Hiệu quả của phân bón Văn Điển với cà phê vối Tây Nguyên

PGS-TS Mai Quang Vinh(lược trích kết quả nghiên cứu của TS Trương Hồng - Viện KHKT NLN Tây Nguyên) Thứ hai, ngày 11/05/2015 11:14 AM (GMT+7)
Kết quả nghiên cứu trong suốt 23 năm (từ 1990 – 2013) của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy bón lân nung chảy Văn Điển có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện rất rõ dinh dưỡng đất trồng cà phê. 
Bình luận 0

Duy trì chất lượng đất

Bón phân lân nung chảy Văn Điển có tác dụng duy trì chất lượng đất thông qua các chỉ tiêu như pH KCl, can xi, magiê trao đổi, dung tích hấp thu hiệu dụng; trong khi đó bón lân ở dạng phân hỗn hợp thì các chỉ tiêu chất lượng đất có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể giải thích rằng do lân nung chảy Văn Điển có hàm lượng CaO và MgO khá cao (28 - 30% CaO và 17 - 20% MgO) nên bón vào đất nhiều năm có tác dụng hạn chế sự chua hóa của đất, cải thiện tình trạng các cation trao đổi Ca++ và Mg++ trong đất, góp phần duy trì chất lượng của đất. Các nhà khoa học khuyến cáo, lượng lân nung chảy Văn Điển bón cho cà phê trên đất đỏ bazan từ 80 - 100kg P2O5 và đất xám từ 120 - 150kg P2O5/ha là phù hợp.

img
Phân lân Văn Điển có nhiều yếu tố phù hợp với cà phê Tây Nguyên. IT
Hiệu lực khi bón phối hợp lân nung chảy (LNC) với phân chuồng: Trên đất bazan, hiệu suất của 1kg P2O5 (dạng LNC Văn Điển) tăng khi bón trên nền phân chuồng. Ở nền phân chuồng, bón 1kg P2O5 đạt được từ 31,6 - 33,0kg cà phê nhân; tăng từ 10,7 - 11,22 % so với đối chứng. Trên đất xám gnai, bón phân chuồng thì hiệu suất 1kg P2O5 đạt từ 29,5 - 31,7kg cà phê nhân, tăng từ 12,13 - 30,04%. Như vậy đối với đất xám gnai, xét về giá trị tương đối thì bón lân nung chảy Văn Điển trên nền phân chuồng có hiệu quả cao hơn so với đất bazan. Bón phân chuồng với lượng 20 tấn/ha thì hiệu suất của 1kg LNC Văn Điển luôn cao hơn so với trên nền bón phân chuồng 10 tấn/ha. Hiệu lực của LNC khi bón phối hợp với kali và đạm urê: Trên đất xám gnai, công thức cho năng suất cao nhất khi bón 150kg P2O5/ha, đạt 3,22 tấn nhân/ha (nếu được bón với tỷ lệ N: P2O5:K2O là 1,7:1:1,7) và giảm dần khi bón tăng lượng lân 200kg P2O5/ha. Hiệu suất 1kg P2O5 đạt cao nhất ở công thức bón 50 kg P2O5/ha (57,6 kg cà phê nhân) và thấp nhất ở công thức bón 200kg P2O5/ha (15,9kg cà phê nhân/kg P2O5).

 

Bón LNC Văn Điển có tác dụng duy trì chất lượng đất trồng cà phê sau nhiều năm canh tác. Bón LNC trên nền phân chuồng đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân lân. Lượng LNC Văn Điển bón cho cà phê trên đất bazan từ 80 - 100kg P2O5/ha và trên đất xám gnai từ 100 - 120kg P2O5/ha là phù hợp.

Thích hợp bón cho cà phê Tây Nguyên

Kết quả điều tra trên diện rộng cho thấy, đối với cà phê vối kinh doanh, bà con chỉ cần bón lượng LNC trung bình từ 70 - 100kg lân nguyên chất P2O5/ha (462 – 660kg lân quy đổi/ha) là đã có thể đảm bảo năng suất 4 - 5 tấn nhân/ha với điều kiện là tỷ lệ phân đạm và kali là cân đối (N/K2O khoảng 1). Việc bón một lượng lân cao không ảnh hưởng rõ đến năng suất cà phê. Các tính toán cho thấy hiện tại nông dân bón lân cho cà phê thừa trung bình 40kg P2O5/ha (so với mức năng suất đạt được).

Với tác dụng rất rõ rệt của lân nung chảy, đã có khoảng 50% số hộ sử dụng loại lân này để bón cho cà phê. Đăk Lăk có số hộ sử dụng phân lân nung chảy bón cho cà phê là cao nhất với 53,5%; tỉnh Lâm Đồng có số hộ bón phân lân nung chảy là thấp nhất chỉ chiếm 30,2% số hộ điều tra. Trong tổng số hộ sử dụng lân đơn (Ninh Bình, Văn Điển, supe...) thì có 54,5% số hộ sử dụng lân nung chảy Văn Điển để bón cho cà phê, số còn lại là phân lân khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem