Biến lì xì thành việc "trả nợ' sẽ làm hoen ố thế hệ tương lai

Tiến sĩ Nguyễn Đồng Hải (từ Bratislava, Slovakia) Thứ sáu, ngày 27/01/2017 06:50 AM (GMT+7)
Lì xì một chút tiền cho con trẻ để động viên kích lệ các cháu cố gắng học tập, phấn đấu hoặc biếu người già một chút tiền trong năm mới để thể hiện sự kính trọng, biết ơn là việc nên làm. Nhưng nếu biến nó thành một cơ hội để "mua bán", trả nợ nhau thông qua việc lì xì thì thật đáng buồn.
Bình luận 0

Đến nay đã là thế hệ thứ ba và không ít người đã xa tổ quốc ba, bốn chục năm, nhưng cộng đồng người Việt ở Slovakia vẫn giữ nguyên phong tục của Tết cổ truyền Việt Nam.

img

Lì xì là một mĩ tục đẹp của người Việt. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Bên cạnh buổi liên hoan do Hội người Việt tổ chức thì trong mỗi gia đình cũng nhộn nhịp không khí chuẩn bị đón đón xuân, vui Tết. Dẫu không được như ở Việt Nam, nhưng  mâm cỗ cúng Giao thừa trong mỗi gia đình bao giờ cũng có gà trống, bánh chưng, canh măng… Ngày Tết không phải là ngày nghỉ nhưng mọi người vẫn dành thời gian đi thăm hỏi, chúc Tết anh em, bè bạn, lì xì cho con trẻ  - Tết Việt đã trở thành nét văn hóa độc đáo, làm cho tình cảm cộng đồng người Việt thêm gắn kết.

Tuy nhiên từ việc ăn uống đến quà chúc Tết của người Việt ở nước ngoài lại rất đơn giản, mang đậm ý nghĩa văn hóa tinh thần, vậy mà gặp nhau ai cũng bồi hồi, xúc động.

Cách đây mấy năm, có dịp về quê ăn Tết, tôi thấy cỗ bàn linh đình quá, mà kéo dài hàng chục ngày liền. Vui vì thấy dân mình giờ đây giàu có, no đủ. Nhưng quả thật cũng rất mệt mỏi vì đi đâu cũng chúc tụng, ép nhau uống, rồi hò hét một, hai, ba “ZÔ”… nhất là chuyện lì xì.

Bên cạnh những phong bao đỏ rất đẹp với vài ba chục, nghìn đồng lì xì cho con trẻ, tôi rất ngạc nhiên có người bỏ vào phong bao hàng ngàn USD để lì xì. Thậm chí có lần, tôi thấy anh bạn của mình (làm giám đốc một doanh nghiệp) còn cho một số tiền lớn vào trong phong bì rồi kẹp trong lẵng quà đi chúc Tết.

img

Tiến sĩ Nguyễn Đồng Hải.

Thấy vậy tôi hỏi sao chúc Tết hoành tráng thế? Bạn tôi bảo, làm ăn cả thôi, rồi tủm tỉm cười một cách khó hiểu.

Hóa ra đó lại là sự trao đổi chứ đâu còn là chúc mừng nhau. Điều này thì khác xa với người Việt ở nước ngoài, ở đây mọi người đến chúc nhau, lì xì vừa là tình cảm, vừa là giữ phong tục tập quán để con cháu học tập, gắn kết nhau.

Tết đến, một số gia đình là bạn bè thân thiết gặp gỡ ăn với nhau bữa cơm mừng năm mới. Khách đến thường thì mang theo chai rượu, nếu lì xì cho các cháu thì chỉ 5 hoặc 10 Ero, mang tính tượng trưng. Thậm chí không cần lì xì hay quà tặng nhưng có những món quà để lại trong nhau tình cảm rất sâu lắng. 

Cách đây bảy năm, tôi có một anh bạn từ Việt Nam sang đây công tác. Lần đầu tiên anh ấy sống ở nước ngoài, lại mới đến nên không có người thân, anh em bè bạn. Hơn nữa anh ấy là người hoài cổ nên tôi biết trong ngày Tết anh ấy sẽ không tránh được cảm giác hẫng hụt.

Đúng giao thừa, tôi gửi cho ấy một cái tin nhắn “Năm mới, chúc anh và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công”. Ngay lập tức anh ấy nhắn lại “Cảm ơn anh, nhờ có tin nhắn của anh bây giờ tôi mới thấy mình có Tết”. Và có lần tôi đến gia đình anh ấy chơi, anh ấy khen cái áo khoác của tôi đẹp. Tôi tặng luôn. Bây giờ anh ấy đã trở về Việt Nam, xa nhau đã ba bốn bốn năm rồi, nhưng câu chuyện về tin nhắn của tôi đêm Giao thừa, năm nào anh ấy cũng nhắc lại với tôi khi Tết đến. Và thỉnh thoảng anh ấy lại nhắn cho tôi: “Hôm nay mặc cái áo lại nhớ bác Hải”.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tít bài do Dân Việt đặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem