Biến hành động tuân thủ giao thông thành "phản xạ có điều kiện" (Bài 4)

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 26/04/2023 13:17 PM (GMT+7)
Để an toàn giao thông đạt hiệu quả tích cực hơn, các chuyên gia cho rằng cần hành động đồng thời của cơ quan chức năng tổ chức, đoàn thể và các cá nhân. Đặc biệt là xây dựng phương pháp giáo dục trực tiếp tới lớp học sinh, sinh viên.
Bình luận 0

Tránh thờ ơ, "khoán trắng" kiểm soát an toàn giao thông cho lực lượng chuyên trách

Những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông và hậu quả vẫn ở mức cao. Tính riêng trong Quý I năm 2023, toàn quốc có đến gần 3 nghìn vụ tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ gây ra hậu quả thảm khốc, thương tâm. Số nạn nhân tai nạn giao thông đang trong độ tuổi lao động gây tổn thương cho cả gia đình người bị nạn và xã hội.

Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 nêu rõ về vấn đề trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Trong đó, tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe còn bị một bộ phận người dân xem nhẹ, dù đã được cảnh bảo gây an nguy của người tham gia giao thông.

Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe là hai trong những nguyên nhân cố hữu khiến một bộ phận người dân "nhờn luật". Mặt khác, tồn tại sự thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có nơi còn "khoán trắng" cho các lực lượng chuyên trách.

Biến hành động tuân thủ giao thông thành "phản xạ có điều kiện" - Ảnh 1.

Chỉ riêng lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ không đủ để kiểm soát hết vi phạm diễn ra thường ngày

Chia sẻ với phóng viên về những giải pháp xây dựng khung ý thức của người tham gia giao thông, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội Tạ Đức Giang cho rằng, song song với đẩy mạnh công tác xử lý, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của cả các đoàn thể xã hội để nâng cao nhận thức người tham gia giao thông.

Ông Tạ Đức Giang nhận định, các đơn vị chức năng được giao chức năng nhiệm vụ thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, nòng cốt là 2 ngành là giao thông vận tải liên quan hạ tầng, và lực lượng Công an trực tiếp tuần tra xử phạt. Tuy nhiên, để xây dựng nền tảng tư duy xã hội, Ban An toàn giao thông thường xuyên tham mưu UBND thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng đều phải vào cuộc. Không chỉ riêng lực lượng cảnh sát giao thông, mà lực lượng Thanh tra giao thông, công an các quận huyện, xã phường đều phải có biện pháp xử lý theo chức năng được giao. Đồng thời là cả các đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ quy tắc, quy định khi tham gia giao thông.

"Ví dụ như công tác xử lý nồng độ cồn trong thời gian vừa qua, công tác kiểm soát, xử lý được kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền, phổ biến đã tạo ra hiệu ứng xã hội tốt. Chúng ta có thể nhận thấy người dân dần hình thành tư duy đã uống rượu, bia là không lái xe", ông Tạ Đức Giang chia sẻ.

Xây dựng lớp ý thức mới trong tham gia giao thông

Cũng liên quan đến việc ý thức của bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, chia sẻ với phóng viên, Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, bên cạnh những lỗi vi phạm có mức xử phạt rất nặng, thì thực tế hiện nay cho thấy người dân vẫn đang bỏ qua những lỗi vi phạm bị cho là nhỏ nhưng tiềm ẩn vô vàn nguy cơ về tai nạn. 

Có thể đưa ra vài ví dụ đơn giản như tình trạng vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, lấn làn, đi kiểu "điền vào chỗ trống" xảy ra hầu hết trên các tuyến đường. Nhất là khi không có sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát giao thông. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm chỉ vì một phút chủ quan, lơ là. Ngay ở mức độ nhẹ hơn, cũng có nhiều vụ xô xát, mất trật tự công cộng chỉ vì người dân không có ý thức tuân thủ khi tham gia giao thông.

Đáng lưu tâm, tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ, từ đầu năm chưa hề thuyên giảm. Mà những vụ việc xảy ra đều có nguyên nhân từ ý thức rất kém, tồn tại cố hữu trong thói quen của người điều khiển phương tiện nên không nhận thức được hành vi vi phạm, cũng như lối ứng xử không đúng mực.

Do đó, Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, ý thức rất cao của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông là điều kiện bắt buộc nếu muốn giảm đi nguy cơ tai nạn. Cùng đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng buộc phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Biến hành động tuân thủ giao thông thành "phản xạ có điều kiện" - Ảnh 2.

Biến hành động tuân thủ giao thông thành "phản xạ có điều kiện".

Phó Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông thành phố Hà Nội Tạ Đức Giang bổ sung thêm, thứ nhất là tuyên truyền, phát triển vai trò của mạng xã hội, của báo chí. Thứ 2, công tác tuyên truyền, phổ biến cần đặc biệt nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên trên nguyên tắc kết hợp giữa nhà trường, gia đình, bố mẹ. Bởi đây là lứa tuổi mới bắt đầu tham gia giao thông, là một "lớp ý thức thức mới" còn chưa hằn sâu những thói quen xấu khi lái xe nên dễ hình thành ý thức tuân thủ, thành phản xạ có điều kiện.

Tại Chỉ thị số 10, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác thực hiện trên quan điểm mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông.

Đồng thời xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm tai nạn giao thông đường bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dự luận.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, "cơi nới" thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…

Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem