Cần có Quỹ kết nối giao thông vùng TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 07/07/2023 16:17 PM (GMT+7)
Ngày 7/7, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bình luận 0
Cần có Quỹ kết nối giao thông vùng TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu - Ảnh 1.

Hội nghị trao đổi, hợp tác TP.HCM và các địa phương Đông Nam bộ. Ảnh: Hà Khánh

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, trong quy hoạch đã phê duyệt có tất cả 8 tuyến đường sắt kết nối vùng gồm: Trảng Bom - Hòa Hưng (Sài Gòn), Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Tây Ninh, tuyến đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước.

Sở GTVT đã phối hợp với Cục Quản lý đường sắt rà soát các tuyến đường sắt mà Bộ GTVT đang lập quy hoạch chi tiết, trong đó có các tuyến qua Bình Dương. Trước mắt, ông kiến nghị Bộ GTVT lập quy hoạch chi tiết các nhà ga để quản lý về đô thị.

Về sân bay Long Thành dự kiến sẽ được khai thác vào năm 2025, ông Lâm thông tin hiện nay cửa ngõ đi sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Do đó, ông mong muốn các tỉnh thống nhất tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tuyến Vành đai 4 đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 8km, hiện tỉnh đã chuẩn bị xong các bước nghiên cứu khả thi, lấy ý kiến.

Tuy nhiên, vừa qua, gần như các tỉnh chưa thống nhất quy mô, phương thức đầu tư, chưa có cơ quan đầu mối phối hợp. Ông Thông đề xuất, TP.HCM có kinh nghiệm làm đầu mối triển khai Vành đai 3 thành công, nếu TP.HCM làm tổ trưởng đối với Vành đai 4 thì kỳ vọng sẽ kết nối các tỉnh khác triển khai tốt hơn.

Cùng quan điểm, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT nên giao TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra làm đầu mối triển khai dự án Vành đai 4 như dự án Vành đai 3 vì với kinh nghiệm triển khai Vành đai 3, TP.HCM sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.

Cần có Quỹ kết nối giao thông vùng TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu - Ảnh 3.

Vấn đề kết nối giao thông vùng là quan tâm trọng điểm. Ảnh: Hà Khánh

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng là hết sức cần thiết. Quỹ được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và các địa phương), nguồn xã hội hóa và các nguồn khác.

Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng; tài trợ cho các hoạt động quản lý, quản trị, nghiên cứu và nâng cao năng lực quản lý. Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là đối với vấn đề hạ tầng, giao thông, một yếu tố đang kìm hãm sự phát triển và khai thác hết tiềm năng của Vùng.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, về dự án Vành đai 4, ngoài sự chủ động của các địa phương, cần đề nghị với Trung ương một cơ quan đầu mối và việc này sẽ được Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì vào tuần sau. "Nếu Bộ giao về địa phương thì TP.HCM sẵn sàng" – ông Mãi nói.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận vấn đề nổi lên hiện nay là kết nối giao thông vùng. Ông đề nghị các tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, trước hết là các dự án đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, trong đó có tuyến Metro 1 kéo dài, tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành với tinh thần chủ động làm việc với bộ, ngành, giải quyết quy hoạch.

Về dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Mãi cho biết sẽ cố gắng trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 7-2027, dự kiến sẽ phê duyệt dự án vào cuối năm 2023, giải phóng mặt bằng vào năm 2024 và khởi công vào năm 2025. Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận nếu tập trung thi công dự án này thì sẽ đồng bộ với các dự án đường Vành đai.

Đáng chú ý, về việc thành lập Quỹ phát triển giao thông vùng, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ông chịu trách nhiệm liên hệ Bộ Tài chính. Ngoài ra, ông cũng giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chủ động phối hợp với Ngân hàng thế giới, Sở Tài chính các địa phương sớm hoàn thiện phương án, đề xuất trong tháng 7, sau đó làm hội thảo, tiếp xúc với các nhà tài trợ và trình lại cho các địa phương cùng thống nhất vào kỳ họp tới.

Cần có Quỹ kết nối giao thông vùng TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị. Ảnh: Hà Khánh

Ông đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Sở GTVT TP nghiên cứu cơ chế của Nghị quyết 98 để đề xuất. Trước mắt có thể đề xuất cho các địa phương sử dụng ngân sách của mình góp vào quỹ này, cùng với nguồn vay quốc tế, nhận tài trợ quốc tế, ngân sách trung ương, tài trợ của doanh nghiệp.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM còn đề nghị các địa phương trong vùng cùng thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Trong đó, với đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hiện TP.HCM đã xây dựng cơ bản đề án và hiện TP.HCM cần có sự phối hợp của vùng để quản lý, thu hút nguồn lực đầu tư.

Một trong nhiều nội dung được các địa phương thống nhất, đồng thuận 100% là đề xuất thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng Đông Nam bộ. Đề xuất này đang chờ quyết định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhìn nhận, sau thời gian tập trung nguồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19, đã đến lúc ngành y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ cùng nhau rà soát, đánh giá lại năng lực của hệ thống y tế so với nhu cầu thực tế.

Việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối cho các tỉnh, thành phía Nam mang một ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực.

Trong thời gian này, Viện Pasteur TP.HCM và Viện Y tế công cộng TP.HCM sẽ tăng cường phối hợp, nhất là trao đổi thông tin về giám sát dịch bệnh giữa các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM sẽ duy trì giao ban trực tuyến hàng tuần về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng với Sở Y tế các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Tiếp nối hội nghị này, Sở Y tế TP.HCM sẽ cùng với các viện và bệnh viện đầu ngành tại thành phố xây dựng kế hoạch hợp tác và hỗ trợ cho các cơ sở y tế thuộc các tỉnh Đông Nam bộ một cách chi tiết, cụ thể với trách nhiệm rõ ràng của mỗi bên để sớm ký kết hợp tác triển khai từ nay đến năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem