Bóng bàn đồng đội và những kỳ tích của TTVN tại SEA Games 29

Thứ tư, ngày 06/09/2017 09:40 AM (GMT+7)
Trịnh Văn Vinh đánh bại Á quân Olympic, kình ngư 15 tuổi Kim Sơn chinh phục SEA Games hay tấm HCV của bóng bàn nam là những thắng lợi bất ngờ nhất của Việt Nam ở Đại hội lần này.
Bình luận 0

img

Trịnh Văn Vinh (cử tạ): Không nhiều người dám đặt niềm tin vào Trịnh Văn Vinh khi đối thủ của anh ở hạng cân 62 kg là người 4 lần vô địch SEA Games, Á quân Olympic 2016 Eko Yuli Irawan (Indonesia). Sau nội dung cử giật, Văn Vinh vẫn bị đối thủ bỏ xa tới 5 kg. Nhưng bước vào lượt cử đẩy, VĐV Việt Nam đã thi đấu thăng hoa khi thành công với mức tạ 172 kg trong khi đối thủ chỉ đạt mức 166 kg. Chung cuộc, Văn Vinh giành HCV với tổng cử 307 kg, hơn Eko đúng 1 kg. Chiến thắng của Văn Vinh trước VĐV đẳng cấp Olympic của Indonesia đã làm nức lòng người hâm mộ. Càng ấn tượng hơn khi thông số của anh cũng cao hơn HCĐ Olympic 2016 tới 2 kg. Ảnh: Tiến Tuấn.

img

Dù sở hữu “người phụ nữ nhanh nhất Đông Nam Á” Lê Tú Chinh, tuyển điền kinh 4x100 m vẫn không dám đặt nhiều hy vọng ở nội dung 4x100 m danh giá. Chỉ tính từ đầu thế kỷ tới nay, điền kinh Thái Lan đã 8 lần liên tiếp thống trị nội dung này và đang giữ kỷ lục SEA Games. Vậy mà điều kỳ diệu đã diễn ra, Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Trần Thị Yến Hoa và Đỗ Thị Quyên đã xuất sắc về nhất với thời gian 43 giây 88, ít hơn người Thái tới 0,74 giây. Tú Chinh và đồng đội cũng vượt qua thành tích của người Thái để xác lập kỷ lục mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games, điền kinh Việt Nam giành HCV ở nội dung danh giá này. Ảnh: Tiến Tuấn.

img

Nội dung 5000 m nữ không phải là sở trường của điền kinh Việt Nam ở SEA Games. 4 trong 5 kỳ Đại hội gần nhất, VĐV Triyaningsih của Indonesia đều là người chiến thắng ở nội dung này. Kỳ vọng dành cho Nguyễn Thị Oanh là rất thấp bởi cô mới lần đầu dự thi nội dung này tại SEA Games trong khi đối thủ lại quá mạnh. Vậy mà bất ngờ lớn vẫn xảy ra khi Nguyễn Thị Oanh về nhất với thời gian 17 phút 23 giây 20. Triyaningsih về sau Oanh gần 15 giây và chỉ giành HCĐ. Sự sa sút của Triyaningsih là rất khó giải thích khi ở Singapore 2 năm trước, cô vẫn giành HCV với thời gian 16 phút 18 giây 06. Ảnh: Hải An.

img

Nguyễn Hữu Kim Sơn (bơi lội): Kình ngư 15 tuổi có lẽ là VĐV trẻ nhất của đoàn Việt Nam giành HCV ở kỳ SEA Games 2017 vừa qua. Đường đến vinh quang của Kim Sơn thực sự rất dài. Kình ngư trẻ gây ấn tượng ở nội dung 1500 m trước khi bị loại sau cuộc đấu nội bộ trước với Nguyễn Huy Hoàng. Chỉ có ít ngày để làm quen với nội dung 400 m hỗn hợp, Kim Sơn không thể hiện được mình ở vòng loại. Tại vòng chung kết, kình ngư trẻ xuất phát không ấn tượng. Chỉ tới những vòng cuối cùng, anh mới bất ngờ vượt lên để giành tấm HCV. Chiến công ấy cho thấy tiềm năng cực lớn từ thần đồng mới của bơi lội Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn.

img

Đội tuyển bóng bàn nam: Chiếc HCV nội dung đồng đội nam của đội tuyển bóng bàn là thắng lợi ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam trước người Singapore tại SEA Games 2017. Đây là tấm HCV danh giá nhất từ xưa tới nay của bóng bàn Việt Nam ở SEA Games. Chiến tích này đặc biệt ý nghĩa khi nhiều VĐV của Singapore có gốc Trung Quốc - cường quốc số 1 thế giới về bóng bàn. Ảnh: Dư Hải.

img

Đội thể dục nghệ thuật nữ: Thể dục nghệ thuật không phải môn thế mạnh của thể thao Việt Nam. Trước SEA Games, tuyển thể dục nghệ thuật cũng chỉ được tham dự một giải quốc tế ở Singapore. Tuy nhiên, ở nội dung 2 dây 3 bóng, tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam vẫn xuất sắc vượt qua đối thủ Singapore để giành huy chương bạc, chỉ đứng dưới chủ nhà Malaysia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam giành 1 HCB ở SEA Games. Ảnh: Tiến Tuấn.

Thanh Hà (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem