Cần sớm có hành lang pháp lý

Thứ hai, ngày 06/08/2012 14:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc phát triển cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) ở Việt Nam hiện được quy định chế tài khác nhau, nhưng chúng ta vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể cho việc phát triển và ứng dụng cây trồng CNSH.
Bình luận 0

Tới 2020 sẽ có 30-50% diện tích cây trồng CNSH

Hiện nay, nông nghiệp đang giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước ta, với khoảng trên 60% dân số tham gia, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu, hàng năm đóng góp khoảng 24% GDP. Trong đó, CNSH cũng được xác định là công nghệ cho tương lai bởi những tác động của nó tới tiềm năng kinh tế của toàn cầu.

img
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT thăm mô hình khảo nghiệm giống ngô chuyển gen đang được trồng tại nước ta.

Năm 1994, Việt Nam chính thức triển khai chương trình CNSH quốc gia để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng lĩnh vực này, với 6 dự án, trong đó có CNSH cho nông nghiệp bền vững. Lĩnh vực CNSH cho nông nghiệp được ưu tiên nhất trong số các dự án, bởi CNSH được coi là đột phá để nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thực tế cho thấy, định hướng phát triển nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi cây trồng CNSH đã được các cơ quan cao nhất của Nhà nước xác định và đang được thực thi ở các cấp độ khác nhau. Quyết định (QĐ) số 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” đặt mục tiêu: Đến năm 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của CNSH chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng trọt các giống cây trồng CNSH chiếm 30-50%. Cụ thể, theo QĐ 11, giai đoạn từ 2006- 2010, thử nghiệm một số giống cây trồng CNSH trên đồng ruộng; từ 2011-2015, đưa một số giống cây trồng CNSH vào sản xuất và từ 2020 diện tích một số cây trồng CNSH (bông, ngô, đậu tương) đạt 30-35%.

Soạn thông tư hướng dẫn cấp chứng nhận sinh vật CNSH

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết: Sau khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, hiện nay Bộ NNPTNT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục cấp phép, cấp giấy xác nhận sinh vật CNSH đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi, dự kiến đến tháng 9 sẽ hoàn thiện dự thảo và phê duyệt vào cuối năm nay.

Với lộ trình như QĐ 11 đã đề ra, nếu so sánh trên thực tế thì hiện các chương trình ứng dụng cây trồng CNSH của nước ta quá chậm, nếu không đẩy nhanh các hợp phần sẽ rất khó đạt được mục tiêu. Đặc biệt, việc xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng cây trồng CNSH ở nước ta cũng được đánh giá là rất chậm chạp.

Tới tháng 7.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký QĐ phê duyệt “Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật CNSH và sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật CNSH”. Đề án tổng thể tập trung vào nhiệm vụ: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý an toàn sinh học cây trồng CNSH, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sinh học... Tuy nhiên, việc thực hiện các hợp phần của đề án này cũng cho thấy còn quá chậm so với lộ trình đề ra.

Nhanh chóng thực hiện lộ trình

Trao đổi với NTNN, TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho biết: “Sau hơn 2 năm Bộ NNPTNT cho phép các đơn vị khảo nghiệm, tôi có theo dõi cuộc họp vào tháng 5.2012 vừa qua cho thấy, vẫn còn có nhiều ý kiến phản đối việc ứng dụng cây trồng CNSH”.

Theo TS Quốc, thực tế, chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lý được quy định rõ từ Điều 65 đến Điều 68 của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 hay Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Chính phủ cũng đã có Nghị định về quản lý cây trồng CNSH. Còn xét về quy trình, Bộ NNPTNT phải khảo nghiệm, Bộ Tài nguyên- Môi trường chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng CNSH. "Mục tiêu của chúng ta là phải đảm bảo về an toàn, đạo đức. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát triển, nên chưa thể hình dung hết được sự phát triển cây trồng CNSH như thế nào để quản lý cụ thể” - ông Quốc nói.

Ông Quốc cũng cho rằng: “Lộ trình về phát triển cây trồng CNSH như tại QĐ 11 là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của nước ta. Một mặt cho phép đưa sản phẩm của cây trồng CNSH vào sản xuất là thực phẩm; mặt khác, cứ cho khảo nghiệm, đánh giá, kết luận mức độ an toàn sinh học với môi trường và biểu hiện của gen với đồng ruộng Việt Nam để hướng tới ứng dụng thành tựu tiến bộ của nhân loại”.

Ông Ngô Văn Giáo- Chủ tịch VSTA: Ứng dụng cây trồng CNSH là cần thiết

Ông Ngô Văn Giáo- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) trao đổi với phóng viên NTNN về một số vấn đề liên quan đến cây trồng CNSH.

Là người gắn bó nhiều năm với giống cây trồng, ông có đánh giá gì về những ưu, nhược điểm của giống cây trồng CNSH?

- Theo thống kê đến năm 2011, sau 16 năm kể từ năm 1996 - khi giống cây trồng biến đổi gen đầu tiên được đưa vào sản xuất, đã có 29 quốc gia cho trồng cây CNSH với diện tích canh tác ước tính vào khoảng 160 triệu ha, chiếm tới 50% trong tổng diện tích 320 triệu ha cây trồng (gồm cả giống truyền thống và giống biến đổi gen) trên toàn thế giới. Sở dĩ các cây trồng CNSH tăng nhanh diện tích như thế là do chúng kháng được thuốc trừ cỏ và sâu hại, từ đó khai thác được tiềm năng năng suất của giống và kết quả là đạt được năng suất thực tế cao hơn các giống nền truyền thống, từ đó thu nhập của nông dân được cải thiện. Nhờ kháng được sâu hại nên sẽ giảm phun xịt thuốc trừ sâu, do đó giảm được chi phí và tác hại đối với môi trường. Một ưu điểm nữa là giúp giảm thiểu làm cỏ bằng tay, từ đó cũng hạn chế tình trạng đất bị xói mòn, nhất là trên nền đất dốc.

Có ý kiến là nếu chúng ta vội vã ứng dụng cây trồng CNSH, sẽ tạo điều kiện để cho một số tập đoàn đa quốc gia độc quyền thị trường hạt giống. Theo ông, điều này có thể xảy ra?

- Chính bởi do những lo ngại về độc quyền kinh doanh hạt giống cây trồng CNSH, từ đó dẫn đến nguy cơ có thể đánh mất chủ quyền lương thực của quốc gia vào tay nước ngoài, nên các nước châu Âu khi chưa tự chọn tạo được các giống CNSH đã phản đối quyết liệt việc thương mại hoá các sản phẩm CNSH từ những năm 80 của thế kỷ trước. Không ít những hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên nhằm hạn chế sự thâm nhập của các công ty Mỹ. Đồng thời, châu Âu đã nhanh chóng hiện đại hoá ngành công nghệ này. Vì vậy, có thể thấy ở các nước phát triển, sự độc quyền kinh doanh giống cây trồng CNSH là khó có thể xảy ra, các cuộc tranh cãi phản đối các sản phẩm này ít đi.

Đối với nước ta, việc nghiên cứu giống CNSH vẫn còn ở giai đoạn phôi thai, vẫn chưa chọn tạo được giống CNSH. Do đó, muốn gieo trồng, thì buộc phải mua hạt giống của các công ty đa quốc gia. Theo tôi, việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển cây trồng CNSH ở Việt Nam là cần thiết, bởi đây là thành tựu khoa học đã được áp dụng rộng rãi và thành công trên thế giới với diện tích ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp thu nhanh để ứng dụng vào sản xuất, tạo bước phát triển mới trong nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem