Những ngôi sao mất World Cup vì những lý do... “củ chuối”

Long Nguyên Thứ năm, ngày 24/05/2018 06:10 AM (GMT+7)
Được tham dự VCK World Cup là khát khao cháy bỏng trong sự nghiệp của bất cứ cầu thủ nào. Tuy nhiên, không ít người đã để lỡ cơ hội chơi bóng tại Cúp thế giới bởi những nguyên nhân lãng xẹt.
Bình luận 0

Ngày 14.5 vừa qua, đội trưởng đội tuyển Peru là tiền đạo Paolo Guerrero đón nhận cả tin vui lẫn tin buồn trong cùng một ngày. Đầu tiên là tin vui, khi Guerrero được coi là đủ điều kiện để chơi bóng sau khi hết hạn cấm thi đấu.

Trước đó, vào tháng 10.2017, chân sút này bị phát hiện sử dụng doping ở trận đấu vòng loại giữa Peru và Argentina. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã treo giò Guerrero 1 năm, sau đó giảm xuống 6 tháng. Khi hết hạn, Guerrero đã ra sân thi đấu 2 trận cho CLB Flamengo (Brazil) và Liên đoàn bóng đá Peru cũng tin tưởng anh này có thể dự World Cup nên đã xây dựng chương trình quảng bá khá rầm rộ.

img

Guerrero lỡ World Cup 2018 vì sử dụng doping

Nhưng đùng một cái, tin buồn ập đến khi Toà án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) đã thảo luận với Ủy ban chống doping thế giới (WADA) và hai bên đã thống nhất cấm Guerrero thi đấu quốc tế thêm 8 tháng. Tổng hợp hình phạt, Guerrero chỉ có thể thi đấu trở lại sau tháng 1.2019 và dĩ nhiên anh không còn cơ hội tham dự World Cup lần đầu tiên trong sự nghiệp.

Trường hợp của Guerrero có thể coi là đáng tiếc, còn trong quá khứ, không ít cầu thủ đã lỡ hẹn với World Cup bởi những lý do vô cùng “củ chuối”. Trước thềm World Cup 1998, HLV của ĐT Argentina là Daniel Passarella muốn siết chặt kỷ luật và đưa ra quy định chẳng liên quan gì tới chuyên môn: Tất cả các cầu thủ đều phải… cắt tóc ngắn.

Dù không hề thích thú, nhiều ngôi sao của Argentina như Batistuta, Chamot hay Ortega đã húi đầu cho yên chuyện. Tuy nhiên, tiền vệ tài hoa Fernando Redondo lại không làm như vậy. “Ông ấy muốn thể hiện quan điểm về kỷ luật, còn tôi lại không cho rằng điều đó là cần thiết”. Redondo thẳng thừng từ chối việc cắt tóc và kết cục là anh bị loại khỏi danh sách ĐT Argentina tới Pháp dự World Cup 1998.

img

Redondo không chơi tại World Cup 1998 do không chịu... cắt tóc.

4 năm sau, khi World Cup 2002 chuẩn bị khai mạc, Santiago Canizares được coi là thủ môn số 1 của ĐT Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do một khoảnh khắc bất cẩn, Canizares đã để rơi lọ kem cạo râu trong phòng tắm. Mảnh thuỷ tinh vỡ gây ra một vết rách khá sâu ở ngón chân cái của Canizares và anh đã không kịp bình phục khiến HLV Clemente phải gạch tên khỏi thành phần dự giải.

Cùng thời điểm, trong quá trình tập luyện với ĐT Brazil, dù là một tiền vệ, nhưng Emerson lại bất ngờ nổi hứng chứng tỏ khả năng bắt gôn trong một buổi tập. Ý tưởng thì vui vẻ nhưng hậu quả lại khôn lường: Một pha bay người và tiếp đất không đúng kỹ thuật khiến Emerson trật khớp vai và mất cơ hội thi đấu. Đen hơn nữa cho cầu thủ này là sau khi anh bị loại, ĐT Brazil đã chơi hay và giành ngôi vô địch.

Đến World Cup 2006, ai cũng tin rằng Ludovic Giuly xứng đáng có một suất đá chính ở ĐT Pháp, sau những màn trình diễn ấn tượng của anh trong màu áo Barcelona. Tuy nhiên, ông Raymond Domenech, HLV đội tuyển Pháp khi ấy tình cờ phát hiện Giuly gửi tin nhắn mùi mẫn để tán tỉnh nữ nhà báo thể thao Estelle Denis.

Mà Estelle là ai? Đó chính là vợ của ông Domenech. Dĩ nhiên đây là chuyện riêng, nhưng ông Domenech không còn muốn nhìn mặt Giuly và ngay lập tức loại anh khỏi thành phần ĐT Pháp. Sau này, trong cuốn tự truyện của mình, Giuly một mực kêu oan nhưng tất cả là sự đã rồi.

Không chỉ có các cá nhân mà cả một ĐTQG cũng từng mất cơ hội thi đấu tại World Cup vì nguyên nhân “trời ơi, đất hỡi”. Tại vòng loại World Cup 1950, ĐT Ấn Độ gặp khá nhiều may mắn khi tất cả đối thủ của họ bỏ cuộc. Bất chiến tự nhiên thành, Ấn Độ giành vé dự VCK World Cup 1950 và họ đã có sự chuẩn bị khá nghiêm túc.

Đùng một cái, FIFA phát hiện Ấn Độ đi đất đá bóng và bắt buộc các cầu thủ của đội tuyển này phải đi giày mới được dự World Cup. Không chịu nhượng bộ, ĐT Ấn Độ cho rằng, họ chẳng việc gì phải... đi giày, sau khi đã đi đất chơi bóng tại Olympic 1948. Ngoài ra, Liên đoàn bóng đá Ấn Độ còn cho biết, họ không đủ kinh phí trang bị giày cho cầu thủ vì nhận thông báo quá gấp.

Chẳng bên nào nhịn bên nào và cuối cùng, Ấn Độ bỏ luôn World Cup 1950. Ngoài ra, cũng ở giải đấu này, hai đội tuyển Scotland và Bồ Đào Nha dù có vé chính thức nhưng sau đó cũng không tham dự với lý do là “ảnh hưởng đến lòng tự trọng”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem