Bom nào thông minh hơn?

Thứ năm, ngày 07/06/2012 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay 2 loại bom thông minh tiên tiến nhất trên thế giới là bom SDB của Mỹ và KAB-250 của Nga. Đây là những loại bom thông minh cỡ nhỏ dùng để trang bị cho các máy bay chiến đấu tiên tiến.
Bình luận 0

"Tàu lượn" SDB

Bom thông minh hay còn gọi bom có điều khiển là một trong các loại vũ khí hàng không có điều khiển dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Bom có điều khiển là bom hàng không, được trang bị hệ dẫn và điều khiển.

img
SDB I GBU-39 trông như một chiếc tàu lượn

Bom SDB (Small Diameter Bomb - bom đường kính nhỏ) có khả năng xuyên qua các bức tường để tiêu diệt các hăng-ga và boongke bê tông cốt thép. Bom có cánh mở ra khi bay khiến nó trông như một chiếc tàu lượn nếu nhìn cận cảnh, những cặp cánh giúp chúng tăng rất nhiều tầm tiêu diệt mục tiêu. Bom được trang bị cho quân đội Mỹ từ tháng 9.2006. Tiêm kích thế hệ 5, tối tân nhất của Mỹ F-22A Raptor có thể mang 8 bom SDB treo trên giá treo đặc biệt trong khoang bom bên trong.

Biến thể được đưa vào trang bị đầu tiên cho quân đội Mỹ là SDB I (GBU-39). Bom có trọng lượng khá nhỏ, chỉ 130kg, đường kính gần 190mm, chiều dài gần 1,8m. Nếu so sánh với các bom thời Thế chiến II thì có thể thấy bom có trọng lượng và đường kính khá nhỏ, song lại dài hơn đáng kể. Bom có khả năng tiêu diệt khá chính xác các loại mục tiêu với sai số vòng tròn xác suất là 5-8m.

Độ chính xác đó đạt được nhờ hệ thống điều khiển trên khoang với các kênh quán tính và GPS. Các kênh quán tính có khả năng bảo đảm hoạt động trong điều kiện đối phương tiến hành chế áp vô tuyến điện tử cường độ cao. Tất cả chỉ nhằm đưa 17kg thuốc nổ mạnh đến mục tiêu một cách chính xác. Giá một quả bom này là 70.000 USD, bằng 2 lần thu nhập trung bình năm ở Mỹ.

img
KAB-250

SDB có thể trang bị cho các máy bay như: các máy bay ném bom B-52 Stratofortress, B-1 Lancer, B-2 Spirit, các tiêm kích F-15E Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II, cũng như cường kích A-10 Thunderbolt II.

Thế hệ tiếp theo của bom này là SDB II (GBU-40 của Boeing hay GBU-53 của Raytheon) có thêm hệ thống nhận dạng mục tiêu và sensor ảnh nhiệt, cho phép bom tiêu diệt cơ động như xe tăng và các phương tiện kỹ thuật mặt đất khác, trong thời tiết xấu. SDB II có giá khoảng 90.000USD/quả.

Tháng 8.2010, Không quân Mỹ (USAF) đã chọn GBU-53 và ký hợp đồng 450 triệu USD với Công ty Raytheon (Mỹ) để phát triển mẫu bom này. Raytheon đã chế tạo đầu tự dẫn 3 chế độ không làm lệnh cho bom SDB II. Trong quá trình thử nghiệm đầu tìm mới trong phòng thí nghiệm đã thu được các kết quả cao hơn tính toán. Đầu tìm gồm radar viba, sensor ảnh nhiệt không làm lạnh và sensor laser bán chủ động lắp cùng trên một khung cardan.

Đầu tìm tích hợp này có thể phân phối lại thông tin chỉ thị mục tiêu từ 3 sensor đó, cho phép bom tiêu diệt bất kể ngày đêm cả mục tiêu tĩnh và động trong thời tiết phức tạp. Theo các nhà thiết kế, trong quá trình thử nghiệm, sensor ảnh nhiệt không làm lạnh đã thể hiện các thông số tốt, vì thế người ta đã từ bỏ ý định lắp sensor ảnh nhiệt không làm lạnh đắt tiền hơn.

GBU-53 có kênh truyền dữ liệu mã hóa, cho phép tiêu diệt mục tiêu động. Kênh liên lạc đó cho phép điều khiển chuyển động của bom SDB nhờ mạng máy tính trên khoang. Khả năng này là một trong những cải tiến cơ bản cho SDB II, loại bom dự kiến chưa thể đưa vào sử dụng trong vài năm nữa.

KAB-250 của Nga

img
Máy bay thả bom SDB

KAB-250 là bom "thông minh", có tất cả các tính năng tiêu chuẩn cần thiết, đặc trưng cho cả bom không điều khiển thông thường, đồng thời là bom có điều khiển với hệ dẫn truyền hình hoặc hệ dẫn kết hợp vệ tinh và laser bán chủ động. Bom có đường kính chỉ là 225mm, chiều dài 3,2 m, trọng lượng 250kg, trong đó, 127kg là trọng lượng thuốc nổ. KAB-250 đủ nhỏ để lắp cả trong khoang bom bên trong, cũng như trên các mấu treo (khi cần mang nhiều bom hơn) dưới cánh của các tiêm kích-bom.

Bom này đã được giới thiệu tại Triển lãm hàng không MAKS-2011 vào tháng 8-2011. NPP Region không cung cấp thông tin chi tiết nào về KAB-250 nên ta chỉ có thể đoán về hiệu quả của bom này. Tuy nhiên, có thể dự đoán KAB-250 có hệ dẫn kết hợp vệ tinh và laser bán chủ động.

Đáng chú ý là thân bom dài có lẽ là được tối ưu hóa để bố trí trong các khoang vũ khí bên trong của máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA.

Cần lưu ý là các bom có điều khiển của Nga đều có hiệu quả tốt trong tiêu diệt cả mục tiêu mặt nước và dưới mặt nước nên có thể tiêu diệt "ngon ơ" tàu ngầm.

Ví dụ, bom có điều khiển Zagon-1 dùng để tiêu diệt tàu ngầm khi đang ở trạng thái nổi và lặn ở độ sâu đến 600m. Bom này có thể sử dụng hiệu quả chống mục tiêu tàu ngầm ở độ sâu đến 150m khi có sóng biển đến cấp 6, không hạn chế về khu vực trên đại dương thế giới.

Zagon-1 được sử dụng chủ yếu ở các vịnh hẹp, vịnh và các khu vực khó sử dụng các vũ khí có điều khiển khác. Khi tấn công tàu ngầm, bom được thả bằng dù. Khi tiếp nước, bom tách khỏi dù, chìm xuống nhờ trọng lực và tự chuyển động đến mục tiêu nhờ các hệ thủy âm chủ động định vị mục tiêu dưới mặt nước và điều khiển chuyển động.

Theo nhà sản xuất GNNP Region, Zagon-1 được chuẩn hóa để sử dụng cho các máy bay chống ngầm như Tu-142ME, Il-38 và các trực thăng chống ngầm như Ka-28...

Bom có điều khiển của Nga có ưu thế về tiêu chí giá cả/hiệu quả, đơn giản trong sản xuất và tin cậy, bền chắc trong khai thác. Các bom có điều khiển đang được sản xuất ở Nga không đòi hỏi bảo dưỡng kỹ thuật và kiểm soát đặc biệt.

Xét theo tiêu chí "chi phí/hiệu quả", bom có điều khiển Zagon-1 rất hấp dẫn vì nhờ công nghệ chế tạo đơn giản và tốt bền trong khai thác, bom này có giá rẻ. Khi cất giữ, bom này không đòi hỏi bảo dưỡng kỹ thuật và kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng của nó lại cao hơn mấy lần so với các bom chống ngầm bình thường.

Bom nào "khôn" hơn?

Việc so sánh trực tiếp các loại bom có điều khiển hiện đại của Nga và Mỹ là không cần thiết và vô ích vì đó là các vũ khí rất khác nhau.

Bom có điều khiển SDB của Mỹ về bản chất là đạn tên lửa không có động cơ, có khả năng vượt khoảng cách khá xa nhờ bay lượn. Chức năng chính của nó là tiêu diệt các boongke, sở chỉ huy, các tòa nhà bằng cách xuyên qua tường và nổ bên trong.

Còn bom có điều khiển của Nga thường rẻ hơn và giống hơn với các bom thường. Đồng thời, chúng có trọng lượng phần chiến đấu lớn hơn nhiều và bán kính sử dụng cũng nhỏ hơn nhiều (SDB của Mỹ có tầm 110 km, còn bom KAB-500 của Nga chỉ có tầm 9km). KAB-250 ra đời ngay sau bom cỡ nhỏ SDB GBU-39/B của USAF. Nhưng SDB có một số đặc điểm mà KAB-250 hiện không có.

SDB nặng 130kg và có giá gần 70.000USD. Tức là nó nhẹ và đắt hơn KAB-250. Cũng như KAB-250, SDB được phát triển trước hết như một bom "thông minh". Chỉ 5 năm trước, USAF cuối cùng đã đưa SDB vào sử dụng ở Iraq. SDB lẽ ra đã phải được sử dụng lần đầu tiên năm 2005, ngay sau khi nhận trang bị vào năm 2004 các bom cỡ nhỏ (227kg) JDAM dẫn bằng GPS.

Tuy nhiên, SDB có nhiều vấn đề kỹ thuật vì nó không đơn thuần là bom gắn thêm bộ thiết bị dẫn GPS. SDB có thiết kế đầu đạn và hệ dẫn hiệu quả hơn. Về hình dáng, nó giống với tên lửa hơn là bom (dài gần 2m và đường kính 190mm).

SDB có ưu điểm khác biệt là khi nổ tạo ra sóng xung kích yếu hơn so với bom thông thường cùng cỡ, nên cho phép thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao và gây thương vong phụ ít hơn cho dân thường.

Mặc dù các loại bom nặng khi sử dụng có hiệu quả dễ thấy, nhưng chúng lại thường là quá mạnh và thậm chí có thể gây thương vong không cần thiết. Binh sĩ dưới mặt đất thích có nhiều hơn bom cỡ nhỏ dẫn bằng GPS. Đây là nguyên nhân khiến bom JDAM 227kg được phát triển và đưa vào sử dụng nhanh chóng. Nhưng nó vẫn quá lớn cho nhiều tình huống chiến đấu diễn ra trong các thành phố. Trong khi đó, SDB chỉ chứa có 17kg thuốc nổ so với 127kg ở bom 250kg KAB-250.

SDB là một tên lửa không động cơ, có thể lượn đi xa. Điều đó làm cho SDB gọn hơn, hiệu quả hơn và đắt tiền hơn. Chẳng hạn, JDAM (hệ dẫn sử dụng ở các bom thế hệ trước) giá chỉ có gần 26.000USD.

Các cánh nhỏ cho phép SDB lượn đi xa đến 70-80 km (từ độ cao lớn).

KAB-250 cũng sử dụng những chiếc cánh nhỏ để bảo đảm tầm bay, nhưng không được xa như SDB, các chuyên gia Mỹ đánh giá.

SDB cũng có phần đầu cứng, cho phép nó xuyên hơn 2m đá hay bê tông, và phần chiến đấu có sức công phá mạnh hơn so với các bom không điều khiển thông thường (vốn chỉ là thuốc nổ bình thường trong vỏ kim loại). Như vậy, SDB là bom thông minh thế hệ mới.

Kết cấu gọn hơn của SDB cho phép mang bom thuận tiện hơn. Chẳng hạn, các tiêm kích F-15/16/18 có thể mang 24 bom này hoặc nhiều hơn nữa.

Hiện tại, USAF đang phát triển bom SDB II (GBU-53) có thêm kênh truyền dữ liệu mã hóa, cho phép tiêu diệt mục tiêu động. Kênh liên lạc đó cho phép điều khiển chuyển động của bom SDB nhờ mạng máy tính trên khoang. Khả năng này là một trong những cải tiến cơ bản cho SDB II, loại bom dự kiến chưa thể đưa vào sử dụng trong vài năm nữa.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem