Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Ngư dân từng được vinh danh giờ ra khỏi nhà do ngân hàng siết nợ

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 20/11/2023 13:32 PM (GMT+7)
Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nêu thực tế này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về Nghị định 67, sáng 20/11.
Bình luận 0

Ngư dân "ngụp lặn" trong đống nợ

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 20/11, trước thông tin đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu "ngư dân thoi thóp ngụp lặn trong đống nợ ngân hàng thương mại", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định 67 sửa đổi và đã trình với Chính phủ.

"Giao dịch ngân hàng với chủ tàu đó  là giao dịch kinh tế dân sự. Bây giờ những vấn đề phát sinh chúng tôi cũng rất cảm xúc khi có hình ảnh những người ngư dân ngày xưa là những người được vinh danh bây giờ trở thành những người phải ra khỏi nhà do ngân hàng siết nợ", Bộ trưởng NNPTNT tâm tư. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Ngư dân từng được vinh danh giờ ra khỏi nhà do ngân hàng siết nợ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về Nghị định 67. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Hoan, đây là câu chuyện phức tạp không chỉ của Bộ NNPTNT, không chỉ là của một cơ chế, chính sách của Chính phủ. 

Liên quan tới Đề án 67 về đóng tàu, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ câu chuyện khi ông đi khảo sát ở các địa phương, người dân nói rất thật là không phải tất cả các chủ tàu đều không trả nợ được; nhưng không ai trả nợ khi có những chủ tàu không trả nợ, tức là người này dắt dây người kia và chờ đợi nhau.

"Thật sự có những người chủ tàu bị lâm vào cảnh nợ nần nhưng đây là câu chuyện giữa ngân hàng với các chủ tàu. Nghị định 67 sửa đổi chỉ hướng tới một điều khi chủ tàu không còn khả năng có thể bán tàu cho người khác thì tôi đề nghị ngân hàng tái cấu trúc lại nợ", ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ vấn đề "không nói ra thì cũng rất khó", đó là ngay tài sản thế chấp là chiếc tàu đóng từ Nghị định 67 với các khoản vay của ngân hàng chênh lệch rất nhiều. Vì vậy, khi các ngân hàng phát mại những chiếc tàu đó thì giá trị thật không còn như ban đầu. Người dân nói ngày xưa chúng tôi vay bao nhiêu thì bây giờ ngân hàng phải ghi bằng ngần đó", nhưng thực tế ngân hàng sẽ định giá giá trị thực của con tàu ở thời điểm hiện tại. 

Để tháo gỡ vấn đề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Quảng Nam cùng với ngân hàng, địa phương ngồi với từng một trường hợp cho vay một bởi không thể có một chính sách bao trùm được hết, nếu không lại một lần nữa những đối tượng thực sự sẽ không tiếp cận được chính sách. 

Ông Hoan cũng bày tỏ lo ngại, có thể sẽ xảy ra tình huống lợi dụng chính sách, bởi ngay câu chuyện bình chọn đối tượng tham gia vào Nghị định 67 để đóng tàu cũng đã có những vấn đề "không rõ ràng, không minh bạch".

Đã hoàn thiện nghị định riêng về hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục

Liên quan tới cơ chế hỗ trợ cho bà con chăn nuôi do dịch bệnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, câu chuyện xoay quanh Nghị định 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiên tai, dịch bệnh. 

Đây là một nghị định bao trùm cả dịch bệnh và cả thiên tai, ngành nông nghiệp không chỉ là chăn nuôi mà là trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, doanh nhân. 

Do phạm vi của Nghị định rất rộng, gần như liên quan đến tất cả các ngành của lĩnh vực nông nghiệp nên Bộ NNPTNT đã kiến nghị với Thủ tướng sửa đổi Nghị định 02 để cập nhật được những tình hình mới, bối cảnh mới. 

Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghị định cũng liên quan tới cân đối nguồn lực Nhà nước và rất nhiều bộ, ngành khác nên thời gian sửa đổi bị kéo dài.

Theo ông Hoan, việc sửa đổi Nghị định hướng tới tránh lợi dụng chính sách nhưng cũng không làm khó đối tượng thụ hưởng. Chính sách này không phải chỉ cho người nông dân bị thiệt hại trong dịch bệnh mà cho cả cán bộ tham gia chống dịch cũng như sự an toàn cho cán bộ tham gia, những chính sách đó đủ rõ, đủ minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận. 

"Trong thời gian vừa qua, không ít chính sách của lĩnh vực nông nghiệp, bà con nông dân nói rằng có chính sách thì hay nhưng tiếp cận nó quá khó khăn, quá nhiều điều kiện. Thành ra tôi cũng mong muốn đại biểu Quốc hội chia sẻ thêm, một chính sách cần đến nguồn lực và chính sách đó vừa phải đảm bảo được là không bị lợi dụng chính sách và không khó tiếp cận cho bà con nông dân là những đối tượng chúng ta muốn hướng tới, do đó có sự lúng túng nhất định trong xây dựng chính sách", ông Hoan nói.

Vị Bộ trưởng cho biết, Bộ NNPTNT đã đề nghị 2 phương án và được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thống nhất cho hoàn thiện nghị định riêng về hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục để đáp ứng kịp thời sự bức xúc của bà con trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cũng sửa đổi Nghị định 02 để hướng tới một nghị định bao trùm hơn về chính sách hỗ trợ nông dân trong bối cảnh có rất nhiều diễn biến về thị trường, về thiên tai, dịch bệnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem