Công nghệ sinh thái kết hợp "1 phải, 5 giảm" đạt hiệu quả kép

Thứ sáu, ngày 22/07/2016 17:14 PM (GMT+7)
Mô hình công nghệ sinh thái (CNST) kết hợp “1 phải 5 giảm” của ông Đỗ Văn Thiệt ở ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân (An Giang) đạt hiệu quả kép trong SX lúa nếp, phát huy tối đa khả năng giảm giống, sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bình luận 0

Thử nghiệm với diện tích 1ha, ông Thiệt chọn giống lúa nếp CK92 xác nhận với đặc tính là giống nếp chất lượng cao, có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng, độ thuần đạt từ khoảng 98 - 99%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt cho năng suất rất cao, từ 7 - 8 tấn/ha.

 img

Ông Thiệt với mô hình ruộng lúa bờ hoa đạt hiệu quả cao.

Mô hình CNST kết hợp với “1 phải, 5 giảm” tiến hành trồng hoa dọc theo bờ ruộng kết hợp sử dụng giống xác nhận để giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Thiệt chia sẻ kinh nghiệm, việc sử dụng phương pháp “1 phải 5 giảm” đã được áp dụng khá lâu và nay kết hợp mô hình “ruộng lúa bờ hoa” mang lại hiệu quả rất cao, ruộng lúa sẽ thu hút nhiều loại thiên địch có lợi tấn công thiên địch có hại, vì vậy ruộng lúa giảm chi phí đầu tư và công chăm sóc cũng như sử dụng lao động để phun xịt nhiều lần.

img

Mô hình ruộng lúa bờ hoa kết hợp “1 phải 5 giảm”.

 Mô hình nhằm góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha/vụ, an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường và tăng mức lợi nhuận.

Từ hiệu quả trên mà năng suất lúa của ông Thiệt luôn ở mức dao động từ 1 - 1,3 tấn/công (vụ ĐX); 1 - 1,1 tấn/công (vụ HT) và 800 - 900kg/công (vụ TĐ). Vụ ĐX với năng suất đạt 1,3 tấn /công và bán với giá 6.750 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 30 triệu đồng/ha. 

Các loại hoa được trồng dọc theo bờ ruộng có chung đặc điểm là màu sắc rực rỡ, ít tốn công chăm sóc và khả năng tăng trưởng tốt, chủ yếu là soi nháy, đậu bắp, đậu xanh, mè, hoa cúc… được trồng trước khi gieo sạ từ 10 - 15 ngày để đảm bảo hoa được nở và thu hút được thiên địch. Hoa có xuyên suốt từ 50 - 60 ngày và sau đó được trồng lại cho vụ tiếp theo. 

Để nâng cao hiệu quả trong SX lúa nếp ông Thiệt thường xuyên tham gia các lớp tập huấn IPM, “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”... do Trạm BVTV huyện Phú Tân tổ chức cho nông dân. Để cây lúa phát triển tốt ở mọi giai đoạn ông còn tiến hành làm đất, cày xới, sử dụng giống chất lượng, có tính chống chịu các loại sâu bệnh cao. 

Hiện nay, lúa của ông Thiệt đã hơn 65 ngày tuổi cây phát triển tốt, bộ lá xanh mượt, không bị bệnh tấn công, ước tính năng suất sẽ đạt từ 800 - 900 kg/công.

 Ông Thiệt cho biết thêm, làm lúa rất ngại rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá và vàng lá chín sớm. Nhưng hiện tại lúa đã sắp đòng trổ nhưng vẫn chưa sử dụng lần thuốc trị rầy, sâu hại lần nào vì mức độ gây hại trong ngưỡng cho phép, không đáng kể. Mô hình này có thể giúp gia đình vừa tiết kiệm được giống, tiền bơm nước, thuốc BVTV... lợi nhuận cao hơn khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ha so với ruộng bình thường.

img

Ông Thiệt đang kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa

  Hướng tới nền SX lúa sạch, chất lượng hạt gạo tốt và bền vững với môi trường, ông Thiệt sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CNST kết hợp “1 phải, 5 giảm” trên diện tích 10ha còn lại của gia đình ông. Bằng những nỗ lực và niềm đam mê đồng ruộng, ông Thiệt đã xuất sắc giành về cho mình giải Nhì cuộc thi Nông dân tham gia ứng dụng CNST do tỉnh An Giang tổ chức.

Lê Hoàng- Hồng Ngự (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem