Cần cân nhắc trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bắt đại biểu Quốc hội

Thành An Thứ năm, ngày 20/10/2022 18:30 PM (GMT+7)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn...
Bình luận 0

Chiều 20/10, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau gần 7 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự thảo Nội quy sửa đổi gồm 3 chương với 57 điều (tăng 1 điều so với Nội quy hiện hành), trong đó, bổ sung 9 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều.

Cần cân nhắc trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bắt đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: QH.

Những điểm mới căn bản của Nội quy kỳ họp (sửa đổi) nổi bật như: Bổ sung quy định thời gian tranh luận của đại biểu Quốc hội không quá 3 phút; cơ quan, cá nhân trình có trách nhiệm cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội và giải trình làm rõ hơn ý kiến đại biểu nêu tại phiên họp trong thời gian không quá 10 phút.

Dự thảo cũng bổ sung một số quy định liên quan đến Chủ tọa hoặc người được phân công điều hành phiên họp.

Về chất vấn, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về chất vấn tại phiên họp toàn thể theo hướng giảm thời gian đại biểu Quốc hội nêu chất vấn xuống không quá 1 phút/lần, giảm thời gian trả lời chất vấn xuống không quá 3 phút/câu hỏi; 

Bổ sung quy định đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội đã hỏi, thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Cần cân nhắc trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bắt đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các điều về hồ sơ dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.

Cùng với đó là quy định về việc đại biểu Quốc hội, khách mời không sử dụng các thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại di động trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự để bảo đảm trật tự, bảo mật, an toàn thông tin trong thời gian tiến hành phiên này.

Cân nhắc trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bắt đại biểu Quốc hội

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra. 

Nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Cần cân nhắc trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bắt đại biểu Quốc hội - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH.

Trong đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với một số nội dung đáng chú ý như: Bổ sung "chế tài" đối với việc chậm gửi tài liệu, theo đó "Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội".

Bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp. 

Cần cân nhắc trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bắt đại biểu Quốc hội - Ảnh 5.

Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH.

Cơ bản tán thành với quy định về thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội là không quá 1 phút; thời gian tranh luận của đại biểu Quốc hội với người bị chất vấn là không quá 2 phút. 

Tuy nhiên, ông Tùng cho biết cần cân nhắc nâng thời gian chất vấn đối với các đại biểu Quốc hội hoặc quy định thống nhất thời gian chất vấn là không quá 2 phút như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành bởi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định tại phiên chất vấn rằng "Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể". Như vậy, có khả năng đại biểu Quốc hội không thể nêu đầy đủ thông tin minh họa trong thời gian 1 phút.

Đáng chú ý, về thủ tục thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng VKSND tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra đối với nội dung phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.

"Việc này nhằm bảo đảm sự thận trọng, khách quan trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung liên quan đến quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội quy định của Luật Tổ chức Quốc hội", ông Tùng cho hay.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định phù hợp hơn quy trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao tại kỳ họp Quốc hội.

"Loại ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Ủy ban Tư pháp có báo cáo ý kiến về nội dung này trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể mà không phải tổ chức phiên họp Ủy ban để thẩm tra vì thủ tục thẩm tra phải tuân theo những bước nhất định, đòi hỏi có thêm thời gian để thực hiện", ông Tùng nêu rõ.

Chưa có văn bản nào quy định cụ thể về "thông tin xấu, độc"

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 6 Điều 7 của dự thảo đã bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khi nhận được "thông tin xấu, độc" về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là quy định cần thiết để bảo đảm quản lý chặt chẽ tài liệu, thông tin tại kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng hiện nay trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có văn bản nào quy định cụ thể về "thông tin xấu, độc".

"Vì vậy, để tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm túc, đúng đắn quy định này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định làm rõ nội hàm của "thông tin xấu, độc" trong dự thảo Nội quy kỳ họp", ông Tùng nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem