Hai lão nông vì “nước” quên thân, vì dân chống hạn

Trần Đáng Thứ năm, ngày 05/05/2016 13:30 PM (GMT+7)
Bức xúc trước việc hàng chục ha tiêu sẽ chết khô dưới nắng hạn khốc liệt, hai lão nông ở ấp Chà Rang (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tự bỏ nửa tỷ đồng tiền túi “dẫn thủy nhập điền”, giúp dân chống hạn.
Bình luận 0

Mùa này về Chà Rang chẳng khác nào đi hành xác. Vậy mà giữa trưa nắng cháy da, hai lão nông Trần Cao Thắng, Nguyễn Đăng Công vẫn đầu trần hì hục kéo từng mét ống đi lắp đặt.

Kề vai sát cánh

Nhìn ông Công và ông Thắng bặm môi, phùng má hì hục kéo cái ống nước đen sì, to đùng, dài ngoằng mà chúng tôi không khỏi phì cười. “Quân ngũ đâu mà chỉ có hai ông làm, kiểu này chưa làm xong hệ thống tưới tiêu thì cây tiêu chỉ còn cái xác khô” - tôi đùa. Ông Công cười khì: “Nay mai sẽ xong thôi, chỉ còn đoạn ống này là chưa lắp. Kế hoạch là khoảng vài ngày nữa sẽ có nước chảy phà phà để bà con xài”.

img

Ông Nguyễn Đăng Công (trái) và ông Trần Cao Thắng hì hục kéo những đoạn ống cuối cùng
để hoàn thành hệ thống tưới tiêu. Ảnh: Trần Đáng

Hệ thống tưới tiêu của hai lão nông Trần Cao Thắng và Nguyễn Đăng Công rất thiết thực và hữu ích, giúp bà con nông dân có đủ nước tưới tiêu trong mùa nắng hạn khốc liệt. Tôi rất ủng hộ việc nhân rộng mô hình này khi địa phương có điều kiện. Hiện tôi đang tính đến việc đề xuất Hội khen thưởng hai lão nông này”.

Ông Lê Hữu Thiện –  Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai

“Phà phà” đâu chưa thấy chỉ biết hơn tháng nay hai lão nông này “cày như trâu” để có hệ thống tưới nước cho bà con nông dân trồng tiêu sử dụng trước cơn đại hạn. 50ha tiêu của bà con trong câu lạc bộ (CLB) tiêu năng suất cao ấp Chà Rang giờ chờ hệ thống này hoàn thành từng phút, từng giờ. Hiện, một số vườn tiêu trong CLB đã khô nước. Họ đang trắng đêm kéo ống đi xin nước từ những vườn còn nước để tưới đắp đổi cho vườn tiêu của mình.

Ông Thắng bảo, ông đau cho vườn tiêu 5ha của mình bao nhiêu thì xót cho hàng chục ha tiêu của bà con trong CLB đang lần lượt đổ gục bấy nhiêu nên đã cùng ngồi bàn với ông Công xây dựng hệ thống tưới tiêu (nhà ông Công cũng có 3ha tiêu). “Tính nát óc rồi, nếu kêu gọi bà con hùn vốn thì biết chừng nào làm cho xong. Thôi thì, mỗi anh em chúng tôi bỏ một nửa tiền làm trước. Xem như năm nay mình thất mùa một tấn hạt tiêu vậy mà” - ông Công tâm sự.

Quan điểm của hai lão nông này là việc dẫn nước nhập điền trước tiên để cứu chính mình, cùng lúc đó là cứu bà con nông dân. Khi bỏ vốn ra, họ cũng không nghĩ đến chuyện thu hồi mà chỉ mong sao có nước để cứu cây tiêu cho bà con nông dân. Nó xuất phát từ thực tiễn, nếu không có nước tưới chắc chắn 50ha trong CLB tiêu năng suất cao năm nay sẽ thiệt hại nặng nề. Cứ tính, với năng suất bình quân 3 tấn/ha, giá hiện nay là 160.000 đồng/kg tiêu, nếu không có nước tưới, tiêu chết, CLB này thiệt hại hơn 10 tỷ đồng/năm.

Vấn đề là nếu tiêu chết sẽ không phải thiệt hại 1 năm mà có thể kéo dài 4 - 5 năm sau. Vì khi tiêu chết nông dân sẽ phải trồng lại. “Nói thật, chuyện bỏ ra nửa tỷ đồng với chúng tôi là lớn thật, nhưng cái được lớn hơn nhiều” - ông Thắng chia sẻ.

Ngồi vân vê cái ống nước đen sì, ông Công thủ thỉ, hiện nông dân thuê khoan một giếng nước mất khoảng 20 triệu đồng. Ở đây có nhà đã khoan đến 5 - 6 cái để tưới tiêu. Nếu may mắn khoan có nước thì tốt, còn không xem như mất trắng tiền. Khả năng mỗi giếng khoan chỉ lấy được 2- 3m3 nước/giờ, cộng thêm tiền điện thì chi quá lớn. Nếu có hệ thống tưới tiêu, tính ra 1ha tưới/lần mất khoảng 120m3 nước, nếu giá nước có là 4.000 – 5.000 đồng/m3, cũng chỉ mất khoảng 600.000 đồng. Từ đây đến khi có mưa chỉ còn hơn 1 tháng nữa, vườn tiêu chỉ còn tưới 3 – 4 lần, vậy nông dân chỉ mất khoảng 2 triệu đồng, một chi phí quá rẻ so với khoan một cây nước.

img

Hai người bạn “kề vai sát cánh” Nguyễn Đăng Công (phải) và Trần Cao Thắng giúp bà con
nông dân có nước tưới cây chống hạn.  Ảnh: Trần Đáng

Dám nghĩ, dám làm, hai lão nông này bỏ tiền túi nửa tỷ đồng làm hệ thống tưới tiêu dài 3,7km lấy nước từ sông La Ngà về tới CLB tiêu năng suất cao ấp Chà Rang. Do tải nước ở cự ly khá xa, hai lão nông này phải đầu tư 3 máy bơm nước công suất 2.800 CV để bơm chuyền. Theo đó, nước được dẫn về bể chứa khoảng 500m3, từ đây người nông dân sẽ bơm hút về tưới cây. Theo tính toán, mỗi giờ hệ thống này sẽ lấy được 30m3 nước, chi phí là 3.000 đồng/m3.

Người đi tiên phong luôn gặp khó

“Lúc đầu chúng tôi nghĩ đơn giản lắm, cứ đặt ống xuống sông La Ngà rồi lấy nước về cho bà con tưới cây, nhưng đâu nghĩ rắc rối đến vậy” - ông Công trần tình về những khó khăn.

Giờ hai ông vừa làm vừa phải lo thủ tục giấy tờ xin phép chính quyền xã, huyện. Thật ra, các cấp chính quyền đều ủng hộ việc làm của hai ông, nhưng làm phải có quy trình thủ tục xin phép. “Vừa rồi, chúng tôi đã làm tờ trình xin kéo ống ngầm, nhất là qua đường giao thông chính. Chủ tịch UBND  huyện Xuân Lộc chấp nhận nhưng lại không có văn bản. Thế là, phòng công thương huyện có ý kiến. Chúng tôi lại trình phòng công thương và họ đồng ý. UBND huyện giao cho phòng nông nghiệp giám sát, phối hợp làm với chúng tôi” - ông Công cho biết.

 Chúng tôi đã được chứng kiến việc ông Phó trưởng phòng sản xuất – dạy nghề của Cơ sở Cai nghiện ma túy Đồng Nai Đỗ Văn Hòe góp ý việc hai lão nông cho kéo ống nước qua đất của cơ sở mà chưa hoàn thành thủ tục xin phép. Theo ông Hòe, ông hoàn toàn ủng hộ việc làm hệ thống tưới tiêu giúp bà con nông dân chống hạn, nhưng hiện hai lão nông chỉ được phép để ống lộ thiên, đến khi nào hoàn thành thủ tục mới được chôn ống xuống đất.

“Khó khăn mấy anh em tôi cũng sẽ quyết tâm làm cho xong hệ thống tưới tiêu này. Hệ thống này không chỉ phục vụ năm nay mà còn nhiều năm nữa, khi tình hình khô hạn ngày càng khốc liệt. Thậm chí, nếu có thể chúng tôi sẽ làm cả trạm bơm thủy lợi phục vụ bà con với quy mô lớn hơn. Anh em chúng tôi đang muốn trở thành nhân tố thúc đẩy, khai thác tiềm năng nước sông La Ngà phục vụ sản xuất. Tất nhiên, người đi tiên phong bao giờ cũng khó” - ông Thắng bộc bạch.

Có thể thấy, nông nghiệp ở xã Suối Cao có ưu thế lớn so với một số xã khác trong huyện Xuân Lộc, đó là có một đoạn sông La Ngà đi qua địa bàn xã dài hơn 5km. Nhưng, hiện địa phương chưa khai thác nguồn nước này đúng tiềm năng. Nếu làm được điều này, đời sống bà con sẽ phát triển nhanh.

Hôm hai lão nông khởi công đặt ống ngầm, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận và các ban ngành huyện đã đến xem và tỏ ra khá hứng thú với hệ thống tưới tiêu này.

Trước mắt, khi hoàn thành hệ thống tưới tiêu, hai lão nông sẽ ưu tiên phục vụ nước cho những hộ cần nước tưới gấp để giữ vườn tiêu khỏi chết. Mỗi hộ phải đăng ký thời gian lấy nước để hai lão nông biết mà chủ động cung cấp, cũng như tránh phục vụ tràn lan, không công bằng trong lúc cần kíp. “Nếu nước trên rẫy quá kiệt, chúng tôi sẽ bơm 24/24 giờ” - ông Công quả quyết. 

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem