Bước chân về phía biển

Cẩm Thuý Thứ ba, ngày 13/02/2024 11:35 AM (GMT+7)
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn… (Chế Lan Viên)
Bình luận 0

Phải vào một hôm nào đó không khí tết đã rực rỡ, ngắm những bình gốm Bàu Trúc, Bát Tràng, Phù Lãng… mới thấy hết sự nồng nàn của đồng đất Việt Nam, ánh lên hân hoan trong màu sắc của men, của đất đã qua lò lửa.

Người với đất, đất với người – vì vậy là mối gắn bó mật thiết, trọn đời...

Đất đai nước Việt, từ thuở khẩn hoang mở mang Đồng bằng sông Hồng hay hành trình mở cõi phương Nam, đều là những bước chân đi về phía biển.

1.Từ Việt Trì, sông Hồng có thêm hai phụ lưu là sông Đà và sông Lô. Nhưng lúc bắt đầu, sông Hồng bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn trên Cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc). Với hơn 550km trên đất Việt Nam, sông Hồng bào mòn những vùng đất nó đi qua, hòa trong hàng tỷ mét khối nước mỗi năm một lượng phù sa rất lớn.

Lớn tới mức cần mẫn bồi đắp nên một vùng châu thổ ở trung tâm đồng bằng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Người ta tính rằng mỗi năm phù sa đồng bãi mở mang nhờ lấn ra biển, trung bình 300m qua 11 cửa sông là: Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lá, Ba Lạt, Lạch Giang và Đáy.

Vậy là cứ khoảng từ 150 đến 200 năm, đất nước sẽ có thêm một vùng đất mới cỡ một nửa huyện Hải Hậu, Nam Định. Mà chính huyện Hải Hậu ngày nay là vùng đất được hình thành nhờ một con đê lấn biển.

Bước chân về phía biển- Ảnh 1.

Bước chân về phía biển- Ảnh 2.

Bước chân về phía biển- Ảnh 3.

Ảnh (từ trái): Trồng rau trên vùng đất phù sa ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội); Làng gốm bên dòng sông Cổ Chiên (Vĩnh Long). Mưu sinh trên bãi biển Thịnh Long (Nam Định). Ảnh: T.S - B.H - Shutterstock

Đất đai, đồng ruộng mỗi vùng miền mang một đặc trưng địa lý khác nhau. Nhưng cùng chung một đất Mẹ Việt Nam, mảnh đất mang dấu chân người Việt đi về phía biển, nên từ vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, phù sa châu thổ Nam Bộ hay cát trắng miền Trung đều mang vị mặn của nắng, của gió, của mồ hôi và xương máu cha ông.

Năm nghìn năm trước, những người Việt cổ đã cư trú ở Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ). Ở di chỉ Đồng Đậu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), các nhà khảo cổ đã tìm thấy gạo cháy. Ở Tràng Kênh (Hải Phòng) thấy phấn hoa của lúa nước Oryza. Rồi sau đó, khi vùng biển này lùi mãi ra xa nhờ phù xa bồi lấp, người Việt từ vùng đất cao của khu vực Phong Châu, Mê Linh tiến về phía biển để khai phá đồng bằng.

Ở giữa châu thổ sông Hồng – cái nôi của dân tộc Việt, bỗng một ngày có rồng bay lên với địa thế "trung tâm trời đất", "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hướng nhìn sông, dựa núi", "địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng", "muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi". Tầm nhìn chiến lược của một bậc Đế vương đích thực, Đức Thái tổ Lý Công Uẩn đi đến quyết định có ý nghĩa sống còn đối với đất nước: "Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa, thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời".

Không biết có bao nhiêu bước chân của người Việt đi khẩn hoang về phía biển. Lau sậy, cỏ dại, rừng ngập nước nhiệt đới với bao nhiêu muông thú, rắn rết, thuồng luồng… Mãi tới thế kỷ XVII, Phan Huy Chú miêu tả trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí về đầm Dạ Trạch ở vùng Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn còn là đầm lầy, lau lách.

Cũng không tính được bao nhiêu máu xương người Việt từ thuở chàng trai Phù Đổng nhổ tre mà đánh giặc. Nhưng suốt hành trình đi về phía biển dằng dặc tháng năm của người Việt, đất đai là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, là hương hỏa cha ông "một tấc không đi, một li không rời".

Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm/Đất Nước là nơi ta hò hẹn/Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm. Nhắc đến đất, là trong đầu vang lên câu thơ ấy trong Trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đất vừa thiêng liêng vừa bình dị. Người Việt vừa khẩn hoang, vừa lao động, vừa yêu thương nhau cũng trên mảnh đất quê hương phù sa châu thổ. Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa.

2.Năm 1698, Chúa Nguyễn Phước Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý và lập phủ Gia Định. Nhưng trước đó, có lẽ hàng thế kỷ, nhiều sử liệu cho thấy người Việt Nam đã tới buôn bán và khẩn hoang lập ấp rải rác trong đồng bằng sông Mekong.

Nhà sử học Trịnh Hoài Đức đã chép: Các chúa Nguyễn "chưa rảnh để mưu tính việc ở xa nên phải tạm để đất ấy cho cư dân bản địa ở, nối đời làm phiên thuộc ở miền Nam, cống hiến luôn luôn". Nhưng năm 1658, "Nặc Ong Chân phạm biên cảnh", Hiền Vương liền sai "phó tướng Tôn Thất Yên đem ngàn binh đi 2 tuần đến thành Mô Xoài (Bà Rịa), đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy". Sau được tha tội và được phong làm Cao Miên quốc vương "giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương. Khi ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất".

Như vậy là từ trước 1658, Mô Xoài và Đồng Nai đã thuộc "biên cảnh" của Việt Nam.

40 năm sau, như đã nói ở trên, tức 1698, chúa Nguyễn mới sai Nguyễn Hữu Cảnh vào "kinh lý" miền Nam. Sách "Sài Gòn - TP.HCM: 300 năm địa chính" viết: Đó là cuộc kinh lý miền biên cảnh - khi ấy "đất đai đã mở rộng khắp miền đông Nam Bộ nay. Trên cơ sở lưu dân Việt Nam tự phát tới "khẩn hoang lập ấp", Nguyễn Hữu Cảnh đã lập phủ Gia Định và 2 huyện Phước Long, Tân Bình (một phần nay là TP.HCM). Đúng là dân làng đi trước, nhà nước đến sau. Và miền biên cảnh Nam Bộ sáp nhập vào cương vực Việt Nam một cách thật êm thắm và hòa hợp dân tộc vậy.

Còn theo GS -TSKH Vũ Minh Giang, trong suốt thời gian gần 10 thế kỷ, vùng đất Nam Bộ không đựơc cai quản chặt chẽ và gần như bị bỏ hoang. Từ cuối thế kỷ XVI và đặc biệt là từ đầu thế kỷ XVII, dưới sự bảo hộ của các chúa Nguyễn người Việt đã từng bước khai phá vùng đất này. Người Việt đã nhanh chóng hòa đồng với các cộng đồng cư dân tại chỗ và những cư dân mới đến (người Hoa) cùng nhau mở mang, phát triển Nam Bộ thành một vùng đất trù phú. Cũng từ đây người Việt là cư dân chủ thể và thực sự quản vùng đất này. Từ đó đến nay chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được khẳng định không chỉ bằng thực tế lịch sử mà còn trên các văn bản có giá trị pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Bởi thế, theo GS Vũ Minh Giang, trong suốt hơn 3 thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ người Việt Nam (với ý nghĩa cộng đồng cư dân đa dân tộc) đã đổ biết bao công sức để dựng xây và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và máu. Chính vì thế mà đối với mỗi người dân Việt Nam, Nam Bộ không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng.

Tôi luôn nghĩ về hành trình đi mở đất của người Việt về phía Nam là một hành trình nhiều nỗi niềm, nhiều sự hy sinh và những nỗi cô đơn thăm thẳm. Phải chăng vì câu thơ "Từ thưở mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long" của Huỳnh Văn Nghệ? Hay vì nghĩ đến đoạn trường thân công chúa lá ngọc cành vàng đã phải trải qua, Công chúa Huyền Trân?

Phù sa châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long làm nên vùng đất đai trù phú, sản vật dồi dào. Kết tinh thành hạt gạo Việt Nam ngon hàng đầu thế giới.

3.Không hiểu vì sao năm nào vào lúc Hà Nội lạnh căm căm, góc đường Bà Triệu bắt đầu phấp phới tranh tết là lòng người lại có nhu cầu ngắm gốm. Mà phải vào một hôm nào đó trời thật lạnh, mới cảm nhận hết được sự rực rỡ nồng nàn của đồng đất Việt Nam, ánh lên hân hoan trong màu sắc của men, của đất đã qua lò lửa. Có thể lý giải là vì càng gần tết, lòng người ta càng muốn hướng về cổ truyền, về dân tộc (!?).

Có một năm nào đó chúng tôi đi xem gốm Bát Tràng cùng với vợ chồng Phi - một cặp vợ chồng người Mỹ đang đi du lịch bụi (ta hay gọi là Tây ba lô). Nhưng trong lòng họ thì không Tây ba lô tí nào, họ - mà cụ thể hơn là Phi đang thực hiện một cuộc trở về. Lúc gặp thì tình cờ nhưng sau một hồi trò chuyện thì phát hiện ra Phi là con gái chị Quý - người phiên dịch cho đoàn chúng tôi hồi sang thăm nước Mỹ. Chị Quý sang Mỹ từ trước năm 1975 và từ đó luôn mong trở về, rồi cách đây vài năm chị ấy đã trở về. Phi sinh ra ở Mỹ, nhìn bề ngoài dường như không còn một chút Việt Nam nào. Nhưng Việt Nam - với Phi là nơi mẹ cô vẫn mong trở về, và đã trở về, là thứ tiếng Việt lúc cô còn bé bà nội vẫn cần mẫn dạy. Bây giờ Phi vẫn nói được tiếng Việt tuy không được "sõi" và chịu không hiểu nổi từ "cổ học tinh hoa".

Khi đi ngang qua sông Hồng, tôi bảo Phi đó là dòng sông Cái - nơi đã bồi đắp phù sa cho đất đai và nuôi dưỡng tâm hồn người Việt để những người như Phi, còn dòng máu Việt chảy trong huyết quản thì còn tìm về...

Lạ làm sao ngắm gốm, phù sa sông Hồng hay phù sa sông Cửu Long qua lò lửa đều mang màu của đất. Giống như khi bưng bát cơm thì vị ngọt của hạt ngọc trời mang hương của đất. Giống như khi đi ra nước ngoài, mỗi người lại thấy trong lòng một nỗi nhớ thương hương đất. n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem