Maria Sharapova và người khởi nghiệp ở Mekong

Chủ nhật, ngày 01/10/2017 12:30 PM (GMT+7)
Một lần, đến nói chuyện về khởi nghiệp với sinh viên đại học Bách khoa TP.HCM, tôi có giới thiệu “bí quyết” chinh phục của các nhà đầu tư Israel: họ không màng quy mô, lợi nhuận mà chú ý nhất đến chất lượng đội ngũ sáng lập và vận hành.
Bình luận 0

Họ thường xem đội ngũ này có đủ ba thành tố: (1) Kỹ thuật chuyên ngành vững, (2) Quản trị giỏi, thính nhạy mùi tiền và (3) Biết tổ chức, phát triển các mối quan hệ. Cuối buổi, một bạn sinh viên đến rụt rè (nhưng bức xúc) hỏi: cô ơi, học ở đâu kỹ năng thính mùi tiền?

img

Sharapova đẹp cả về gương mặt và hình thể, chơi banh hay, thông minh, nàng nữ hoàng quần vợt này có sức cuốn hút mê hồn với các thương hiệu khủng như Nike, Sony, Ericsson, Tiffany… bằng cả ý chí của mình.

Sharapova “quỷ quyệt” biến án phạt thành cơ hội kiếm tiền!...

Anh bạn trẻ, đó chỉ là ví von khả năng phát hiện cơ hội kinh doanh thôi. Gần đây đọc câu chuyện có cái tựa hơi “ác ý” với người đẹp Sharapova như trên, tôi muốn trả lời anh bạn sinh viên Bách khoa, đó đó, hãy xem cách cô ấy biến nguy thành cơ, thành cơ hội tung sản phẩm kiếm tiền.

Sharapova đẹp cả về gương mặt và hình thể, chơi banh hay, thông minh, nàng nữ hoàng quần vợt này có sức cuốn hút mê hồn với các thương hiệu khủng như Nike, Sony, Ericsson, Tiffany… Tạp chí Forbes tính+, sau 16 năm chơi quần vợt chuyên nghiệp, số tiền cô thu từ giải thưởng, quảng cáo, đi sự kiện và bản quyền gần 285 triệu USD.

19 tháng trước, cô bị liên đoàn quần vợt Thế giới cấm thi đấu 15 tháng vì sử dụng chất cấm.Cô họp báo, nước mắt ngắn dài, kêu oan là chỉ sử dụng do vô tình. Hàng loạt hãng quảng cáo “ruột” của cô cắt ngay hợp đồng (hãng giày Nike, đồng hồ TAG Heuer, hãng xe Porsche…). Đồng nghiệp dè bỉu cô là kẻ lừa đảo, trục lợi từ nghề. Hàng triệu khán giả (có lẽ đa số là đàn ông?) xót thương. Họ còn lo cô áp lực, có thể tự tử vì đau khổ, thất vọng…

Rồi cô trở lại thi đấu bốn tháng qua, thành tích cũng đủ tàm tạm. Nhưng gần đây, dư luận nổi sóng khi cô ra mắt “hoành tráng” cuốn tự truyện Unstoppable: My Life So Far (tạm dịch: Không thể chận đứng: Cuộc đời của tôi đến giờ) tại đường số 5, đại lộ kinh doanh nổi tiếng thế giới ở New York.

Té ra cô không chìm đắm trong đau khổ tuyệt vọng. Cô câm lặng tập luyện để trở lại tranh giải, và còn lặng lẽ viết tự truyện cùng êkíp. Nhà báo Oliver Brown viết bài bình luận rất dài trên Telegraph để vạch tội “búp bê Nga”. Theo Oliver Brown, trong quãng thời gian bị cấm thi đấu, Sharapova không tỏ ra hối hận mà rất tích cực kiếm tiền. Chỉ sau sáu tuần từ buổi họp báo khóc lóc giải trình scandal doping, cô đã vui vẻ xuất hiện trong một sự kiện lớn quảng bá cho thương hiệu kẹo cá nhân Sugarpova. Rồi bây giờ là… tự truyện, thứ mà dù tò mò, hay cảm thương, hay khinh ghét, dù là đàn ông hay đàn bà, ai nấy đều muốn mua đọc.

… Đến các dự án khởi nghiệp của bạn trẻ Mekong

Tôi ngồi chăm chú nghe, xem, ghi chép suốt hai ngày cuối tuần qua khi tham gia chấm thi vòng bán kết với 40 dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp của các bạn trẻ vùng Mekong. Xin miễn nói ở đây ba ưu điểm ba khuyết điểm, vì dài dòng. Tôi chỉ ghi nhận về cách “chụp bắt” cơ hội kinh doanh của các bạn, và một số điều tiếc khi các bạn phát hiện cơ hội tốt mà không chịu đi đến cùng, hay khởi nghiệp kinh doanh mà quá nặng cảm xúc, rất ít chú ý đến bối cảnh rất mới của thị trường 2017.

Giám khảo Huỳnh Kỳ Trân, một chuyên gia hoá thực phẩm và dược phẩm gật gù, cái ban giám khảo này rất “chiến”, nắm sâu chuyên môn mà rất thẳng thắn, quyết liệt.

Tôi cãi, các vị cũng nhiều cảm xúc quá đấy chứ, bằng chứng là các vị bị “coup de foudre” (tiếng sét ái tình) với hai sản phẩm quê trất: dưa cây sen và củ ấu tách vỏ. Hai chủ dự án trình bày phải nói là… từ bình thường đến kém. Cô gái nói về dưa cây sen, khi trình bày mắc lỗi kỹ thuật, cô còn “đứng hình” luôn, phải trả lời từng câu hỏi của ban giám khảo. Nhưng nếm sản phẩm, xem thông tin, tìm hiểu nơi chủ dự án, ai cũng quý nỗ lực đưa thân cây sen (đang tràn đầy đồng bằng) và củ ấu thành thương phẩm.

Vài bài thi gây ngạc nhiên. Các bạn biết dùng thủ pháp kể chuyện đầy xúc cảm với hình ảnh và câu chuyện công phu, nhưng vừa truyền được cảm xúc thì… hết giờ. Đọc nội dung dự án, thấy các bạn cũng không phân tích kỹ thuật và làm rõ ưu thế sản phẩm; không phân tích thị trường, định vị sản phẩm và đầu tư hệ thống phân phối…

Đại diện ban giám khảo nhận xét cuối cuộc thi. Một số dự án rất có tiềm năng nhưng chưa chú ý phần nội dung cốt lõi. Cần nghiên cứu sâu các đặc điểm kỹ thuật và nêu bật sự khác biệt, ưu thế của sản phẩm. Kế đó là hiểu biết về thị trường: xác định mô hình kinh doanh, phân tích hành vi người tiêu dùng, giải các bài toán vận hành hiệu quả trong quản trị. Vài thí sinh có đủ tự tin nhưng thiếu lắng nghe.Mà điều cần chú ý, cuộc thi là chuyện nhất thời sẽ qua, còn thành bại khi sản phẩm ra thị trường mới chính là cuộc đời của các bạn.

Một em hỏi tôi “bí kíp” về đưa sản phẩm mới ra thị trường. Tôi đã gửi email cho em. Nói ngắn gọn là: Tìm hiểu nhu cầu mới của khách hàng. Tìm kiếm và chọn lọc từ những phát kiến đã và đang có, mà liên quan sản phẩm mới mình định thực hiện. Phác thảo ý đồ về sản phẩm và giải quyết các bài toán kinh doanh. Phân tích triển vọng hiệu quả kinh doanh. Sản xuất thử. Thử nghiệm thị trường. Tung sản phẩm mới vào thị trường.

Vấn đề còn tranh cãi

Nếm sản phẩm, xem thông tin, tìm hiểu nơi chủ dự án, ai cũng quý nỗ lực đưa thân cây sen (đang tràn đầy đồng bằng) và củ ấu thành thương phẩm.

Một dự án gây tranh cãi nhiều là mứt vỏ trái cây có múi, cuối cùng không được chọn. Hai giám khảo (trên tổng số là bảy người) bảo vệ vì ba ưu điểm: (1) Có thị trường vì phù hợp nếp nghĩ truyền thống là vỏ cam quít… tốt cho sức khoẻ; (2) Tận dụng được thứ phẩm, phế phẩm của nhà vườn; và (3) Khó ngộ độc vì món ăn chơi này không ai ăn đủ lượng để ngộ độc. Tuy vậy, các lập luận sau lại thắng: Sử dụng hàng dạt, vỏ trái cây, là món không phải thực phẩm làm thành thực phẩm, thì khó đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà hiện nay chỉ bảo vệ phần ruột để ăn (cách ly đủ ngày sau khi xịt loại thuốc sâu được dùng) chứ không bảo đảm cho phần vỏ. Xu hướng hiện nay là kiểm soát quy trình thì phần quy trình không thể kiểm soát chính là vỏ các loại trái cây dạt, bỏ. Lời khuyên là với nguyên liệu này, nên chế biến các loại sản phẩm khác không dùng để ăn.

Khó vậy. Nhưng đó là cưỡng chế của tình hình thị trường và vấn đề tiêu chuẩn, an toàn từ năm 2017 về sau. Chắc chắn các bạn khởi nghiệp liên quan nông sản, thực phẩm phải chú ý hơn tới các tiêu chuẩn của thị trường. Khổ thật, vì không ai phân biệt sản phẩm khởi nghiệp và của các doanh nghiệp bình thường.

Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem