong một đôi câu chữ hay vài kết luận vội vàng. Bên cạnh giá trị cốt lõi như chịu thương, chịu khó, đoàn kết trong khó khăn, có nền tảng ứng xử dựa trên văn hoá nông nghiệp mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, tôi còn nhận ra được sự đa nguyên hơn trong những giá trị Việt. Tuỳ thời, tuỳ không gian, tuỳ vào quá trình di cư, tuỳ vào những nhóm dân tộc cộng hưởng, cha ông ta đã có những “tiếp biến”, chọn lựa để giá trị Việt có những thay đổi phù hợp. Khi chọn tên Cội Việt, tôi muốn truy nguyên về “Việt” nhưng trong quá trình tìm kiếm, tôi lại thấy rằng cái tuyệt vời nhất của giá trị Việt là sự đa dạng, uyển chuyển trong từng khoảnh khắc.

Bạn có cho rằng có rất nhiều bạn trẻ cũng hiểu về giá trị Việt như bạn, nhưng không biết cách nào gìn giữ hoặc bị những giá trị khác tiếm quyền thụ hưởng trong vô thức bởi sự ham thích cái mới, mà không phân biệt được nó có thích hợp với mình không hoặc nó có thật sự là giá trị bền vững không?

Tôi là một người thực hành, một hành giả. Bằng cách thực hành, tôi tự ý thức và hiểu được những giá trị mà mình hướng đến... Với tôi, giá trị Việt Nam là một dòng chảy, một diễn trình…

Từ bảy năm qua, tôi thấy có càng nhiều các bạn trẻ “giựt mình” mà tìm về với giá trị Việt, nhưng những người đi trước, những người xung quanh bạn cũng chưa thực sự hiểu được thế nào là Việt, lúc thì ca tụng, lúc thì vùi dập, thì làm sao có thể đòi hỏi hơn ở các bạn? Vì lẽ đó, chúng tôi làm công việc là sưu tầm, tìm lại, bày ra và tạo không gian cho các bạn trẻ đến tìm hiểu, thực hành những giá trị văn hoá để có nhiều chọn lựa hơn trong thời đại này. Quyền chọn lựa vẫn là ở các bạn, trong một môi trường cân bằng và đủ đầy hơn giữa giá trị đã có và giá trị đang hình thành.

Những giá trị gia đình bạn đang hướng tới?

Tôi cùng những người bạn xây dựng Cội Việt dựa trên sự tự giác và đa nguyên nên với tôi, gia đình cũng cần phải như vậy. Mỗi một thành viên trong gia đình ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đồng thời tôn trọng vai trò, trách nhiệm của người khác. Năm 2013, tôi được vinh hạnh tiếp chuyện thầy Trần Văn Khê, thầy có gợi ý ba giá trị cốt lõi trong gia đình Việt: “đi thưa về trình”, “gọi dạ bảo vâng”, “kính trên nhường dưới”. Tôi nghĩ đây là giá trị tham khảo chứ không phải áp đặt. Sau nhiều năm giá trị gia đình bị đảo lộn, vì chiến tranh, vì nhận thức thì điều quan trọng nhất trong mối quan hệ gia đình là tôn trọng và cảm thông. Thế hệ đi trước sẽ chỉ bày kinh nghiệm và chọn lựa của thế hệ mình cho thế hệ sau tham khảo và thực hành. Theo tôi, gia đình là môi trường thực hành các hành vi ngoài xã hội, cho nên theo nghĩa này, gia đình có thể thay thế hoặc tạm thời gìn giữ “Cội Việt” theo nghĩa đen của nó.

Bản thân bạn, ý thức về giá trị Việt Nam của bạn như thế nào và bạn lan toả nó ra sao?

Tôi là một người thực hành, một hành giả. Qua đó, tôi tự ý thức được những giá trị mình hướng đến. Qua đó, tôi cho các bạn trẻ làm việc cùng tôi thấy cái sai, cái cực đoan mà mình vấp phải, cái kinh nghiệm mình thu được. Bằng cách thực hành, tôi có thể lôi cuốn được nhiều bạn cùng thực hành. Với tôi, giá trị Việt Nam là một dòng chảy, một diễn trình, tôi hay bất cứ một bạn trẻ nào đều có quyền lựa chọn một cách có ý thức trong thời mình đang sống. 

Ngân Hà (thực hiện) (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem