Bưu điện văn hóa xã: Cần sớm “thay áo”

Thứ tư, ngày 15/06/2011 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Qua 20 năm xây dựng bưu điện văn hóa xã, có lẽ đây là dịp tốt để sắp xếp lại điểm bưu điện văn hoá xã nhằm giúp thiết chế văn hoá này thoát khỏi cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội".
Bình luận 0

20 năm không đổi mới

Từ những năm 90 của thế kỷ 20, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông thuộc Tổng cục Bưu điện đã xây dựng các điểm bưu điện văn hóa xã. Là cách làm mới đã được sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền nên trong thời gian ngắn, trên 80% số xã trong toàn quốc đã có điểm bưu điện văn hóa xã.

img
Đọc sách báo tại Điểm bưu điện văn hoá xã Hố Mít (Than Uyên, Lai Châu).

Thời kỳ này, diện phủ sóng phát thanh, truyền hình còn hạn chế, số hộ gia đình có phương tiện nghe xem hoặc có báo in để đọc, có điện thoại cố định với tỷ lệ rất thấp thì bưu điện văn hóa xã trở thành nơi cung cấp thông tin, một "thiết chế văn hóa", điểm sáng của ngành bưu điện ở cơ sở.

Song cùng với quá trình đổi mới của đất nước, với chiến lược tăng tốc của viễn thông, cùng với chính sách đầu tư của Nhà nước thì bức tranh điểm bưu điện văn hóa xã đã mờ nhạt dần, vai trò nơi cung cấp thông tin không còn hữu hiệu nữa là sự tất yếu. Suốt 20 năm qua điểm bưu điện văn hóa xã vẫn duy trì cách thức cũ với nhân viên bưu điện thực hiện dịch vụ bưu chính và chuyển phát là chính.

Để có thiết chế văn hóa ở cơ sở, trước hết phải có thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, người quản lý, tổ chức hoạt động phải có hiểu biết và có khả năng chuyên môn để thu hút người dân. Như vậy, phải có sự ra tay, phối hợp của ngành văn hóa mà ngay từ đầu yếu tố này chưa được xác định. Chưa có tổ chức nào tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả của điểm bưu điện văn hóa xã nhưng có thể nói phần đông số này không có hiệu quả.

Tách riêng "bưu điện" và "văn hoá"

Ngoài điểm bưu điện văn hóa xã đúng ra có sự phối hợp từ đầu của 2 ngành chức năng thì ngành văn hóa lại có chương trình xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản rồi thì chương trình đưa văn hóa về cơ sở, ngành tư pháp có chương trình "tủ sách pháp luật", ngành giáo dục có trung tâm giáo dục cộng đồng và hàng loạt các chương trình khác, mỗi ngành, mỗi cơ quan chủ đầu tư làm theo chuyên môn của mình, cách làm riêng mà chưa có sự phối hợp, còn địa phương ai cho gì cũng nhận còn phát huy hiệu quả thế nào thì chưa biết, vì vậy nhìn vào bức tranh toàn cảnh ở cơ sở cũng còn manh mún.

Theo thống kê của ngành thông tin và truyền thông đến năm 2010, ở khu vực nông thôn, số người có điện thoại di động chiếm 33%, số hộ gia đình có điện thoại cố định là 35%, trong khi Internet phát triển nhanh, là phương tiện truyền tải thông tin có hiệu quả cao thì số điểm bưu điện văn hóa xã có kết nối Internet mới chỉ có 30%, số điểm có nối mạng nội bộ chỉ có 10%.

Hiện tại Nhà nước đang triển khai chương trình "Chung tay xây dựng nông thôn mới" là kết hợp nhiệm vụ của nhiều ngành nhiều cấp với nhiều dự án khác nhau, đây cũng là dịp để sắp xếp lại hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã.

Nên chăng có một trung tâm văn hóa cộng đồng là thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia, từ nhà văn hóa xã, điểm bưu điện văn hóa xã... còn dịch vụ bưu chính viễn thông thì tách riêng ra để phát triển.

Đặc biệt là yếu tố con người, phải được đào tạo khả năng quản lý, tổ chức các hoạt động phù hợp với từng nơi, nếu không được công nhận là công chức xã thì cũng phải có chế độ thù lao thỏa đáng để họ yên tâm phục vụ. Làm được như vậy mới xóa được "điểm bưu điện văn hóa xã có cũng như không" theo nhận xét của nhiều người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem