Ông Hùng cho biết:
Việc sử dụng thuốc, hóa chất nói chung, và thuốc kháng sinh nói riêng trong chăn nuôi thủy sản được quy định ở rất nhiều văn bản như: Luật Thủy sản; Pháp lệnh thú y; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 119/2008/NĐ-CP và Nghị định số 98/2011/NĐ-CP của Chính phủ; các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Theo quy định tại các văn bản nêu trên thì:
- Tổ chức, cá nhân khi sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y để phòng bệnh, chữa bệnh cho thủy sản phải sử dụng loại có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời phải thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên của cơ quan thú y, người được phép hành nghề thú y (Khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh thú y). Thủy sản đã sử dụng thuốc kháng sinh nhưng chưa đủ thời gian ngừng thuốc cần thiết theo hướng dẫn của nhà sản xuất bị nghiêm cấm đưa vào sơ chế sử dụng (Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP).
- Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: Thực phẩm an toàn phải phải tuân thủ quy định về giới hạn dư lượng thuốc thú y có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Các cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng thuốc thú y. Các thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định phải được thu hồi và tiêu hủy (Điều 10, Điều 23 và Điều 55 Luật An toàn thực phẩm).
Rắc vôi xử lý đáy ao khi vào vụ mới đê hạn chế dịch bệnh cho tôm. Ảnh: Phan Thanh Cường.
Ngày 14.8.2013 Bộ Y tế có Thông tư số 24/2013/TT-BYT ban hành “quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm”, trong đó quy định: Dư lượng thuốc kháng khuẩn Chlortetracycline/Oxytetracycline/Tetracycline tối đa là 200µg/kg đối với thịt cá, thịt tôm sú.
Căn cứ vào quy định của pháp luật và cơ chế tác dụng, công dụng… của kháng sinh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản”. Trong đó nêu rõ sự cần thiết của việc sử dụng kháng sinh và mặt trái của nó trong nuôi trồng thủy sản; nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh, cơ chế tác dụng và cách sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản…
"Trúng vụ, trúng giá" là giấc mơ thường trực của nhà nông. Ảnh: Phan Thanh Cường.
Vậy mặt trái của việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ gây nên những hệ lụy như thế nào, thưa ông?
- Theo đánh giá của các nhà khoa học trong tài liệu hướng dẫn trên thì mặt trái của thuốc kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là gây ô nhiễm môi trường, làm cho các vật nuôi và cả con người kháng lại thuốc khi sử dụng thực phẩm có nhiễm thuốc (vì liều lượng thấp), làm cho các vi khuẩn gây bệnh nhờn thuốc, và như vậy khi người hay vật nuôi bị nhiễm loại vi khuẩn đã nhờn thuốc thì những thuốc “đã bị nhờn” sẽ không sử dụng để chữa trị bệnh.
Dư lượng một số loại kháng sinh tồn dư trong cơ thể vật nuôi thủy sản cũng có thể có tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, các loại kháng này sinh bị cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Những năm qua không ít doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi thủy sản do việc sử dụng kháng sinh không tuân thủ theo đúng quy trình, lượng kháng sinh tồn dư trong trong sản phẩm vượt ngưỡng cho phép, sản phẩm xuất khẩu bị trả lại, một số doanh nghiệp còn bị cấm nhập khẩu sản phẩm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành chăn nuôi, chế biến thủy sản.
Dường như chăn nuôi thủy sản khó có thể nói “không” với thuốc kháng kháng sinh. Vậy làm thế nào để sử dụng kháng sinh trị bệnh cho thủy sản có hiệu quả tốt nhất mà không gây hại cho người và môi trường, đặc biệt là tránh tồn dư thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu?
- Để tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc sử dụng thuốc thú y nói chung và thuốc kháng sinh nói riêng, đồng thời phát huy hiệu quả chữa bệnh của kháng sinh đối với thủy sản và hạn chế tác hại của kháng sinh đối với môi trường, sức khỏe con người... , cá nhân, tổ chức nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh thủy sản cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan, cũng như tham khảo tài liệu “Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia biên soạn.
Theo tài liệu hướng dẫn nêu trên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đưa ra 5 nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản như sau:
1 - Thuốc sử dụng phải được pháp luật cho phép: Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục được phép sử dụng. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc đã bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.
2 - Không nên sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật thủy sản nuôi vì dễ làm cho vi khuẩn “nhờn thuốc” hay kháng thuốc. Chỉ dùng kháng sinh để điều trị sau khi đã xác định được mầm bệnh.
3 - Chọn kháng sinh phù hợp với mục đích sử dụng: Chỉ định dùng thuốc theo phổ tác dụng. Nếu đã xác định được vật nuôi nhiễm khuẩn nào thì dùng kháng sinh theo phổ hẹp đối với vi khuẩn đó. Dùng đủ liều để đạt được nồng độ mong muốn và ổn định. Không dùng liều tăng dần. Chọn thuốc theo dược động học (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ) phụ thuộc vào nơi nhiễm khuẩn và tình trạng bệnh của vật chủ.
Khi mua thuốc, chỉ mua thuốc có bao gói còn nguyên vẹn, trên bao bì phải có các thông tin như tên thuốc, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã số lô, tên cơ sở sản xuất. Trong thực tế, mỗi công ty sản xuất thường đặt cho sản phẩm của mình một “tên thương mại” để phân biệt với các sản phẩm cùng loại của các công ty khác đang cạnh tranh trên thị trường. Nhiều khi nhà sản xuất tìm ra công thức phối hợp 2 hay nhiều loại hoạt chất với nhau để tạo ra một sản phẩm có tính năng trội hơn các sản phẩm khác chỉ có 1 hoạt chất kháng sinh. Vì vậy, khi mua sản phẩm để sử dụng, nên đọc và tìm hiểu kỹ thành phần các hoạt chất có trong đó hơn là chỉ đọc cái tên thương mại của nó.
4 - Sử dụng, bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất: Liều lượng, thời gian sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không sử dụng thuốc kém chất lượng (hết hạn sử dụng, bảo quản không đúng cách, không rõ nguồn gốc xuất xứ). Phải bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, để cách biệt với dầu máy, hóa chất độc và thức ăn. Các loại thuốc đã mở bao gói nếu dùng chưa hết phải được cột chặt, tránh thuốc bị ẩm làm giảm chất lượng.
5 - Khi làm việc với thuốc, người sử dụng phải sử dụng phương tiện bảo hộ lao động (đeo khẩu trang, găng tay...).
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đưa ra 5 vấn đề quan trọng mà người nuôi thủy sản cần quan tâm trong việc sử dụng kháng sinh:
1 - Chỉ sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho thủy sản nuôi khi xác định rõ chúng bị bệnh do vi khuẩn. Không sử dụng kháng sinh để chữa trị các bệnh về virus như virus đốm trắng hay bệnh đầu vàng...
2 - Hạn chế sử dụng lặp lại cùng một loại kháng sinh để tránh làm tăng độ kháng thuốc.
3 - Đối với một số loại kháng sinh, cần ngừng sử dụng trong một thời gian nhất định trước khi thu hoạch để tránh dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu thủy sản nuôi (thời gian ngừng thuốc thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì và theo quy định của cơ quan quản lý – trường hợp có quy định khác nhau thì phải theo quy định có thời gian ngừng lâu hơn).
4 - Trong điều kiện có thể, nên cho giám sát việc sử dụng kháng sinh về mặt thú y thủy sản.
5 - Nắm chắc các nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh và áp dụng đúng các phương pháp sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng trị bệnh thủy sản.
Hiện nay thuốc dùng cho thủy sản rất phong phú, đa dạng, vì vậy khi sử dụng thuốc cần tuân thủ “nguyên tắc 4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian và đúng cách nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Trong quá trình điều trị, nên theo dõi tình trạng sức khỏe và hoạt động của vật nuôi để phát hiện ra những điểm bất thường, tác dụng phụ hay tác dụng không mong muốn của thuốc (nếu có, cần hay đổi loại thuốc, tốt nhất là tham vấn cán bộ khuyến ngư, bác sĩ thú y).
Việc sử dụng không đúng cách trong nuôi thủy sản có thể dẫn đến những mối nguy sau:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sử dụng thuốc;
- Ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và việc tiêu thụ sản phẩm (do thuốc có thể tích lũy trong cơ thể vật nuôi, trong sản phẩm thủy sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng).
- Ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản và môi trường nói chung.
- Không đạt hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Mỗi loại thuốc kháng sinh khác nhau có chỉ định, công dụng và cách sử dụng khác nhau, mặt khác mỗi loại thủy sản khác nhau lại có phương pháp điều trị khác nhau. Để biết thông tin chi tiết về cách sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản, các bạn tham khảo tại trang Web: http://thuvien.khuyennongvn.gov.vn hoặc tìm hiểu trong cuốn “Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát hành.
- Thuốc kháng sinh nào cấm hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi thủy sản?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản (Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2009/TT-BNN được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 29/2009/TT-BNNPTNT, Thông tư số 20/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư số 03 /2012/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), theo đó: Các hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản được liệt kê tại phụ lục 1 và phụ lục 3 như:
Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng, Chloramphenicol và Chloroform…
Để biết thông tin chi tiết về các laoij kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng, các bạn tham khảo những văn bản trên, và chú ý theo dõi những văn bản pháp luật liên quan đã được cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
Xin cảm ơn ông!
Lê Chiên (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.