Bóng đèn phích nước Rạng Đông gặp may sau vụ cháy, huy động nghìn tỷ để chơi lớn

Quốc Hải Thứ năm, ngày 10/06/2021 11:27 AM (GMT+7)
2 năm sau khi “bà Hỏa” ghé thăm, Bóng đèn Rạng Đông (HoSE: RAL) liên tục gặp vận may khi kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Khu đất vàng diện tích hơn 5,7 ha, tại số 87 - 89 Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) được gỡ “nút thắt” để lập quy hoạch phân khu đô thị.
Bình luận 0

Là doanh nghiệp thuộc thế hệ vàng son trong ngành chiếu sáng với thương hiệu "vang bóng một thời". Hiện Rạng Đông vẫn là DN chiếm thị phần phích nước lớn nhất cả nước và thuộc top đứng đầu ngành chiếu sáng tại Việt Nam với công suất hơn 150 triệu sản phẩm bóng đèn, hàng chục triệu sản phẩm phích nước và thiết bị chiếu sáng,... mỗi năm.

Gặp “bà Hỏa”, doanh nghiệp vàng son ngành chiếu sáng lại tới thời, huy động nghìn tỷ để… chơi lớn - Ảnh 1.

Hỏa hoạn năm 2019 đã thiêu rụi nhà xưởng của Rạng Đông .Ảnh: Dân Việt

Thời gian gần đây, cổ phiếu RAL của DN thuộc thế hệ vàng son này lại dậy sóng thị trường chứng khoán khi trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn.

Huy động nghìn tỷ để chơi lớn

Mới nhất, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) công bố tài liệu họp cổ đông, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/6, tại Hà Nội. Tại đại hội lần này, tờ trình quan trọng nhất dự kiến sẽ được trình cổ đông là kế hoạch tăng vốn từ cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 91,1%, tương ứng dự kiến phát hành là 11 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, giá chào bán cổ phiếu phát hành thêm được RAL xác định sẽ bằng 65% giá bình quân 20 phiên giao dịch liền trước ngày quyết định thực hiện của Rạng Đông và không thấp hơn 110.000 đồng/CP. Tổng số tiền dự kiến huy động theo giá chào bán tối thiểu là 1.210 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết mục đích phát hành để đầu tư xây dựng nhà máy mới tại khu CNC Láng Hòa Lạc 2; nâng cấp và đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của xưởng LED; và nâng cấp và đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của xưởng Phích.

Gặp “bà Hỏa”, doanh nghiệp vàng son ngành chiếu sáng lại tới thời, huy động nghìn tỷ để… chơi lớn - Ảnh 2.

Kế hoạch sử dụng tiền sau đợt phát hành thêm của RAL (Tài liệu họp ĐHCĐ của RAL)

Thời điểm ra thông tin, thị giá RAL xoay quanh mức 220.000 đồng – 230.000 đồng/CP, điều này có nghĩa mức giá chào bán cổ phiếu tăng vốn của Rạng Đông có thể từ 140.000 đồng – 150.000 đồng/CP, thậm chí có thể cao hơn nếu thị giá RAL trên sàn tiếp tục tăng trước giai đoạn chốt quyền. 

Vì thế, kế hoạch tăng vốn của RAL được dự báo sẽ gây ra không ít trở ngại cho cổ đông bởi mức giá phát hành này khá cao. Nếu được quyền mua thêm 1.000 cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng và đây là con số không nhỏ với nhiều nhà đầu tư…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành 600.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thời gian hạn chế chuyển nhượng là 5 năm. Trong đó, đủ 3 năm được chuyển nhượng 20%, đủ 4 năm được chuyển nhượng thêm 20% và còn lại được chuyển nhượng khi đủ 5 năm.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh trong 2 phiên đầu tuần này, cùng với thông tin phát hành tăng vốn khiến không ít nhà đầu tư đã vội vàng bán ra khiến cổ phiếu RAL giảm gần 30.000 đồng (~13,3%) chỉ sau 2 phiên giao dịch (ngày 7-8/6), từ mức giá 229.000 đồng/CP về mức giá 198.500 đồng/CP.

Hiện, cổ phiếu RAL đã hồi phục về mức giá 202.500 đồng/CP.

"Bé hạt tiêu" nhưng có thị giá đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán

Hồi giữa tháng 5 (phiên giao dịch 17/5), cổ phiếu RAL của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã bứt phá mạnh với mức tăng 13.000 đồng (+5,6%) lên 245.000 đồng/CP. Tại mức giá này, RAL đã vượt qua VCF (Công ty CP VinaCafé Biên Hòa) để trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất Việt Nam. 

Đà bứt phá mạnh của RAL đến từ thông tin Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc chấp thuận dự án đầu tư Nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao tích hợp hệ sinh thái chiếu sáng LED xanh, thông minh của Rạng Đông.

Gặp “bà Hỏa”, doanh nghiệp vàng son ngành chiếu sáng lại tới thời, huy động nghìn tỷ để… chơi lớn - Ảnh 4.

Hỏa hoạn xảy ra nhưng sau đó Rạng Đông đã được bảo hiểm 152 tỷ đồng từ Bảo hiểm PVI (Ảnh: Dân Việt)

Việc cổ phiếu RAL bứt phá trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán dù gây ngạc nhiên với giới đầu tư nhưng lại không bất ngờ.

Ngạc nhiên là với DN thuộc loại "bé hạt tiêu" như RAL, nhưng lại có giá cao ngất ngưởng (vốn điều lệ năm 2020 chỉ 115 tỷ đồng; hiện tại là 120 tỷ đồng; tương ứng với hơn 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành); còn không bất ngờ là vì DN này thời gian gần đây có kết quả kinh doanh tốt, nhiều thuận lợi, đặc biệt là cơ cấu cổ đông rất cô đặc.

Cụ thể, về kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua, doanh thu của RAL đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 38% và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp RAL đạt lợi nhuận sau thuế trên 100 tỷ đồng. EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) quý 1 của RAL cũng đạt 9.109 đồng (trong năm 2020, EPS của RAL đạt 29.224 đồng, cao nhất sàn chứng khoán).

RAL cũng duy trì mức trả cổ tức cao qua các năm. Những năm gần đây (từ 2017 – nay) mức cổ tức chi trả là 50% bằng tiền mặt.

Cũng tại báo cáo tài chính quý 1/2021, Rạng Đông có tổng tài sản 4.523 tỷ đồng, trong đó lượng tiền và tương đương tiền lên tới 1.041 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp này ghi nhận ở mức khá cao lên tới 727 tỷ đồng. Nợ phải trả của Rạng Đông đạt hơn 3.328 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 99,9%.

Cổ đông lớn nhất của Rạng Đông hiện nay là Công đoàn công ty với mức sở hữu 40,91%. Cổ đông lớn thứ hai là bà Lê Thị Kim Yến nắm 14,41% và cổ đông lớn thứ 3 là ông Lê Đình Hưng (Em của bà Lê Thị Kim Yến) với 8,76%. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Đoàn Thăng chỉ nắm 1,77% cổ phần. Còn lại là các lãnh đạo công ty và các cổ đông nhỏ lẻ…

Hiện tại, sau hai phiên điều chỉnh mạnh của thị trường đầu tiền này, cổ phiếu RAL hiện có thị giá xếp sau VCF (hiện có mức giá 231.500 đồng/CP).

Gặp thời sau khi "bà Hỏa" ghé thăm (!?)

Theo tìm hiểu, Rạng Đông có hai nhà máy lớn ở Hà Nội và Bắc Ninh, trong đó có khu đất tại số 87 - 89 Hạ Đình (P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội) với diện tích hơn 5,7ha, do Công ty Rạng Đông quản lý, sử dụng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2007.

Trong những năm 2017 - 2018, Rạng Đông đã nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lập quy hoạch phân khu đô thị với mục đích kinh doanh tại "khu đất vàng" này. Đồng thời, cũng xin bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mấy lần đều không được phê duyệt. Và Nhà máy Rạng Đông vẫn không nằm trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô.

Đến năm 2019, hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại nhà máy Rạng Đông ở khu đất này. Rạng Đông đã ghi nhận khoản bồi thường do hỏa hoạn số tiền 152 tỷ đồng từ Bảo hiểm PVI. Đặc biệt, ngay sau sự cố hỏa hoạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lập tức yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới do sự cố ô nhiễm môi trường, đúng theo mục đích ban đầu mà Rạng Đông hướng tới.

Vì thế, giới đầu tư chứng khoán vẫn ví von RAL "gặp may" nhờ hỏa hoạn. Vì thế cổ phiếu RAL tăng giá cũng nhờ tiềm năng của khu "đất vàng" giữa lòng thủ đô này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem