Bộ trưởng Bộ Y tế: Đề nghị có Ủy ban đấu giá quốc gia về thuốc

Thứ ba, ngày 13/11/2012 16:18 PM (GMT+7)
Dân Việt - Về giải pháp quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia gồm 3 bộ Công thương, Tài chính, Y tế và BHXH… chọn giá thấp nhất và áp dụng thống nhất trong cả nước.
Bình luận 0
img
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 13.11

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 13.11, sau phần trả lời của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, đến lượt Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ y tế khá dàn trải, dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chủ đề mà Quốc hội quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh và trách nhiệm của Bộ Y tế; vấn đề thứ 2 là giá thuốc, viện phí; thứ 3 là An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đầu tiên là ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình). Ông đặt câu hỏi về việc quy định mức trần khám chữa bệnh cho tuyến dưới mà không quy định cho tuyến trên, gây quá tải tuyến trên. Ví dụ BV tuyến huyện cấp 7,2 tỷ đồng - trả cho tuyến TƯ 3,5 tỷ và trả cho BV tỉnh 3,3 tỷ. Còn lại 600 triệu đồng chi trả cho số còn lại, BV phải phụ thu thêm của bệnh nhân, mua thuốc rẻ…

Các đại biểu khác là ĐB Huỳnh Tấn Dương (Hải Dương), Trương Văn Vở (Đồng Nai), Chu Sơn Hà (Hà Nội)… tập trung chất vấn về tình trạng thuốc đông y bị làm giả, rút bớt chất tràn lan thị trường; mất cân bằng giới tính; vấn đề nhập khẩu chất PSE - làm thuốc cúm nhưng cũng là nguyên liệu làm ma túy đá. Vì sao trong trường hợp bình thường lại cho nhập chất này? Vấn đề tiêu cực trong ngành y. Bộ trưởng phát động: “Cán bộ ngành y nói không với phong bì”, kết quả cuộc thực hiện này thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời không theo từng câu hỏi mà xin trả lời theo vấn đề: 1. Giá thuốc, 2. Chuyển tuyến, 3. Viện phí, 4. BHYT, 5. Quản lý tiền chất, 6. Ban hành quy phạm pháp luật có kịp thời không và 7. Y đức.

Về giá thuốc, Bộ trưởng Kim Tiến nhận định phản ánh của ĐB về giá chênh lệch giữa kết quả đấu thầu giá thuốc giữa BV và thị trường 10-15% hoặc hơn thế là chính xác. Nguyên nhân được chỉ ra là do thuốc lòng vòng qua các tầng lớp trung gian; công ty dược bắt tay với bác sĩ kê đơn các biệt dược, thuốc không cần thiết để ăn hoa hồng…

Sai phạm trong mức độ vừa phải thì có kiểm tra, sai phạm lớn thì có xử lý hình sự. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do quản lý nhà nước, thông tư 10/2007 có kẽ hở: không chia thuốc theo nguồn gốc thuốc (châu Âu, Mỹ thì khác với châu Á) nên trong quá trình đấu thầu có thuốc Trung Quốc nhưng giá lại của Mỹ. Thông tư cũng không quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc kê khai. Nguyên nhân sâu xa nữa là dùng nghị định đấu thầu như trang thiết bị… trong khi thuốc là hàng hóa đặc biệt.

Ngoài ra, BV, ngành y tế quản lý XNK, kê đơn nhưng đồng thời cũng quản lý giá nên "vừa đá bóng, vừa thổi còi". BV chỉ nên quản lý chuyên môn, đảm bảo đủ thuốc tới tay nhân dân… mà lại làm nhiệm vụ quản lý giá thì không phù hợp.

Về giải pháp thì Bộ Y tế phối hợp BHXH, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 01 thay thế thông tư 10: phân loại xuất xứ thuốc, quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá kê khai; ban hành thông tư 11 hướng dẫn hồ sơ mời thầu công khai nhất, và kê khai cả giá USD để đối chiếu tránh DN "té nước" theo giá USD, thông tư 50 về quản lý giá thuốc: giá trúng thầu phải thấp hơn giá kê khai.

Giá kê khai do Bộ Công thương, Y tế, Hải quan, tài chính… tham khảo giá quốc tế - giá ship (giá gốc chuyển về tới cảng) cho 17.000 loại thuốc. Các DN khi đấu thầu phải tham khảo danh mục này. Chúng tôi cũng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng thuốc Việt”- phối hợp với MTTQ để thực hiện… Ban hành thông tư về quy chế kê đơn: BS hạn chế dùng biệt dược mà phải kê tên gốc.

Các giải pháp này cũng chưa phải căn cơ, tận gốc mà sẽ tiếp tục thực hiện giá tối đa toàn chặng: quy định lãi suất, không thể nào vượt hơn. Luật Dược sắp tới chúng tôi muốn chuyển quản lý giá sang cơ quan khác và đề nghị thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia gồm 3 bộ Công thương, Tài chính, Y tế và BHXH… chọn giá thấp nhất và áp dụng thống nhất trong cả nước… Cả 3 biện pháp này đang xúc tiến làm, Luật thì phải chờ Quốc hội thông qua, phải tách bạch quản lý ngành với quản lý giá.

Về vấn đề chuyển tuyến: Bộ trưởng xác nhận bức xúc của ĐB là xác đáng, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi hết sức chia sẻ với BV tỉnh, huyện là chỉ cần chuyển 10 bệnh nhân nặng là đã hết cả quỹ rồi. Quy định vượt tuyến vẫn thanh toán 30% - làm quá tải BV tuyến TƯ, như BV Nhi đồng 1 quá tải thì có tới 40% là vượt tuyến. Chúng tôi đã làm việc với BHXH; bắt tay với nhau để cùng thắng, người hưởng lợi là bệnh nhân, sẽ điều chỉnh luật BHYT năm sau và xây dựng lộ trình BHYT toàn dân.

Về vấn đề tăng giá thuốc, Bộ trưởng Kim Tiến tiếp tục nhắc lại sự cần thiết phải tăng và cho rằng thông tư 04 điều chỉnh 447 giá dịch vụ là vấn đề nhạy cảm. Khi xây dựng, Bộ Y tế phải căn cứ vào Nghị quyết 46, Thông báo 37 của Bộ Chính trị… BHXH là người cầm quỹ tiền cũng phải thống nhất với việc này.

Bà nêu ví dụ: cắt Amidan chi 40.000 đồng, trong khi thực chi là 350.000 đồng, có gây mê là 700.000 đồng. Nếu tính như giá cũ thì bệnh nhân phải chi toàn bộ phần chênh lệch, không tăng thì bệnh nhân cũng không tha thiết tham gia BHYT… Phải tiến tới người bệnh chỉ vào BV điều trị, còn việc thanh toán thì chỉ thực hiện giữa cơ quan thanh toán là BHXH với cơ sở điều trị là BV.

“Với các cơ sở khám chữa bệnh, chúng tôi họp với BV từ tuyến huyện tới tuyến TƯ, nếu Bộ trưởng không thay đổi thì rất khó: mỗi lần tăng lương là đầu tôi bạc thêm một lần; BV tự ăn vào người, BV nhếch nhác… Nếu kéo dài BV công không thể tồn tại được”- Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Tuy nhiên, về chất lượng khám chữa bệnh, bà Tiến cho rằng không thể tăng một sớm một chiều. 

Về tình trạng mất cân bằng giới tính, Bộ trưởng đánh giá tình trạng này ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, nặng nề nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng, nhẹ hơn là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc chọn không còn là chọn ở con thứ 3 mà chọn ngay từ con thứ nhất, thứ hai. Phương pháp mới có thể phát hiện giới tính thai nhi khi 2 tuần tuổi.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải nhập khẩu phụ nữ, dẫn tới tình trạng buôn bán phụ nữ. Nguyên nhân là nhiều đàn ông có tâm lý muốn có người nối dõi. Có nhiều quyết định về xử phạt nặng siêu âm để chọn giới tính. Chúng tôi đã đi 10 tỉnh có tỷ lệ giới tính tăng nhanh, đề nghị các ĐBQH cũng tham gia giám sát.

Về việc buôn bán tiền chất, Bộ trưởng cho biết tiền chất ấy để sản xuất Tiffy, Decolgen… nhưng có nhiều đối tượng thu gom thuốc này với số lượng lớn để sản xuất ra ma túy đá. Tháng 8.2011, 8 DN tố cáo Cục quản lý Dược cấp phép lớn hơn bình thường tiền chất PSE - thiên vị cho công ty tư nhân ở TP.HCM. Số liệu nhập gấp 4 tới 6 lần so với cùng kỳ, thanh tra Bộ vào cuộc nhưng không thấy vấn đề gì. Nhập lớn như vậy thì phải có nguyên nhân, đề nghị thanh tra chính phủ thành lập đoàn thanh tra, tháng 11.2011 đã có kết luận số 94. Trong thời gian đó, Bộ Y tế cũng không nhập PSE mà thay thế bằng chất khác. Thanh tra chính phủ có kết luận tố cáo không có cơ sở.

Không thể nói Bộ y tế buông lỏng quản lý, nếu phát hiện dùng tiền chất sản xuất thuốc mà làm ma túy đá thì hồi tố để xử.

Về vấn đề thuốc đông y độc hại và quản lý lương y có yếu tố nước ngoài: Về lương y thì có đầy đủ các văn bản, phối hợp với Bộ Công an, Bộ LĐTBXH cấp phép cho LĐ nước ngoài hành nghề. Tuy nhiên, những phòng khám này vì lợi nhuận nên vi phạm, thanh tra y tế thì ít mà phải thanh tra đủ thứ. Có bị phạt thì cũng nhẹ nên không răn đe. Hơn nữa việc kiểm soát khá phức tạp, nhiều vấn đề như: Bằng cấp của lương y thì phải do Bộ GD có công nhận bằng cấp tương đương không? Rồi khả năng phiên dịch của từng phòng khám.

Thuốc y học cổ truyền: 60% không đạt chất lượng theo dược điển. Mảng này là mảng hở, từ giai đoạn nuôi trồng tới lưu thông, phân phối, xử lý sao tẩm. Ngoài ra còn một lượng lớn đông dược nhập khẩu mà Bộ Công thương kiểm soát.

Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, dự kiến sẽ nâng Vụ Y học cổ truyển thành Cục Y học cổ truyền để tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Kim Tiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời thêm 6 đại biểu đặt câu hỏi và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng sẽ còn tiếp tục vào sáng mai 14.11.

>> Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phiên chất vấn sáng 14.11 trên Dân Việt (danviet.vn)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem