Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và thế hệ mai sau"

Minh Ngọc - Bùi My Thứ hai, ngày 01/04/2024 10:31 AM (GMT+7)
"Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và thế hệ mai sau, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc lại ngành hàng và ngư dân, HTX, doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bình luận 0

Sáng nay, 1/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì.

"Nếu muốn ai đó đóng chiếc tàu thì đừng xua họ lên rừng đốn gỗ, cũng đừng chỉ đạo họ làm gì mà hãy nói cho họ biết, vẻ đẹp của đại dương như thế nào thì tự khắc họ sẽ đóng tàu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu trong bài phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Sáng nay, 1/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh.

Bộ trưởng chia sẻ, hôm qua, thêm một lần nữa được "chạm" vào Quảng Ninh, từ Cô Tô, Vân Đồn, mặt biển… tất cả đều thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân, HTX quyết tâm tham gia vào nuôi biển... tối về tôi tổng kết lại cảm thấy niềm tin vào việc hiện thực hóa hóa mục tiêu Việt Nam trở thanh quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển.

Không ai tưởng tưởng được, chỉ trong hơn 1 năm, Quảng Ninh có thể chuyển đổi hơn 1 triệu chiếc phao xốp trên biển thành phao nhựa thân thiện với môi trường. Hai năm, Quảng Ninh có 125 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản được thành lập mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước khi làm gì thì chúng ta phải hình dung được không gian giá trị, "sứ mệnh của việc mình làm". Nếu nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển, kể cả giá trị hữu hình và vô hình từ biển.

"Nỗi đau của đại dương, đó là tài nguyên ngày càng cạn kiệt, tôi gặp bà ngư dân ở Hải Phòng, họ nói rằng đánh bắt bằng lưới ma, thuốc nổ, hóa chất... biết rằng làm như thế thì thế hệ mai sau sẽ không còn gì để ăn… nhưng không biết phải làm gì vì mấy thế hệ nhà tôi đã quen mùi gió biển, chúng tôi không bỏ biển được, vẫn phải ra khơi, vẫn phải khai thác", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoa chia sẻ tại hội nghị.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản, đó là: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển… nó vừa là kinh tế độc lập, nó tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bộ trưởng nói, hôm qua tôi gặp nhiều doanh nghiệp, mặc dù phải mất 6 năm mới được cấp phép nuôi biển nhưng họ rất quyết tâm mặc dù gặp nhiều khó khăn để nuôi biển.

Tôi vẫn hay nói rằng biển bao giờ cũng có sóng, nếu biển lặng thì sẽ không bao giờ có hoa tiêu… và chúng ta cùng nhau vượt sóng. Tại hội nghị ở Quảng Ninh hôm nay, cùng những quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chúng ta sẽ tự tin vượt sóng để biến chúng ta thanh bình hơn, tài nguyên của chúng ta tốt hơn.

Bộ trưởng cho rằng, nuôi biển phải mang lại sinh kế, thu nhập cho bà con ngư dân, doanh nghiệp và sự tăng trưởng của các địa phương. Tuy nhiên, nó chưa phải tổng hợp tất cả các mục tiêu của nuôi biển. Nuôi biển là "nuôi đại dương, đa sang sinh thái, đa dạng sinh học, giữ gìn, trả lại cho biển những gì khai thác quá mức".

"Bằng trí tuệ, tri thức chúng ta phải làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta, một khi khai thác kiệt quệ thì chúng ta kiệt quệ, biển sạch thì tâm hồn chúng ta sạch, biển giàu thì lòng chúng ta giàu, biển nghèo thì chúng ta nghèo, biển bẩn thì chúng ta bẩn… mỗi lời đó, thôi thúc chúng tôi cùng với Quảng Ninh để kết nối lại, mỗi người chúng ta trong hệ thống nuôi biển, hệ sinh thái có bền vững hay không là do những người tham gia vào hệ sinh thái đó, tham gia hành trình nuôi biển. Nếu bỏ qua vai trò của người dân, cộng đồng thì chúng ta sẽ thất bại, hoặc chậm, chúng ta phải cùng chia sẻ, thụ hưởng, chịu trách nhiệm với chính quyền", ông nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Mô hình nuôi biển của HTX nuôi trồng và dịch vụ thủy sản Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Minh Ngọc

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định: "Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và mai sau. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc lại ngành hàng và ngư dân, HTX, doanh nghiệp". Khi làm tốt sẽ hóa giải bài toán của các địa phương hiện nay là thủy sản đi đến đâu du lịch lùi xa đến đó, hoặc thủy sản mất dần đến đó, tại sao không tích hợp giá trị bằng cách nuôi cá giải trí, trải nghiệm du lịch nuôi biển...

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau Hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ nhanh chóng tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc đang làm chậm mục tiêu phát triển nuôi biển để cùng với các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ. 

"Tôi đọc tất cả các bài báo những ngày gần đây, từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân, địa phương đều có nhiều kiến nghị, gửi gắm. Chúng ta không khuyến khích bà con nuôi biển trong khi còn quá nhiều hàng rào trên biển. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật là còn nhiều vấn đề", ông nói.

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy nuôi biển đa loài hơn. Nếu như trước đây nuôi biển với hạn hẹp với chỉ con tôm, cá, mực… giá trị ở tầng thấp thì giờ đây có rong tảo biển, san hô, sá sùng…ở tầng cao hơn.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, khoa học công nghệ về nuôi trồng và nuôi biển công nghệ cao kèm theo chế biến sâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem